Sự sáng tạo từ cái khó

Đã đọc: 1296           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Cô muốn tìm nhà ổng "Liêm bướng” phải không? Dễ lắm, cứ tới trung tâm huyện Mỏ Cày Nam hỏi tới ổng ai ai cũng biết...

Thấy chúng tôi thắc mắc về cái biệt danh “Liêm bướng”, bà Lê Thị Thum, người chỉ đường kể luôn một mạch: tại ông bộ đội phục viên đó tính khí bất thường, mới học tới lớp 10 rồi xung phong đi bộ đội. Ra quân về sửa xe đạp xóm này. Ai có tiền thì trả, không có thì “làm dùm” miễn phí. 

Đùng một cái ổng chế tạo ra cái máy se chỉ xơ dừa 8 trục làm bà con xứ này “hết hồn” bởi cả trăm năm nay có ai chế tạo thành công cái máy “tuyệt chiêu” này đâu. Sau khi thành công “bướng” lên ông này chỉ nhận dạy nghề miễn phí cho bộ đội xuất ngũ; thanh niên có tiền án, tiền sự mới hòa nhập cộng đồng; phụ nữ nghèo hoàn cảnh khó khăn… cái biệt danh “Liêm bướng” có từ lúc đó.
Anh Lê Văn Liêm
Anh có tên họ đầy đủ là Lê Văn Liêm, sinh năm 1970 tại xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre). Xuất thân trong một gia đình nghèo, từ thuở nhỏ anh rất mê nghề sửa chữa cơ khí. Đặc biệt anh luôn ấp ủ hoài bão chế tạo chiếc máy se chỉ xơ dừa để người lao động bớt vất vã do phải làm thủ công nhưng năng suất rất chậm, thu nhâp không cao.

Anh Liêm tâm sự “…mình là dân xứ dừa, thấy người ta se chỉ thủ công vừa chậm, vừa xấu, mỗi ngày chỉ kiếm được từ 50 nghìn đến 70 nghìn đồng, việc làm lại không thường xuyên, tôi quyết định phải làm cho bằng được cái máy se chỉ để “đổi đời” cho bà con…”.

Ban đầu do chưa nắm vững những nguyên lý kỹ thuật, anh đã vấp phải khá nhiều thất bại khi thiết kế máy, mãi đến lần thứ 6 chiếc máy chiếc máy se chỉ 8 trục mới thành công như mong đợi sau gần 5 năm thử nghiệm của người cựu binh cần cù này. Từ năm 2014 đến nay, người “kỹ sư” tay ngang này đã xuất xưởng trên 200 chiếc máy. 

Sản phẩm của anh đã được đăng ký bảo hộ chất lượng sản phẩm Việt Nam năm 2015; giải nhất hội thi FesTival dừa Bến Tre 2015; giải nhất hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bến Tre năm 2015, là một trong 71 sản phẩm được vinh danh trong quyển “ Sách vàng khoa học kỹ thuật Việt Nam” năm 2016.

Máy xe chỉ xơ dừa 8 trục do anh chế tạo khi chuyển làm quay các trục cuốn bên dưới nhờ thiết kế dạng trục có đĩa ma sát vào các đĩa trục cuốn chuyển động đồng thời. Khi vận hành máy, nếu chỉ bị đứt thì mỗi trục cuốn có thể dừng tạm thời mà không phải dừng toàn bộ thiết bị, nhờ vào chuyển động trượt và lò xo giảm chấn được thiết kế đúng lực tại phần đầu cuốn, bảo đảm an toàn khi vận hành và sử dụng. Máy rất tiết kiệm điện, dễ thao tác cho ra nhiều kích cở sản phẩm khác nhau. Giá bán hiện nay mỗi chiếc máy là 65 triệu đồng.

Điều đáng quý ở người bộ đội xuất ngũ này là anh sẵn sàng bán “chịu” cho người mua mà không phải thế chấp tài sản hay phải trả trước một khoản tiền nào. Với những trường hợp khó khăn hay bộ đội xuất ngũ, phục viên, anh còn miễn giảm từ 5 đến 10%. Không chỉ vậy, người mua máy còn được anh đào tạo nghề thuần thục tại chỗ để tiến hành hoạt động sẽ không gặp bất kỳ những lỗi kỹ thuật nào. Trong suốt quá trình “học nghề” từ 5 đến 7 ngày, người mua được anh bao tiền ăn nghỉ, đi lại…
Cơ sở sản xuất của anh Liêm hiện nay
Bà Phan Thị Tố Loan, ngụ huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh cho biết “…tôi mua máy ở cơ sở anh Liêm được một năm, chất lượng rất đảm bảo, một mình tôi mỗi ngày làm ra từ 60 đến 70 ký dây thành phẩm, trừ tiền điện và các khoản cho nhỏ khác, tôi kiếm được từ 300 nghìn đến 350 nghìn đồng/ngày, gia đình giờ rất ổn định…”

Hiện tại không chỉ đảm trách việc chế tạo máy, cơ sở của anh đang có trên 20 lao động tại chỗ chuyên cung ứng chỉ xơ dừa cao cấp xuất sang thị trường các nước châu Phi, châu Âu để cung ứng cho công nghệ làm màng phủ nông nghiệp các trang trại hoặc chế biến sản phẩm tiêu dùng dạng tiểu thủ công nghiệp. Mức thu nhập của công nhân tại cơ sở của anh Liêm từ 4,2 đến 4,5 triệu đồng/tháng/người, một số tiền không nhỏ so với mặt bằng lao động nông thôn.

Anh Lê Văn Liêm còn “bật mí” với chúng tôi “…tôi sắp “ra lò” chiếc máy mới đánh dây đôi từ chỉ xơ dừa, đảm bảo không “đụng hàng”, chạy thử nghiệm êm re rồi, giờ chỉ làm thủ tục đăng ký xuất bán thôi…”

Chúng tôi rất khâm phục khả năng sáng tạo của người bộ đội này. Với anh, niềm đam mê sáng tạo luôn cháy bỏng và chất “bướng” trong lòng anh thật đáng trân trọng vì anh đã và đang sống đẹp với người nghèo, người khó khăn, sống hết lòng với bà con xứ dừa Bến Tre.

 Nguồn từ : Phật giáo.org

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập