Tản mạn Mùa Vu Lan

Đã đọc: 949           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Năm nay, hôm Vu Lan ông trời khác lạ vô cùng. Người ta nói nắng mưa là bệnh của trời, nay nắng mai mưa, mốt mù sương, ngày kia sẽ trổi gió. Nhưng ít ra, những hiện tượng tự nhiên thay đổi thì thường có những tín hiệu dự báo cho người ta chuẩn bị tâm lí. Thế mà hôm Rằm tháng Bảy, đúng ngày lễ chính của mùa Lễ Vu Lan, ông trời ở đây lại đùng đùng nổi mưa nổi gió, làm cho lòng người chùn lại. Bao háo hức chuẩn bị cho một mùa đại lễ bổng vụt tắt. Có phải ông trời cũng đang trở chứng hay do lòng thương cảm của ông đang rủ xuống xót thương người Sài Gòn và Việt Nam quê hương tôi, nơi mọi người đang căng mình chống chọi với dịch bệnh Covid!

          Ông thấy đó, mấy ngày sau Vu Lan, tôi mới có chút thời gian để ngồi đây lân lê con chuột và gõ lách cách từng con phím, tản mạn đôi chút về một mùa Vu Lan khác lạ, rất khác lạ với tôi, với tất cả mọi người- Mùa Vu Lan giữa cơn đại dịch Covid.

          Bao nhiêu tuổi đời thì bấy nhiêu mùa Vu Lan trôi qua trong tôi, nhưng Vu Lan thật sự ấn tượng kể từ khi tôi “xa làng theo Phật, gọi tiểu Ni” làm một tiểu ni cô trong chùa. Mấy chục mùa Vu Lan vẫn ấn tượng như là Vu Lan năm nào, riêng Vu Lan năm nay trầm lắng và nhiều âu lo.

          Bên này chúng tôi, cả chùa, cả cộng đồng đang háo hức đón mừng đại lễ Vu Lan, mọi thứ đã chuẩn bị sẳn sàng. Ngày 14, một ngày đẹp trời, gió thu heo may, người người rơm rả nói nói cười cười, tất bật tới tới lui lui lo công việc thì lâu lâu lại nghe điện thoại réo lên báo động cảnh báo bão đến, lại nghe phát thanh viên cứ rao trên đài lanh lảnh tin bão đến gần. Thế là …. Có nhiều nơi hủy hoặc lùi ngày đại lễ.

          Sáng hôm sau, đúng ngày Rằm, Vu Lan! Vắng vẻ, trầm lắng và khác lạ. Buổi lễ cũng đơn sơ, ngắn gọn chứ không bài bản như mọi năm, tuy nhiên cũng đầy đủ những lễ nghi chính như cài hoa hồng, tụng kinh Vu Lan, dâng hoa cúng Phật và lễ cúng tạ thí thực cô hồn. Số người tham dự rất ít nhưng ai cũng có vẻ hối hả, chờ buổi lễ qua nhanh rồi về nhà, sợ trời nổi gió to. À, thì nơi này người ta đang sợ bão, nhưng gió cũng không lớn, mưa cũng không nhiều, mà lòng người thì chùn xuống theo sắc mặt của ông trời.  Phải chăng trời cũng buồn và ảm đảm cho cảnh Vu Lan ở quê nhà? Mà quê nhà có lễ Vu Lan đâu, chỉ là tâm niệm Vu Lan và tổ chức nội bộ trong chùa thôi, …. Nỗi lòng thật miên man khó tả.

          Thỉnh thoảng có chút thời gian, chúng tôi cũng mở xem tin tức bên quê nhà, nhưng những ngày này, càng xem thì lại càng mủi lòng. Thương những cảnh đoạn trường chia ly, thương những mảnh đời bất hạnh thiếu trước hụt sau trong cơn đại dịch, thương những y bác sĩ nơi tuyến đầu đang gồng mình chống dịch, thương cả những lực lượng nhân viên y tế, đội ngủ tình nguyện viên, những tài xế, những công nhân trong ngành y tế, thương cả những người lo công tác vận chuyển và lo hậu sự cho những người ra đi vì đại dịch. Thương thương lắm, biết làm sao! Những gì người tha hương chúng tôi làm được cũng chỉ là kêu gọi gom góp chút ít tiền để gởi về người bên quê nhà để tiếp tế lương thực cho những nơi cách ly và tặng cho người khó khăn. Mà giờ thì cũng hết đi được luôn rồi, nghe nói chỉ có quân đội mới được ra đường, họ còn đi chợ hộ cho người dân. Thương những anh lính làm sao! Họ quen cầm súng ống binh đao để bảo vệ vùng trời bình yên cho đất nước, giờ đại dịch hành, họ lại phải xách giỏ đi chợ dùm cho người dân. Bộ họ không sợ dịch bệnh sao, không sợ bị lây sao. Có chứ, họ cũng như chúng ta mà, nhưng họ có tấm lòng cống hiến và thương người. Trời hành chi cảnh tang thương, chết chóc, chia ly, cách biệt. Phải chăng đại dịch là một đại nạn để cân đo đong đếm phước đức của mỗi người? Ai còn, ai mất, ai mạnh khỏe vượt qua, ai phải chống chọi từng hơi thở. Có lẽ, trãi qua con dịch, mọi người sẽ có cái nhìn khác hơn về cuộc đời và mục đích sống, về tội và phước, về chia sẻ yêu thương và ích kỷ hơn thua.

          Năm ngoái, cả đất nước Hoa Kỳ cũng lâm cơn đại dịch, một ngày cả mấy ngàn người chết, hết tiểu bang nọ đến tiểu bang kia đóng cửa, hàng quán, siêu thị, trung tâm mua sắm vắng bóng người (vì chỉ thị của chính quyền chỉ hạn chế 10, 20 hay 50 người trong các tòa nhà công cộng tùy thời điểm dịch nhiều hay ít). Các chùa cũng tùy thời thế mà hành đạo trong mùa dịch: giảng pháp online, làm lễ online, tụng kinh online. Riêng chùa nơi chúng tôi ở cũng đóng cửa tụng kinh cả ba tháng trời, trong chùa có gì thì ăn nấy thôi. Thời thế dịch bệnh, ăn để sống thôi mà. Bình thường cũng đã chủ trương như thế rồi.

Thống kê số liêu chết chóc ở Hoa Kỳ làm người ta hoang mang tột độ, và thực tế là như vậy. Hoa Kỳ vẫn giữ vững vị trí là số một thế giới về số lượng người nhiễm và người chết do Covid-19. Theo CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) của Hoa Kỳ thì số lượng người nhiễm tính đến nay (25 tháng 8/2021) đã vượt quá 38 triệu người và số người chết đã gần chạm móc 630.000 người (dân số Hoa Kỳ hiện tại là hơn 332 triệu người). Hoang mang là thế, nhưng Hoa Kỳ không hề đóng cửa, cấm cản hay cách ly bệnh nhân Covid-19. Những gì họ làm chỉ là hạn chế số lượng người, giữ khoảng cách xã hội và đeo khẩu trang. Những người nhiễm Covid-19 muốn đi bệnh viện thì đi, không đi thì cứ ở nhà tự trị bệnh, chẳng ai nói gì hay bắt buộc mình phải đi bệnh viện. Thậm chí người nhiễm Covid vẫn đi lung tung chẳng ai cấm cản, kiểu như “tao đi mặc tao, ai biết thì tự tránh” vậy! Ngay thời điểm hiện tại, Sài Gòn bùng phát dịch như thế mà nhiều người bay từ Sài Gòn qua Hoa Kỳ, Hoa Kỳ cũng chẳng quan tâm cách ly hay xét nghiệm gì. Có lẽ vì cho tự do đi lại và không cách ly nên người ta không sợ đói và không có cảnh hỗn loạn. Có lẽ cũng vì cơ sở hạ tầng y tế và hệ thống phục vụ dân sinh tốt nên người ta mới thả lỏng như thế, khi trường hợp xấu nhất xảy ra, người ta vẫn ứng phó được nên người ta mới buông lỏng như thế. Vậy mà, năm ngoái cũng có những lúc nằm ùn ứ, xếp hàng để … vô lò thiêu!

Miên man suy nghĩ thì lại nhớ về Việt Nam. Lại nhớ câu “thôi biết phận mình, mình thủ cho chắc”. Mình thì chỉ biết A B C chứ biết gì về chiến lược chống dịch mà nói, nhưng thấy bên Việt Nam người ta làm gắt gao như thế mà dịch vẫn mỗi ngày mỗi tăng, rồi nhìn những dòng người hồi hương về miền Trung, miền Tây, lòng lại bâng khuâng khó tả. Lại thấy cảnh các nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ cài cho nhau một đóa hoa hồng lên ngực ngày Vu Lan. Chắc đó là ngày Vu Lan đáng nhớ trong cuộc đời của họ. Lại thấy những cảnh chết chóc ly tan vì dịch thì nước mắt cứ chảy ròng, không đủ can đảm để mở ra xem nữa nên thôi, để lòng thanh thản cầu nguyện! Cầu nguyện cho Việt Nam sớm vượt qua đại dịch, trở lại cuộc sống bình thường như trước kia, để mỗi mùa Vu Lan, người người đều được cài lên ngực đóa hoa hồng hạnh phúc, chứ không phải là một mùa Vu Lan âu lo và hồi hộp.

 









Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập