Những nhà sư Khmer nặng việc đời

Đã đọc: 3634           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Khoác áo cà sa, nương nhờ cửa Phật, nhưng lại không hề xa lánh hồng trần, mỗi khi xã hội cần là những sư sãi, đại đức tại nhiều ngôi chùa Khmer ở Kiên Giang đã không quản nắng mưa, khó khăn, cực khổ, tự nguyện đóng góp công sức tham gia xây cầu, làm đường giúp đời.

Thậm chí họ còn sẵn sàng hiến giọt máu đào của mình để cứu người.

Xung phong cứu người

Lần đầu có mặt trong đợt hiến máu nhân đạo (HMNĐ) do Thành đoàn Rạch Giá tổ chức, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra trong nhóm thanh niên tình nguyện ấy có màu vàng của chiếc áo cà sa. Thoạt đầu, tưởng các vị sư đến đây để động viên tinh thần phật tử, nhưng khi nghe xướng tên mời sư vào, tôi mới vỡ lẽ, họ đến đây chia sẻ những giọt máu đào của mình để cứu người. Thấy tôi ngạc nhiên, một đồng nghiệp ở Kiên Giang cho biết: “Khởi đầu từ năm 2006, phong trào sư sãi trong các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh nói chung, TP.Rạch Giá nói riêng đã duy trì liên tục được 6 năm”. Đáng nói hơn là 6 năm qua, phong trào ngày càng đi vào chiều sâu và trở thành một trong những biểu hiện giúp đời nổi bật nhất của các vị sư.

Đại đức Danh Dương, Phó Trụ trì chùa Khmer Rạch Sỏi, Chi hội trưởng Chi hội Sư sãi chùa, nói: “Lúc đầu tham gia HMNĐ, nhiều sư không khỏi bỡ ngỡ nên có những sự cố ngoài ý muốn. Toàn chùa có 22 vị sư tình nguyện HMNĐ, nhưng có lẽ do quá hồi hộp, xúc động nên chỉ có 18 vị thực hiện được tâm nguyện. 4 vị còn lại không hiến được vì sức khỏe, lại có cảm giác như mình bị mắc lỗi nên cứ buồn hoài, tôi phải phân tích mãi các vị này mới chịu thôi”.

 
Cổng tam quan, kiến trúc mang đậm chất văn hóa Khmer Nam Bộ đã trở thành biểu tượng của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: T.B

Tuy nhiên, điều đáng mừng là lần khởi sự này đã khơi mào cho phong trào tình nguyện HMNĐ rộng khắp trong giới sư sãi Khmer ở Kiên Giang. Theo đó, bên cạnh sự tham gia đều đặn của các vị cao tăng như: Đại đức Danh Dương, sư Danh Thanh đã có 6 lần HMNĐ, các sư trẻ như: Danh Hồng Phước, Thái Thiệu, Danh Tâm... mỗi người cũng có từ 3-5 lần HMNĐ... “Mỗi lần hiến máu, những người xuất gia chúng tôi thấy lòng mình thanh thản hơn, vì biết được rằng những giọt máu của mình sẽ góp phần cứu một người vượt qua cảnh sinh ly tử biệt”, đại đức Danh Dương bộc bạch.

Anh Lâm Việt Huỳnh, Bí thư Thành đoàn Rạch Giá, nhận xét: “Xuất phát từ nhu cầu tạo điều kiện giúp cho thanh niên (TN) dân tộc Khmer, nhất là thanh niên đang là tu sĩ, sư sãi các chùa đóng trên điạ bàn TP.Rạch Giá hiểu thêm về công tác Hội LHTN Việt Nam, bắt đầu từ năm 2004, chúng tôi tiến hành xây dựng Hội TN ở các chùa. Tuy lúc khởi đầu cũng có những khó khăn nhất định, nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình của các vị sư trụ trì, phong trào xây dựng Hội TN trong các ngôi chùa Khmer nhanh chóng phát triển. Sau khi thành lập được các chi hội TN ở các chùa Khmer Rạch Sỏi (Vĩnh Lợi), Thôn Dôn (An Bình), Láng Cát (An Hòa) và Phật Lớn (Vĩnh Quang), đã có hơn 100 hội viên (HV) tham gia sinh hoạt. Qua đó không chỉ phát triển về tổ chức, mà chất lượng hoạt động của Hội TN cũng từng bước đi vào chiều sâu, trong đó phong trào HMNĐ chỉ là một trong số những “việc đời” các vị sư Khmer tình nguyện thực hiện.

Tình nguyện giúp đời

Không chỉ dừng lại ở việc hiến máu cứu người qua cơn nguy khốn, tác động của tổ chức Đoàn còn khiến nhiều vị sư trẻ tuổi trong các chùa Khmer tự nguyện dấn thân vào nhiều hoạt động giúp đời khác. Bên cạnh việc tận dụng thời gian ngoài giờ “tu”, các vị sư đã trao đổi, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến các phật tử, qua đó tạo nên niềm tin trong đông đảo phật tử là đồng bào dân tộc Khmer vào đường lối phát triển đất nước, chấp hành chính sách, luật pháp... Đặc biệt vào những dịp lễ, tết dân tộc, các chi hội TN trong chùa Khmer còn phối hợp với địa phương tổ chức các trò chơi dân gian. Anh Trần Hữu Dũng, Bí thư Đoàn phường Vĩnh Lợi, nói: “Lúc đầu một số vị sư tỏ ra ngại, sợ phạm vào những quy định của nhà Phật, nhưng qua giải thích, động viên dần dần các vị sư đều tự nguyện tham gia”.

 
Không chỉ tham gia hiến máu cứu người, nhiều vị sư sãi Khmer còn tình nguyện tham gia các hoạt động xã hội giúp đời.

Từ khi mới thành lập, Chi hội sư sãi chùa Láng Cát, Thôn Dôn đi vào hoạt động có nhiều thuận lợi, bởi chi hội trưởng là đoàn viên TN khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đại đức Danh Út, Trụ trì chùa Thôn Dôn, cũng là Chi hội trưởng sư sãi nhà chùa, phấn khởi: “Hiện nay ngoài 24 vị sư sãi là HVTN, còn có 20 HVTN con em đồng bào phật tử đang học tập ở các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của tỉnh cùng tham gia. Các hoạt động của phong trào TN luôn gắn liền với phong tục tập quán của cộng đồng Khmer Nam Bộ”. Ngoài việc tham gia tình nguyện với cộng đồng, nhà chùa còn phát động phong trào phổ cập tiếng Khmer tại chùa, vào mùa hè mở lớp ngay tại địa bàn dân cư. Đại đức Danh Út bày tỏ: “Chúng tôi quan niệm, dạy cho các em thêm cái chữ cũng như tưới thêm cho cây một giọt nước. Nếu nước làm cho rễ có thêm điều kiện bám sâu vào lòng đất để phát triển bền vững thì chữ sẽ giúp các em  có thêm điều kiện gắn bó với cội nguồn dân tộc”.

Tạm biệt các sư sãi chùa Khmer trong những ngày cuối năm. Dù không nói thêm với nhau lời nào, nhưng với những cái bắt tay thật chặt, chúng tôi hiểu rằng đó không chỉ là lời cam kết tiếp tục duy trì và phát triển nghĩa cử cao đẹp mà còn là lời nhắc nhở tất cả thanh niên Việt Nam: Dù ở bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, một khi đã xác định lý tưởng sống có ích thì đều có thể giúp đời, giúp xã hội ngày càng tươi đẹp hơn.

Nguồn: Lao Động

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập