Phát triển du lịch tâm linh Phật giáo tại Đà Nẵng tiềm năng và giải pháp

Đã đọc: 3293           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Du lịch tâm linh là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh làm mục tiêu để thỏa mãn nhu cầu của con người trong đời sống tinh thần. Loại hình du lịch này chủ yếu khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin trong tín ngưỡng, tôn giáo, từ đó mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi đi du lịch. Cũng vì thế,du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng đã và đang trở thành một xu hướng phổ biến, được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm.

          Tại thành phố Đà Nẵng, du lịch tâm linh nói chung, du lịch tâm linh Phật giáo nói riêng nhìn chung đã được các công ty lữ hành du lịch quan tâm khai thác, tuy nhiên so với tiềm năng vốn có vẫn còn những hạn chế nhất định, cần được chú trọng và quan tâm hơn trong thời gian tới.

  1. Tiềm năng về du lịch tâm linh Phật giáo tại Đà Nẵng

Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, Phật giáo được truyền vào Đà Nẵng vào khoảng thể kỷ XVII, trong đó Ngũ Hành Sơn được xem là cái nôi đầu tiên của Phật giáo thành phố Đà Nẵng, đồng thời cũng là trung tâm Phật giáo của Việt Nam trong thời kỳ chúa Nguyễn.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng, tính đến tháng 12 năm 2015, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 10 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân gồm: Phật giáo, Công giáo, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Truyền giáo Cao đài, Hội Truyền giáo cơ đốc Việt Nam, Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam, Hội thánh Báptit Việt Nam (Nam Phương), Họ đạo Cao đài Tây Ninh, Cộng đồng tôn giáo Baha’i, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo. Ngoài ra, có 14 điểm nhóm của các hệ phái Tin lành và 01 địa điểm của tổ chức Pháp tạng Phật giáo Việt Nam được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt.

 Trong đó, riêng về Phật giáo tại thành phố hiện có 03 hệ phái: Bắc Tông, Nam Tông và hệ phái Khất sĩ, với 110chùa, chiếm khoảng 56% trong tổng số cơ sở thờ tự; có 120.790 tín đồ, chiếm khoảng 67% trong tổng số tín đồ và có 699 chức sắc, chiếm khoảng 61% tổng số chức sắc các tôn giáo đang hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, số lượng người dân tại thành phố tin Phật, thờ Phật nhưng chưa quy y cũng chiếm một số lượng lớn song chưa được thống kê cụ thể.

Đặc biệt, đáng chú ý trong 110 ngôi chùa Phật giáo nêu trên, có rất nhiều ngôi chùa cổ  có kiến trúc đẹp như: chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng - Non nước, chùa An Long, chùa Pháp Lâm, chùa Vu Lan, Tịnh xá Ngọc Giáng…Đồng thời, hầu như các ngôi chùa lớn tại thành phố Đà Nẵng đều gắn liền với những cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn như: ngôi chùa Linh Ứng - Non nước, chùa Quan Thế Âm, chùa Tam Thai, chùa Long Hoa, chùa Hương Sơn, chùa Huệ Quang gắn với danh thắng Ngũ Hành Sơn và hiện nay Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng đã quy hoạch xây dựng tại đây Công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn; Chùa Linh Ứng - Bãi Bụt, chùa Sơn Trà gắn với khu du lịch bán đảo Sơn Trà; chùa Linh Ứng - Bà Nà gắn với khu du lịch sinh thái Bà Nà, mới đây vào ngày 24 tháng 12 năm 2015, tại chùa Quan Thế Âm thuộc quận Ngũ Hành Sơn đã khai trương Bảo tàng Văn hóa Phật giáo thành phố Đà Nẵng, đây là bảo tàng Phật giáo đầu tiên của nước ta với khoảng 500 hiện vật bao gồm tượng Phật, mộc bản kinh Phật, đồ thờ cúng, nhạc khí… có niên đại từ thế kỷ VII-VIII và có giá trị văn hóa, mỹ thuật đặc sắc.

Ngoài ra, tại thành phố Đà Nẵng, đối với Phật giáo còn có các lễ hội quy mô lớn như : Lễ Phật đản tổ chức vào tháng 4 âm lịch ; Lễ Vu lan tổ chức vào tháng 7 âm lịch ; lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn tổ chức vào tháng 2 âm lịch; các hoạt động từ thiện xã hội, thuyết giảng Phật pháp, các khóa tu học Phật thường được các chùa Bát Nhã, Bồ đề Thiền Viện, chùa Hương Sơn, chùa Quan Thế Âm.. tổ chức định kỳ hằng năm cũng thu hút một lượng khách du lịch lớn đến tham gia. Ngoài ra, nhiều sự kiện Phật giáo lớn cũng được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại thành phố Đà Nẵng như: năm Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc (Vesak) năm 2008 tại Trung tâm văn hóa thành phố với hàng nghìn Tăng Ni, Phật tử tham gia; Hội thảo toàn quốc của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Linh Ứng - Bãi Bụt trong năm 2011 với khoảng 4.200 người tham dự; hằng năm có nhiều đoàn Phật giáo quốc tế như: Hàn quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đến Đà Nẵng… nên đây cũng là những lợi thế lớn để du lịch tâm linh Phật giáo khai thác phát triển.

Như vậy, tiềm năng về du lịch tâm linh Phật giáo tại thành phố Đà Nẵng tương đối lớn, điều này không chỉ thể hiện ở số lượng lớn các cơ sở Phật giáo gắn liền với các địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố; hệ thống các ngôi chùa cổ với kiến trúc độc đáo; thể hiện ở quy mô các lễ hội, sự kiện Phật giáo được thường xuyên tổ chức tại thành phố mà còn dựa trên ưu thế của Đà Nẵng vốn là nơi có nhiều thuận lợi và tiềm năng về phát triển du lịch.

  1. Một số thành tựu và hạn chế trong việc khai thác du lịch tâm linh Phật giáo tại Đà Nẵng

Trong thời gian qua, nhìn chung chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng như các công ty lữ hành trên địa bàn đã khai thác ngày tương đối có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch nói chung, trong đó có du lịch tâm linh. Điều này được thể hiện qua các số liệu như Báo Đà Nẵng đã chỉ rõ: Tốc độ tăng trưởng bình quân về khách (giai đoạn 2011-2015) hằng năm đạt 20,14%, từ 2.375.023 lượt khách năm 2011 tăng lên 3.818.683 lượt khách năm 2014 (tăng 1,6 lần). Tổng thu du lịch đạt tốc độ tăng trưởng 30,65%, từ 2.405 tỷ đồng năm 2011 tăng lên 9.480 tỷ đồng năm 2014 (tăng 4,1 lần). Dự kiến năm 2015 đón 4.430.000 lượt khách, tổng thu du lịch đạt 11.800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 30,67%/năm.

Trong đó, liên quan đến du lịch tâm linh Phật giáo, theo thống kê của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các Bãi biển du lịch Đà Nẵng, riêng tại chùa Linh ứng – Bãi Bụt  Sơn Trà vào các ngày trong dịp lễ tết Nguyên đán hằng năm trung bình có khoảng 15.000 người/1 ngày đến viếng ; tại khu du lịch tâm linh Danh thắng Ngũ Hành Sơn : tính từ khi thành lập Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (năm 1999) đến năm 2014, Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã đón hơn 5,5 triệu lượt khách, đặc biệt lượng khách tham quan năm sau cao hơn năm trước luôn ở mức trên 15%. Ước tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2015, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do sự suy giảm của toàn ngành, nhưng Khu du lịch vẫn đón hơn 620 ngàn lượt khách đến tham quan, trong đó khách nước ngoài là 219 ngàn lượt, đạt 102% kế hoạch, tăng 26% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch cấp trên giao.Mới đây, báo New York Times đã công bố 52 điểm đến của năm 2015. Đứng đầu danh sách này gồm có những thiên đường du lịch như Milan, Cuba hay Philadelphia, và Đà Nẵng nằm ở vị trí thứ 43 trong danh sách…

Tuy nhiên, theo chúng tôi, dù đã có những bước phát triển tích cực, song loại hình du lịch tâm linh Phật giáo tại thành phố Đà Nẵng hiện nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, các hệ thống dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú phục vụ riêng cho nhu cầu du lịch tâm linh vẫn còn những hạn chế nhất định, việc tuyên truyền quảng bá về sản phẩm du lịch tâm linh của thành phố hiệu quả chưa cao, chủ yếu vẫn diễn ra theo mùa vụ. Giữa các địa điểm du lịch tâm linh Phật giáo còn thiếu sự gắn kết, mạnh ai nấy làm, nên chưa tạo ra những tour, tuyến đặc sắc thu hút khách du lịch. Rõ ràng, đây là những vấn đề cần sớm tháo gỡ và khắc phục nhằm đẩy mạnh việc phát triển du lịch tâm linh Phật giáo tại thành phố trong thời gian tới.

  1. Một số đề xuất, giải pháp

Để góp phần vào việc nâng cao hiệu quả khai thác các tiềm năng về du lịch tâm linh Phật giáo tại thành phố Đà Nẵng hiện nay, chúng tôi xin đề xuất một số nội dung như sau:

Trước hết, cần có sự thay đổi, nâng cao về mặt nhận thức, tư duy trong việc khai thác các tiềm năng về du lịch tâm linh Phật giáo tại thành phố Đà Nẵng hiện nay, trong đó chú trọng đến việc khai thác toàn diện các tiềm năng hiện có, không đơn thuần dừng lại ở việc khai thác những mặt nổi; đồng thời không chỉ tập trung khai thác vào một thời điểm hay mùa vụ nhất định mà có thể nghiên cứu khai thác quanh năm.

Thứ  hai, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo tồn các di tích văn hóa Phật giáo, nhất là tại các cơ sở gắn với các điểm tham quan, du lịch như: khu du lịch Bà Nà - Hòa Vang, khu du lịch Non Nước - Ngũ Hành Sơn, khu du lịch Bãi Bụt - Sơn Trà; nghiên cứu phát triển thêm khu du lịch tâm linh Phật giáo tại khu du lịch Hải Vân gần chùa Nam Hải quận Liên Chiểu;tiếp tục bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa tâm linh Phật giáo hiện đang có của Phật giáo thành phố.

Thứ ba, chú trọng vào việc khai thác các hoạt động du lịch tâm linh mang tính cộng đồng trong Phật giáo như mời du khách tham gia các khóa tu, nghe thuyết giảng Phật giáo; tham gia các hoạt động từ thiện xã hội trong Phật giáo; thực hành các nghi thức, lễ nghi, khám phá ẩm thực chay của Phật giáo… từ đó giúp du khách có những trải nghiệm mới nhất là trong việc khám phá nội tâm tinh thần của bản thân mỗi du khách.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác với các địa phương lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế... trong việc khai thác các tiềm năng về du lịch tâm linh Phật giáo tại thành phố Đà Nẵng hiện nay. Riêng trong địa bàn thành phố, nên có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở Phật giáo có giá trị về mặt du lịch, từ đó hình thành các tour du lịch Phật giáo nội thành liên hoàn, hấp dẫn./.

 

Ths. Đinh Đức Hiền

Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng

Trần Thị Lê Na

Đại học Kinh tế Đà Nẵng

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng, Báo cáo tổng kết về công tác tôn giáo năm 2015.

2. Thạch Phương - Nguyễn Đình An (Chủ biên): Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010.

3. Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 6-2015.

4. Wedside: http://www.baodanang.vn củaBáo Đà Nẵng điện tử.

5. Wedside: http://www.cst.danang.gov.vncủa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng.

 

 

 






Chùa Tam Thai




Quan cảnh từ trên cao Chùa Tam Thai


Ngũ Hành Sơn




Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập