Một con người hai thế giới

Đã đọc: 3044           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Giữa nghìn trùng sóng gió, giữa đất trời mênh mang, trái tim thương yêu tình người vẫn tỏa sáng, để ngay cuộc đời này là miền Cực lạc. Tấm lòng sắt son đó, niềm mơ ước cao cả đó, một ngày kia sẽ thành tựu, sẽ vuông tròn, đi vào gió cát phù hoa để trở thành diệu mật Ba la!!

Viết về một con người đã là khó, huống hồ viết về một gia đình có truyền thống đạo đức lâu đời. Ghi lại những hành hoạt của con người một cách trung thực là điều không dễ, nhưng ghi nhận sự rung cảm của trái tim tình người là một hành động vượt ngoài sự kiểm soát của trí não bình thường. Một trái tim như mặt hồ tĩnh lặng, như trăng tròn 16 luôn chiếu sáng đến từng góc cạnh của cuộc đời được nuôi dưỡng từ truyền thống Tổ tiên, Ông bà Cha mẹ.Trong công việc từ thiện, trái tim của gia đình chị đã trở thành trái tim của mọi người, của muôn nhà chứ không còn là trái tim của vợ chồng con cháu hay họ hàng thân tộc. Với gương mặt đượm chút trầm buồn, người ta có thể đoán được đã có một thời, chị cũng từng đau khổ sầu bi và chứa chan nhiều giọt lệ. Nhưng đối với người tỉnh thức, thì những giọt lệ này không còn là giọt lệ đau thương, mà trở thành tịnh thủy yêu thương, viên minh châu lấp lánh hay hòn sỏi điểm tô trong vườn hoa tình người!

 Phước báu từ Ông bà-Cha mẹ:

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình tại miền đồng bằng sông nước. So với đời sống dân quê, gia đình chị thuộc thành phần có phước dư dả. Họ dư dả của cải vật chất đã đành mà còn thừa thãi tình cảm, lòng thương người giúp đời.

Trong khi có nhiều gia đình cũng lắm của nhiều tiền, nhưng được một tấm lòng chắt chiu sẻ chia, giúp đỡ những người cùng thôn ấp, bị đói kém thời loạn lạc thì chẳng mấy ai. Bởi trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, ai cũng thủ phần cho gia đình mình. Còn đối với gia đình chị, mặc dù Ông bà Cha mẹ đã quá cố, nhưng mỗi khi nhắc đến họ tên thì được mọi người xung quanh tỏ lòng kính trọng và quý mến vì những việc làm có ích cho cuộc đời và xã hội.

Có lẽ chính vì vậy, từ thuở ấu thơ, hình ảnh đó đã được ghi vào tâm khảm của mấy chị em. Sau này vận nước nổi trôi, mỗi người mỗi nơi lập nghiệp, nhưng làng quê xưa cũ vẫn là địa chỉ ưu tiên hàng đầu mỗi khi phát tâm làm từ thiện. Ngày nay, dù không còn trực tiếp sinh sống dưới Bến Tre, nhưng mấy chị em không ai bảo ai đã tự hứa với lòng mình, tiếp tục con đường của Cha mẹ, luôn quan tâm về nơi chôn nhau cắt rốn để giúp đỡ sẻ chia và góp phần xây dựng quê hương cho người dân thoát cảnh khốn khó. Nào là xây nhà tình thương, tình nghĩa, giúp đỡ người neo đơn, nào là hỗ trợ học sinh nghèo, xây cất cầu đường, xây dựng chùa chiền, nuôi người khuyết tật...

Đây mới chỉ là một phần chia sẻ nhỏ của gia đình chị mấy mươi năm qua. Hơn nữa, công việc thiêng liêng cao quý này, tưởng đâu chỉ đến đời chị em trong gia đình là chấm dứt, nào ngờ, mấy chị em chị đã khéo léo truyền dạy cho thế hệ con cháu, cho những nhân viên trong công ty, cho những người giúp việc cùng nhau thực hành. Điều này không có mấy gia đình làm được. Vì đa phần thế hệ người lớn nổ lực tu tạo phước lành, nhưng đến thế hệ thứ ba là bắt đầu không còn quan tâm tới công việc tối ngày ‘lo việc của thiên hạ’, nhất là giới trẻ tại thành phố phồn hoa đô thị này.

Ôi, sống giữa thế trần ràng buộc, đi trong cõi phù sinh hư huyễn mấy ai hiểu thấu được tình thương thánh thiện này? Nơi cõi Ta bà con người bôn ba tranh giành, có bao nhiêu gia đình làm được những điều này? Dòng thời gian cuốn trôi tất cả, cơn vô thường lặng lẽ đi qua, còn chăng, chỉ là những dấu chân đơn độc, những cát bụi phù du, những ngậm ngùi phôi pha!

Có lẽ, nhờ phước báu của Mẹ-cha để lại, gia đình chị đã thấu hiểu chân lý này một cách rõ ràng. Có lẽ, nhờ những tháng năm cơ cực với cuộc đời, nhất là những tháng ngày hứng chịu biết bao đắng cay trong sa mạc hoang liêu bốc cháy, chị đã nhận ra rằng: con người cuối cùng cũng phải lặng lẽ giã từ, như cát bụi trở về cát bụi, phải phát tâm làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo, không tiếc bất cứ điều gì từ địa vị danh dự, đến của cải vật chất lẫn tinh thần!!

 

 Một con người hai thế giới:

Trong sinh hoạt gia đình, chị vừa là người Mẹ mang dáng dấp truyền thống Việt nam vừa là một tấm gương phản chiếu vào đời sống của chồng con. Ngoài hai biểu tượng thiêng liêng quan trọng này, tôi nghĩ trong tận cùng tâm khảm của chị phải có một đời sống riêng tư thầm lặng.

Trong chị có hai thế giới: một thế giới dành riêng cho chồng con và gia đình, với đời sống đang trôi chảy, diễn ra hằng ngày; một thế giới sống với trái tim tĩnh lặng thanh khiết khi hướng về việc thiện. Hai thế giới ấy quấn quyện, đan kết, khắn khích nhau, khiến cho hình ảnh của chị trở thành thân thương, có thêm chiều kích rộng và sâu! Có lẽ nhờ vậy mà chị luôn hoàn thành trách nhiệm với gia đình, thành công các chuyến từ thiện cho Quỹ Đạo Phật Ngày Nay một cách mỹ mãn. Một tập thể, một công ty, nhiều gia đình có trong tay mà thiếu sự hòa hợp, thiếu sự đồng điệu của con tim, thì chẳng có sức mạnh gì.

Bên cạnh chị còn có mấy chị em nữa, ai cũng có đôi tai nhạy bén để lắng nghe, ai cũng có cặp mắt tinh tường để nhìn rõ, ai cũng có trái tim trinh nguyên để nhận xét mọi việc đang diễn ra xung quanh. Dù đã xa quê sống trên thành phố mấy mươi năm, nhưng trong chị vẫn còn bản chất mộc mạc, chân thật. Chính yếu tố này đã giúp chị xoay sở, vượt qua mọi thử thách chông gai trong tài chính, trong tổ chức. Nhờ thái độ và trái tim coi việc công cũng như việc tư, thậm chí coi việc từ thiện quan trọng hơn việc gia đình, nên chị mới có thể thực hiện một cách lâu dài bền bỉ như thế!

Một trong những điều quan trọng dẫn đến thành công trong công việc là đời sống chân chất giản dị, tươi vui của chị và gia đình. Mặc dù là những người thành đạt trong xã hội, nhưng khi tiếp xúc với họ, ‘cái tôi’ dường như chẳng còn. Mặc dù là nữ nhi chân yếu tay mền, nhưng tôi thấy trong chị vẫn ẩn chứa chất khôi hài, dí dỏm và mạnh dạn khi cần thiết. Nhờ vậy mà những căng thẳng, những khó khăn trước mắt, những xung đột lâu dài được tháo gở và hóa giải!!

 

 Đầu tư công đức:

Khi Thầy phát động bất cứ việc từ thiện gì, chị thường ứng ra chi trả hay đặt cọc bằng tiền túi của mình trước. Sau đó mới đi vận động bạn bè và các nhà hảo tâm. Nếu số tiền vận động ít hơn số tiền dự tính để thực hiện chuyến đi từ thiện, thì chị và gia đình hoan hỷ đóng góp phần còn lại.

Những công việc mua quà, gói quà và vận chuyển đến tận tay người nghèo, chị phải sắp xếp liên lạc mướn xe, củ nhân viên đi mấy chục cây số hoặc ra sân bay trực tiếp làm thủ tục gửi hàng cho kịp chuyến từ thiện. Thậm chí những chi phí phục vụ cho các vòng thi bán kết, chung kết hội diễn văn nghệ, tranh ảnh cho những cuộc triển lãm tại Tp HCM và Phật Đản Liên Quốc tại Bái Đính, hay phục vụ cho những buổi tổng kết cuối năm, lễ ra mắt, lễ tán dương, lễ trao học bổng, tư vấn mùa thi, quà tặng cho các thành viên cuối năm, làm khung hình các bằng khen, bằng tán dương công đức, các kỷ niệm chương và nhiều công việc khác. Những khoản chi phí này đều do gia đình chị hoan hỷ cúng dường, mà gần như chẳng ai biết tới!

Đó mới là những công việc bên ngoài có thể nhìn thấy được. Còn biết bao việc làm thầm lặng khác, chị vừa đóng vai người quản lý, vừa là người trực liên lạc các nơi đến làm từ thiện, rồi lên kế hoạch thực hiện sao cho phù hợp với thời gian của Thầy và mọi người. Chủ trương của chị là sắp xếp nơi ăn chốn ở thật tươm tất, giảm thiểu tối đa phần chi dùng không thích hợp sao cho mỗi chuyến đi có thêm chút ít để đóng góp Quỹ Từ Thiện.

Thiết nghĩ, làm những công việc như thế phải mất rất nhiều thời gian và công sức, trong khi lượng thời gian đó đối với giới kinh doanh như chị có thể làm ra không biết bao nhiêu tiền nữa. Ấy vậy mà chị bỏ tất cả để đầu tư vào việc từ thiện hay những việc Phật sự khác. Có lẽ gia đình chị có cùng một suy nghĩ: đã đến lúc phải dành thời gian đầu tư công đức thay vì cứ đầu tư vào của cải vật chất!!

4. Gian nan thử thách nuôi lớn tâm bồ đề:

Nhìn gương mặt của mấy chị em gia đình này lúc nào cũng vui vẻ và hài hòa với mọi người, ai cũng nghĩ họ còn trẻ mà thành công một cách xuôi chèo mát mái, chắc không bị chướng duyên thử thách nào. Điều này hoàn toàn chẳng đúng. Không biết ngoài đời công việc của họ như thế nào, nhưng từ khi trực tiếp tham gia vào công việc từ thiện, mấy chị em gia đình này đã và đang gặp những khó khăn không ít!

Điển hình như những chuyến đi từ thiện với số lượng Phật tử tham dự nhiều, do khách sạn không đủ chỗ cho cả đoàn ở chung, gia đình chị phải chịu nhiều áp lực nặng nề. Hay ấn tượng khó quên nhất là lần tham dự Đại Lễ Vesak vừa qua. Vì là sự kiện mang tính quốc tế, ban tổ chức không thể phân phối đầy đủ cho mọi người vào trong hội trường chính cùng tham gia, mặc dù việc này đã được thông báo rộng rãi trước chuyến đi, hay đích thân Thầy đã phổ biến rõ ràng. 

Những trục trặc này thực sự là ngoài ý muốn của Thầy và gia đình chị. Vậy mà không ít người vì nghĩ mình quá to, vì nghĩ tham dự Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc là phải vào trong hội trường chính. Còn ngồi bên ngoài, ngồi ở những hội trường phụ là mất thể diện, mất danh dự, nhẹ ký xuống cân. Từ đó, do không kềm chế được cảm xúc, họ bắt đầu đổ hết những trục trặc này lên mình gia đình chị. Đáng thương nhất là đứa con gái của chị. Một số người trong đoàn quát tháo om xòm trên xe, ngoài sân bay vì máy bay thay đổi giờ bay. Một số gửi tin nhắn với những lời lẽ nặng nề, không có trong kinh Phật. Con gái chị chỉ biết van xin năn nỉ, quỳ lạy những người này tại sân bay cho họ vừa lòng!

Ôi trước những tình huống khó khăn căng thẳng như thế, bản thân chị và gia đình vẫn giữ được thái độ từ tốn, vui vẻ lịch sự, không tỏ vẻ tức giận trước những hiểu biết lệch lạc của người khác, thật đáng quý biết dường nào! Thì ra, khi trái tim bị xé rách, nhìn đâu, ngó đâu, con người chỉ thấy lỗi lầm của kẻ khác. Tâm thái nhẹ nhàng an lạc, lời dạy của thánh hiền không còn là nơi cư trú trong tâm hồn.

Giữa nghìn trùng sóng gió, giữa đất trời mênh mang, trái tim thương yêu tình người vẫn tỏa sáng, để ngay cuộc đời này là miền Cực lạc. Tấm lòng sắt son đó, niềm mơ ước cao cả đó, một ngày kia sẽ thành tựu, sẽ vuông tròn, đi vào gió cát phù hoa để trở thành diệu mật Ba la!!

Trình bày cặn kẽnhư vậy không phải kể công nhiều ít, không phải nịnh bợ hoặc khen tặng gì, cũng chẳng làm cho chị thêm được ký lô gam nào. Hơn nữa, tôi hiểu bản thân chị và gia đình chẳng ai muốn người khác biết những việc Phật sự này để làm gì. Nhưng ghi lại những dòng chữ này là để phần nào trân trọng và tôn vinh tấm lòng cao quý của chị đối với Tam bảo, đối với công việc từ thiện. Chính việc làm trong sáng, cái tôi nhỏ bé của chị đã qui tụ được không ít bạn bè, những nhà hảo tâm nhiệt tình đóng góp tài vật, công sức, thời gian cho những chuyến từ thiện ấm áp tình người.

Dù sao, tâm cảm xót xa đối với người neo đơn khuyết tật, những học sinh nghèo ở vùng sâu vùng xa, những ngôi chùa xuống cấp ở làng quê, hay những Phật sự đây đó vẫn còn nặng trĩu trong lòng chị. Phải chăng, đó chính là dấu ấn đậm nét trong lòng mọi người, đặc biệt là những ai có trái tim nhân ái đồng cảm, cộng thông. Hình ảnh của chị và gia đình chị đã làm cho trái tim của bạn bè xa gần cảm động và thầm phục trước những nghĩa cữ cao đẹp, thiết tha đằm thắm.

Ôi, cuộc đời trở nên giàu có, phong phú và toả sáng không phải nhờ vào sự toan tính khôn ngoan mà phải dựa trên tấm lòng thương yêu tha nhân. Giá trị của thương yêu là ước mộng cuộc đời, dù nguyên vẹn hay tan vỡ, chỉ mong mọi người có được một tấm lòng chan chứa, đùm bọc nhau!

Tất cả sẽ trở thành công đức, chắc chắn không hề mất đi mà vĩnh tồn trong con tim khối óc, trong cuộc đời vô thường biến đổi. Những công đức này sẽ tạo ra tiếng chuông ngân dài giữa thế gian ồn ào hơn thua tranh giành này!!!

 

Sài gòn, tháng 10 năm 2014

Thích Thiện Hữu- Giác Hạnh Hoa 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập