Phật Giáo Hoa Kỳ (Phần 3)

Đã đọc: 916           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

 PHẬT GIÁO HOA KỲ THẾ KỶ XX

Những thập niên đầu thế kỷ XX

Sang đầu thế kỷ XX, một số lượng nhỏ người Mỹ, khoảng hai đến ba ngàn người, bắt đầu tham gia vào đối thoại (chủ yếu thông qua các sản phẩm in ấn) về nhu cầu Phật giáo của người Mỹ và khả năng tồn tại của Phật giáo tại Hoa Kỳ. Họ trao đổi những câu hỏi cơ bản, như: Học thuyết Vô Ngã của Phật giáo có thể ứng dụng hài hòa với chủ nghĩa cá nhân Mỹ được không, truyền thống nhấn mạnh về chánh niệm của Phật giáo có phát triển được trong bối cảnh văn hóa năng động và hướng ngoại của người Mỹ không, v.v…

Tính chất của dòng truyền và cơ hội tiếp xúc với Phật giáo của người Mỹ đã thay đổi rõ rệt vào những thập niên đầu của thế kỷ XX khi các cộng sự và học trò của thiền sư phái Lâm Tế Nhật Bản Shaku Soyen đến Hoa Kỳ.

Năm 1906, Sokei-an, huynh đệ của Shaku Soyen đến Hoa Kỳ, sống ở thành phố New York, sau đó trở về Nhật để hoàn thành việc huấn luyện thiền rồi trở lại Hoa Kỳ dạy thiền năm 1929, sau đó xuất gia làm tăng sĩ. Ông thành lập Buddhist Society of America (Hội Phật tử Hoa Kỳ) vào năm 1931, sau đó đổi tên thành First Zen Institute (Viện Thiền học Đầu Tiên) là một trong những Phật học viện đầu tiên được lập ra để phục vụ cho người Mỹ bản địa. Bà Ruth Fuller là một trong những người lãnh đạo sáng giá của hội. Bà thậm chí tham gia huấn luyện tại một ngôi chùa ở Nhật và được xem là một trong những nữ Phật tử tiên phong người Mỹ.

Cũng trong thời gian này, Nyogen Senzaki, học trò của thiền sư Soyen đến bờ Tây Hoa Kỳ. Thừa lệnh của Soyen, Senzaki đã truyền bá Phật pháp được mười bảy năm ở Hoa Kỳ. Năm 1922, Senzaki thành lập một nhóm học tập và thực hành Phật pháp để dạy Thiền và văn hóa Nhật cho cả người Nhật, người Mỹ và người Châu Âu gọi là “floating zendo” (Thiền phòng trôi nổi) vì nó không có một địa điểm văn phòng cố định. Lúc đầu Floating Zendo ở thành phố San Francisco sau đó chuyển đến Los Angeles.

Những trung tâm Thiền sơ khai thành lập bởi Sokei-an và Senzaki trở thành những tiền đồn tiên phong cho những người Mỹ quan tâm, muốn tìm hiểu Phật giáo trong những thập niên đầu thế kỷ XX.

Sự bùng phát của Thiền (Zen boom) và Phong trào văn học Thế Hệ Beat (The Beat Generation)

Sự bùng phát của Thiền (Zen boom)

Sự bùng phát của Thiền (“Zen boom”) trong những năm 1950 được xem là bước ngoặt lớn trong lịch sử và dòng truyền của Phật giáo Hoa Kỳ. Sự phát triển này bắt nguồn từ năm, sáu thập niên trước (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) khi mà nhiều người phương Tây và Châu Á (trong đó có cả Thiền sư Soyen, Carus và Suzuki) tham gia vào việc phục hưng Phật giáo trên khắp thế giới. Cư sĩ D.T. Suzuki, học trò của thiền sư Shaku Soyen, Carus và cả ông Alan Watts đã góp phần giới thiệu Phật giáo nói chung và Thiền học nói riêng vào Hoa Kỳ.

Thiền sư người Nhật Bản D.T. Suzuki (1870-1966) đến Hoa Kỳ năm 1897 và có mười một năm dịch thuật kinh sách Phật giáo. Vào những năm 1950, ông dạy Phật học sáu năm tại Đại học Columbia. Tại đây, những bài giảng của ông đã thu hút sự chú ý của giới văn sỹ và các học giả. Các bài giảng của Suzuki cũng gây sự chú ý với các tờ báo như tạp chí Vogue và tạp chí Time, điều này giúp đưa Thiền học đến rộng rãi với công chúng hơn. Suzuki trở thành nhân vật nổi bật của Phật giáo Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ XX. Ông cũng giúp khơi nguồn cuộc đối thoại giữa ngành Tâm lý trị liệu và Phật giáo. Điều này góp phần quan trọng trong việc Mỹ hóa Phật giáo.

Năm 1958, Tạp chí Time dành một bài báo cho Alan Watts và nói rằng “Zen Buddhism is growing more chic by the minute” (Thiền Phật giáo đang phát triển huy hoàng hơn từng giây phút).

Alan Watts (1915-1973) là nhà triết học, nhà văn và diễn giả nổi tiếng người Anh. Ông sinh năm 1915 tại nước Anh. Từ nhỏ được gởi vào học nội trú trong trường học của Kitô giáo. Ở tuổi thiếu niên, ông đã được trãi qua vài kỳ nghỉ ở Pháp, nơi ông có cơ hội tiếp xúc với Phật giáo. Không lâu sau, ông tự cảm thấy phải quyết định sự chọn lựa giữa Cơ Đốc Anh giáo mà ông đã được tiếp thu từ nhỏ và đạo Phật mà ông đọc được qua sách báo trong các thư viện. Cuối cùng ông chọn đạo Phật và làm việc cho một hội Phật giáo nước Anh (cũng do những nhà Thông Thiên Học Hội thành lập) ở độ tuổi 16.

Năm 21 tuổi, ông tham gia Hội Nghị Tôn giáo Thế giới tại Đại học Luân Đôn. Tại đây, ông gặp Thiền sư Suzuki, người thuyết trình tại hội nghị.  Ông nghiên cứu Phật giáo trong nhiều năm. Năm 1936, ông đã xuất bản sách The Spirit of Zen (Tinh thần của Thiền). Sau đó ông đến Hoa Kỳ vào năm 1938 tiếp tục học thiền và nghiên cứu Phật giáo. Năm 1957, ông xuất bản sách The Way of Zen (Cách thức Thiền), là một trong những cuốn sách về Phật giáo đầu tiên được bán chạy nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu Phật giáo đến độc giả trẻ tuổi Phương Tây. The Way of Zen giới thiệu cơ bản về Thiền học Phật giáo, học thuyết Tánh không, Vô Ngã, Con đường Trung Đạo và nghệ thuật Thiền của Đại Thừa. Mặc dù sau này Alan cũng bị Suzuki phê bình vì đã thuyết minh sai một vài quan điểm của Thiền, nhưng những đóng góp và ảnh hưởng của ông cho sự phát triển của Thiền ở Hoa Kỳ cũng đáng kể. Sách “Beat Zen, Square Zen, and Zen” của ông xuất bản năm 1959 có cái nhìn tổng quan về Phật giáo Hoa Kỳ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX.

Nói đến Phật giáo Hoa Kỳ không thể không nhắc đến nhà báo, nhà văn, nhà triết học, học giả nổi tiếng người Đức Paul Carus (1852-1919). Ông sinh ra trong một gia đình Chính Thống Tin Lành ngoan đạo nhưng lại từ từ tách mình ra khỏi truyền thống đó và đi tìm quan điểm tự do của riêng mình.

Năm 1884, Carus đến Hoa Kỳ và làm tổng biên tập cho nhà xuất bản Open Court (công ty của bố vợ ông) và là chủ biên tạp chí The Open Court trong suốt 32 năm đến khi ông qua đời. Carus là người tiên phong trong phong trào đối thoại liên tôn giáo. Chính ông đã khám phá ra mối quan hệ giữa tôn giáo và khoa học và là người có công trong việc giới thiệu các truyền thống và tư tưởng phương Đông đến với phương Tây. Carus xuất bản tất cả 75 cuốn sách và 1500 bài báo về các thể loại lịch sử, chính trị, triết học, tôn giáo, logic, toán học, nhân chủng học, khoa học, xã hội.

Carus là nhân vật chủ chốt trong việc giới thiệu Phật giáo đến với phương Tây, tài trợ công việc dịch thuật kinh sách Phật giáo cho học trò của mình là Suzuki và có tình bạn gắn bó với thiền sư Nhật Bản Shoyen Shaku. Trong thời gian làm tổng biên tập nhà xuất bản và chủ biên tạp chí, ông đã hỗ trợ xuất bản và phổ biến rất nhiều kinh sách Phật giáo do Suzuki dịch sang tiếng Anh đến độc giả Hoa Kỳ nói riêng và độc giả tiếng Anh trên khắp thế giới.

Cùng với trào lưu văn học The Beat Generation, những nhân vật kiệt xuất nói trên đã góp phần đưa Phật giáo phổ biến vào xã hội Hoa Kỳ. Nếu như trước năm 1950, Phật pháp vẫn còn hạn hẹp trong giới văn sĩ trí thức và một số ít người tìm kiếm tâm linh thì những thập niên sau đó, Phật giáo trở thành một phong trào tôn giáo lớn.

Phong trào văn học Thế Hệ Beat (The Beat Generation)

Như đã đề cập ở chương II, phong trào văn học The Beat Generation đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến Phật giáo đến với công chúng. Jack Kerouac, Ginsberg và Gary Snyder đã giúp “Mỹ hóa” giáo pháp bằng việc sử dụng Phật pháp một cách sáng tạo trong thơ văn.

Năm 1958, Jack Kerouac, thủ lĩnh phong trào The Beat Generation, xuất bản tiểu thuyết The Dharma Bums (Tạm dịch Những Kẻ Ăn Mày Giáo Pháp); đánh dấu sự trổi dậy của trào lưu Beat Zen (Thiền tập thế hệ Beat) vào thời kỳ phát triển của Zen trong thập niên 1950. Cuốn tiểu thuyết đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu những ý tưởng Mỹ hóa về Đạo Phật của thế hệ 1960 và tiếp tục cuốn hút giới trẻ đến với Phật pháp.

Những thành viên của The Beats đều xem mình là những người theo thuyết Siêu Việt. Nhiều bài viết của họ là sự nổi loạn về chính trị và tâm linh. Ở mức độ nào đó, sự nổi loạn của họ trong cách dùng thuật ngữ Phật giáo đã mở đường cho việc chứng minh giáo pháp bằng những phản biện xã hội và chính trị. Một xu hướng đã trở nên nổi tiếng trong những thập niên sau đó. Ngày nay, tại thành phố San Francisco, ngay tại địa điểm trung tâm hoạt động của The Beats của những năm 1950, có bảo tàng mang tên Bảo Tàng The Beat, mở cửa năm 2003 để bảo tồn và lan tỏa những giá trị của The Beats.

Suzuki, Watts và The Beats đã góp phần tạo nên cách tiếp cận đến với Phật giáo đặc biệt theo phong cách Mỹ mà nhiều người cho là vừa mang tính sáng tạo, lại vừa có vấn đề. Nó ảnh hưởng đến nhiều Phật tử cải đạo sau chiến tranh thế giới thứ hai. Họ chủ yếu giới thiệu Đạo Phật thông qua sách vở.  Họ rút ra kết luận rằng việc tìm cầu giác ngộ có thể được cá nhân hóa và nhân cách hóa, sàng lọc thông qua tâm lý học nhân bản và có hiệu quả thông qua việc sử dụng những phương pháp cảnh tỉnh tâm, không cần sự ràng buộc bởi các quy tắc và không cần phải liên hệ đến tự viện, trường lớp.

Giai đoạn từ những năm 1963 đến những năm 1970 được xem là giai đoạn quan trọng trong lịch sử Phật giáo Hoa Kỳ. Thời kỳ này, nhóm Phật tử cải đạo ban đầu có thiện cảm với Zen (Thiền) phát triển từ một nhóm nhỏ thành nhiều cộng đồng Phật tử rộng lớn khác nhau theo các truyền thống Zen, Nhật Liên Tông (Nhật Bản), Kim Cang Thừa (Tây Tạng), Nguyên Thủy Phật giáo, … mà thầy của họ là những người di dân nhập cư từ nước ngoài đến. Ranh giới mỏng manh của các tiền lệ lịch sử kéo dài từ thời tiền tiểu thuyết đến những năm 1950 đã mở rộng đáng kể trong những năm đó, làm nền tảng cho sự đa dạng và sôi động trong cộng đồng Phật tử cải đạo Hoa Kỳ ngày nay.

Những người Di dân Phật giáo

Thập niên 1960 cũng có tác động mạnh mẽ đến Phật giáo của những người nhập cư bởi vì lượng di dân từ Châu Á đã tăng vọt sau thay đổi của luật nhập cư Hoa Kỳ vào năm 1961. Phật giáo của những người nhập cư đã giúp định hình Phật giáo Hoa Kỳ trước đó, khi Phật tử người Hoa và người Nhật đến Bờ Tây Hoa Kỳ vào những năm 1840. Lượng người nhập cư ồ ạt từ Châu Á sau luồng sóng nhập cư 1965 đã mang nhiều truyền thống Phật giáo đến Hoa Kỳ mà sự ảnh hưởng lâu dài của nó không thể từ chối và khó có thể đánh giá.

Những Thiền sư đầu tiên của Hoa Kỳ như Sokei-an và Nyogen Senzali là người nhập cư, cũng như nhiều bậc thầy khác của Phật giáo Nguyên Thủy, Phật giáo Tây Tạng và Thiền, đã đào tạo ra nhiều lãnh đạo xuất sắc trong cộng đồng Phật tử cải đạo hiện tại. Cũng chính những người di dân Phật giáo đầu tiên đã có ảnh hưởng đến những thế hệ di dân đầu tiên và thế hệ con cháu đã Mỹ hóa của họ.

Ngày nay, sự gắn bó và trao đổi qua lại giữa những người thầy, những Phật tử Hoa Kỳ với Phật tử của những người di dân Châu Á vẫn vô cùng sinh động. Những nhà hoằng pháp, Tăng Ni và kinh sách vẫn tiếp tục đến Hoa Kỳ, thổi thêm luồng sinh khí mới cho Phật giáo Hoa Kỳ. Tất cả các tông phái Phật giáo có hệ thống kinh văn riêng và di sản triết lý riêng, cách thức thực hành giáo pháp khác nhau và phương ngữ dân tộc khác nhau và đều được truyền vào Hoa Kỳ thông qua các cách thức khác nhau nhưng đã có ảnh hưởng đến lịch sử, học thuật của Hoa Kỳ.

 

 












Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập