Thầy Nhật Từ với thi phẩm Hành Trang Cho Đời

Đã đọc: 4223           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Hành trang cho đời là một tập thơ có thi pháp nhất định và số câu ngắn, ngoài nhiều bài thơ trí tuệ phải cần có “sự thẩm thấu của tri âm” - vì dùng nhiều thuật ngữ Phật học, vẫn có những bài thơ rất dễ đồng cảm: Những bài thơ ngắn gói cả một trời man mác của nhiên giới, của vũ trụ trong thi ca. Đó là sự cộng hưởng giữa nghệ thuật và trí tuệ giác ngộ.

Trong cuộc sống, chúng ta thường đã tìm hạnh phúc trong vật chất, trong quan hệ tình cảm với mọi người, trong vinh quang của danh vọng. Chúng ta chưa bao giờ ngờ rằng có một thứ hạnh phúc chân thật, cao cả, thanh khiết vĩ đại hơn mọi hạnh phúc kia: đó là sự an định tâm hồn, sự lắng sâu trong thiền định. Và nó cũng chính là chân lý của đời sống. Hạnh phúc và chân lý vốn không thuộc hai phạm trù vận hành riêng biệt. Sự tìm kiếm hạnh phúc tách rời khỏi chân lý là sự tìm kiếm vô vọng. Các sáng tác văn học, thi ca đều bắt nguồn cảm hứng từ hạnh phúc đạt được chân lý ấy. Thi phẩm “Hành trang cho đời” của nhà thơ tu sĩ Thích Nhật Từ là một điển hình.

Hành trang cho đời là một tập thơ có thi pháp nhất định và số câu ngắn, ngoài nhiều bài thơ trí tuệ phải cần có “sự thẩm thấu của tri âm” - vì dùng nhiều thuật ngữ Phật học, vẫn có những bài thơ rất dễ đồng cảm: Những bài thơ ngắn gói cả một trời man mác của nhiên giới, của vũ trụ trong thi ca. Đó là sự cộng hưởng giữa nghệ thuật và trí tuệ giác ngộ.

Thơ thầy Nhật Từ ít chữ nhiều nghĩa, chữ thì cô đọng nhưng ý nghĩa tràn trề và tinh vi, hình thức bình dị nhưng ý tưởng và niệm đầy trong thơ. Mỗi bài thơ là một dòng suy nghĩ, phản ảnh thế giới tâm hồn của tác giả, làm nên sự phong phú, đa chiều, nhiều tầng ý nghĩa. Mỗi câu thơ luôn “đầm đìa chất đạo” và gây cho chúng ta một xúc cảm kỳ diệu của sự giải thoát; thi tính, thi chất và thiền tính vọng lên như tiếng nhạc vọng lên vậy:

Chuông chùa một tiếng ngân vang,

Hòa vào vũ trụ xóa làn ngã nhân.

Lâng lâng khách tục dừng chân,

Ngộ mê hai cõi cân phân rõ ràng.

Sự cân phân rõ ràng trong “chuyện đời thật giả” mà thi sĩ đã mượn ý thơ để hướng con người “ý thức về tội lỗi của mình đã gây ra”, kế đến là nhận thức rõ các nguyên nhân sâu xa gây ra chúng, và sau cùng biết tu sửa hầu giải thoát khỏi những sân si trần tục, từ cõi mê sang bến giác của Phật tính niết bàn. Vì thế, bốn câu thơ trên là một thế giới toàn ý. Trong thế giới siêu thoát của miền cực lạc; có tiếng chuông ngân của vạn pháp, có ý hướng diệt phiền não của tâm tư, chốn tâm tư cần phải hư phải tĩnh để đón hướng Phật vậy. Huyền diệu thay: lâng lâng khách tục dừng chân... là tâm hồn của con người nhận biết được “ngộ mê hai cõi cân phân rõ ràng”...

Sự tỉnh thức này đã phá tan đi bóng tối vô minh vốn là ngọn nguồn của tử sanh bất tận, là ánh sáng soi rọi để thấy rõ đau khổ và giải thoát đau khổ. Nó có công năng gắn kết giữa “hai nẽo đạo đời”:

Đạo một cội, Bắc Nam tông,

Mê thành hai mối, tỏ thông một đường.

Cùng nhau gắng sức hoằng dương,

Cho đời hết lụy, cho tường lý chân.

Vì thế, Đạo không có Đời không có đất sống - Trần gian là cõi xum xuê đạo màu - Đời không có Đạo sống không ra người - Bóng tục đen vằng vặc - Nên phải cần:

Đèn thiền sáng rạng ngời,

Một tâm gồm muôn vật,

Đạo đời!

Trong cái phức hợp của vô minh, chấp ngã, nghiệp chướng của chúng sanh là thiên hình vạn trạng. Xã hội càng văn minh tham, sân, si càng phát khởi. Người ta mải đắm chìm trong phù du giả tạo nên bao đời cứ mãi trầm luân trong biển khổ:

Thế gian lửa dữ cháy đầu,

Tham, sân, si bám rễ sâu bao đời.

Đêm ngày, lặn hụp chơi vơi,

Sắc tài, danh lợi... nguồn khơi khổ sầu.

Như Vincent đã nói: “Nghệ thuật là một cái gì cao cả hơn cái khéo tay, hơn cả tài năng và sự nhận thức của chúng ta. Nghệ thuật là một cái gì được sáng tạo nên không chỉ bằng bàn tay con người, mà còn bằng cái gì đó vút lên từ ngọn nguồn ẩn chìm trong tâm hồn”. Do thế, trước những khổ đau mắt thấy tai nghe, thơ của thầy Nhật Từ đã rung lên niềm cảm xúc:

Thương người bưng bít, trọng khinh...

Thương người lăn lộn tử sinh bao lần.

Và:

Thương đời chẳng rõ con đường

Vượt ra ba cõi, ngát hương ưu-đàm.

Nhưng đó không phải là những rung cảm chỉ được biểu hiện trong ngôn ngữ thơ, mà còn là sự phát tâm, một hành động cụ thể của tác giả:

Chỉ vì chân lý đạo vàng,

Xả thân ta quyết dặm đàng độ mê.

Được hóa độ, thấm nhuần ánh sáng đạo pháp bằng phương tiện “Hành trang cho đời” đã giúp con người ngộ được:

Không tranh nên đắc thắng,

Không màng nên thanh danh,

Không bợn nên trong trắng,

                                     Tinh anh!

Và chúng ta vẫn tiếp tục ngồi thiền ngay khi đã đạt ngộ:

Ngồi cho tâm địa rỗng không,

Ba ngàn thế giới dung thông tỏ tường.

Ở đây, Phật không ngự trên cao vun vút, Phật ở ngang tầm thức giác của con người, Phật hòa và hóa với vạn hữu vạn không... Phật ở cõi lớn không có ngoài, Phật ở cõi nhỏ không có trong, Phật ở trong đời:

Gót sen từng bước vào đời,

Cho tan tục lụy, cho vơi khổ sầu.

Thông trời đất, tỏ đạo mầu,

Tam thiên rúng động thâm sâu: Phật-đà.

Vì vậy, Phật không ở ngoài chúng sanh. Lìa chúng sanh không có Phật. Gót sen là một hình ảnh, một âm hưởng, một nhịp thơ dấu một tượng trưng hình dung sự hiện diện của Phật trong vô cùng, trong vô biên. Cho nên, hữu tình hay vô tình, chúng sinh đều niệm Phật; cõi Phật hiện hữu ở trong Tâm. Và một khi hơi thở con người đồng hóa với cõi Như thì lòng người niệm Phật bằng thiền: thiền và nhiên giới là một, thiền và tâm là một. Không còn sai biệt nữa: mọi thể như mọi thể, mọi âm thanh là hết cả mọi âm thanh, đạo lý là âm thanh, âm thanh là đạo lý vô tận... là hơi thở, là tụng kinh niệm Phật, là niệm thiền:

Ta vui tiếng mõ, lời kinh,

Ta vui thiền định tâm linh nhiệm mầu.

Ta vui lý đạo cao sâu,

Ta vui giải thoát qua cầu tử sanh.

Thực thể siêu hình ấy đã phản ánh trong kinh Lăng già Tâm ấn: đại nhi vô ngoại, tiểu nhi vô nội... Lớn đến như không còn có ngoài, nhỏ đến như không còn có trong... lớn nhỏ mất biên giới thành một cái mà Khổng Tử nói “Nhất dĩ quán chi” Lão giáo gọi Đắc Nhất: cả một yếu lý siêu hình và không - thời - gian - vạn - vật chứa trong những câu thơ của thầy Nhật Từ, hình dung “cõi” mà chúng sanh tới: cõi vô cùng mà hữu cùng, hữu cùng mà lại vô cùng... một khi ranh giới đã xóa bỏ đã đồng hóa thì không còn trong không còn ngoài... tất cả làm một. Hằng trăm câu thơ của thầy Nhật Từ cùng biểu thị một yếu lý uyên áo của thiền tông vậy.

Soi gương thấy mặt mũi mình,

Soi sanh diệt bặt tử sinh chập chùng.

Soi bi thử dứt ngã nhân,

Soi tâm thấy rõ trần gian niết-bàn.

Đó là sự vận hành đi vào thực tại, là thực tại và hạnh phúc (phiền não tức bồ đề).

Tại đây, khi vô ngã tưởng có mặt thì ngã tưởng vắng mặt. Nhưng, do vì tập khí chấp ngã lâu đời, các ngã tưởng thường dấy khởi che mờ tâm thức hành giả và che mờ thực tại, khiến hành giả cảm nhận chập chờn thực tại và hạnh phúc: đây là thời điểm của sáng tác thi ca, cảm tác những vần thơ đạo, cả những khi cảm nhận hư ảo và khổ đau tạo nên niềm nhớ nhung về thực tại cũng là nhân duyên để sáng tác.

Và, như lời tu sĩ  Viên Minh đã nói: “Thơ là vẻ đẹp của ngôn ngữ - Đạo là vẻ đẹp của vô ngôn. Hai phạm trù tưởng chẳng bao giờ hội ngộ, thế mà từ ngàn xưa trong văn học của loài người cả hai mãi hòa quyện với nhau như hình với bóng.

Thơ, một thể loại ngôn ngữ có vẻ như thực thực hư hư, đầy tính văn nghệ phiêu bồng, phất phơ lảng đảng và chẳng có độ chính xác nào đáng tin cậy, nào ngờ lại chuyển tải được Đạo cao hơn bất cứ thể loại văn chương triết luận nào.

Thơ gần với Đạo chính vì trong cốt cách lửng lửng lơ lơ của mình thường để ngỏ những dấu lặng bất ngờ cho vô ngôn âm thầm hiển lộ. Đạo không hiện hữu trong ngôn ngữ của thơ mà tràn đầy trong tính thơ của ngôn ngữ: Tính mơ hồ, vô định. Bởi vì cái gì đã được xác định hay phủ định một cách quá rành mạch thì không còn là Đạo nữa. Chỉ khi nào ngôn ngữ tự hóa thân - qua tính thơ huyền ảo - mới thực là lối vào tịch lăng vô ngôn”.

Vậy, tịch lăng vô ngôn là gì? Tịch lăng vô ngôn là thiền. Thiền là sự đồng hóa trong hư, trong tịch, trong thường trụ, trong cõi phi sai biệt... giữa người và nhiên giới, thiền là tịch lăng vô ngôn. Thiền là cảm thông, là hóa, là hòa. Thiền là mất biên giới... như thể cái thiện cao tột vượt qua thiện và ác, cái đẹp tối thượng vượt cả hai xấu và đẹp. Cái thực tại vĩ đại vượt khỏi huyễn và thực. Hạnh phúc tối cao thoát ngoài đau khổ và vui sướng. Thực tại, và thành tựu khi “hành trang” thơ đã chuyển tải “cho đời” tâm ý của tác giả: “... có thể giúp ích cho những người con Phật trong quá trình “làm mới” lại đời sống đạo đức và tâm linh của chính mình, tái tạo “hạnh phúc” từ khổ đau, “chuyển hóa” phàm tình thành thánh trí và “tiếp nhận” niết bàn từ phiền não, để mỗi người là một “Tịnh Độ” nơi cõi Ta-bà, bây giờ và tại đây!”:

Con nay giác ngộ quay đầu,

Quy y Tăng, Phật, Pháp Mầu Như Lai,

Cho con hạnh phúc hôm nay,

Cho đời cực lạc tại ngay dương trần.

   ĐĂNG LAN

Nguồn: Suối Nguồn 16

Đọc tập thơ tại đây: http://www.buddhismtoday.com/viet/tho/001-hanhtrang.htm

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (5 đã gửi)

avatar
Mộng Bình Thường 07/11/2012 10:19:31
Ta vui tiếng mõ, lời kinh,

Ta vui thiền định tâm linh nhiệm mầu.

Ta vui lý đạo cao sâu,

Ta vui giải thoát qua cầu tử sanh.

Tuyệt vời quá ạ!
avatar
Chung Le 07/11/2012 13:57:15
Thua Thay Nhat Tu:

Con rat thich tap tho nay. Con xin hoi con muon mua thi mua o dau? Cam on Thay va chuc Thay luon khoe va Phat su vien thanh

Kinh
avatar
liên oanh 08/11/2012 07:32:57
mình thì thích :
Gót sen từng bước vào đời,
Cho tan tục lụy cho vơi khổ sầu.
Thông trời đất, tỏ đạo mầu,
Tam thiên rúng động thâm sâu: Phật- Đà
avatar
Ngọc Chiếu 09/11/2012 02:39:01
@ Chung Le: Phật tử có thể tìm sách của Thầy Nhật Từ ở Phòng phát hành kinh sách Đạo Phật Ngày Nay, số 86 Nguyễn Chí Thanh, quận 10
avatar
Ngọc Mỹ 28/01/2013 06:33:51
Thưa thầy,

Con thấy tập thơ này rất hay và ý nghĩa, sẽ là hành trang bước vào đời cho chúng con. Con có liên hệ với chị Thanh ở Phòng phát hành kinh sách Đạo Phật Ngày Nay, số 86 Nguyễn Chí Thanh, quận 10 nhưng được biết là ở Phòng phát hành kinh sách không có cuốn này.

Con rất mong thầy xuất bản tập thơ này và thầy có thể đăng lên cả tập được không ạ, ở link http://www.buddhismtoday.com/viet/tho/001-hanhtrang.htm là trích chương 5 thôi phải không thầy.

Con thành kính tri ân thầy.
tổng số: 5 | đang hiển thị: 1 - 5

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập