Phật Pháp hay Thế Gian Pháp

Đã đọc: 9332           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Pháp lìa ngã của Phật giáo không phải là một triết lý, mà hẳn là một hành động có liên hệ mật thiết không thể thiếu giữa thân và tâm.

Phật pháp là pháp giải thoát lìa thế gian. Pháp lìa thế gian là pháp không đi ngược lại với cái biết, nhưng phải dựa trên cái biết và vượt trên mọi cái biết bằng một chánh pháp.

Vì lẽ, cái biết nằm trong kiến thức, kiến thức là cái gì gom góp, vay mượn từ hoàn cảnh chung quanh, được cho vào ký ức. (Dù gà con cần vỏ trứng để bao che và trưởng thành, nhưng cứ ở mãi trong vỏ trứng, tuyệt đối sẽ không bao giờ trỡ thành con gà). Thế rồi xào nấu ra sản phẩm mới, có nguồn gốc của vay mượn và được bổ sung có thứ tự để không bị cho là đạo văn, đạo tư tưởng. Giải thoát ra khỏi biên kiến của đối đãi, chứ không phải sao chép tư tưởng từ đấng giải thoát. (Thức là học hành mới có, Trí là tu luyện mới có). Bức tường kiến thức là nhà tù giam những kẻ không có khả năng vượt lên chính mình, và luôn ngoan ngoãn làm việc và suy luận theo cái biết của mình. Cái biết này cũng phải trả cái giá rất đắt. Nhà tù này luôn là chỗ sơn son phết vàng, để những ai có đầy đủ tham vọng sẽ tiến mãi lên tới đỉnh của...dục vọng. Thế rồi tù nhân này ngũ một giấc thật dài, đến khoảng chừng 36 ngàn ngày, rồi cái biết ấy sẽ vô nghĩa, khi hơi thở sau cùng sẽ mang kiến thức kia và trở thành nghiệp lực cho kiếp kế tiếp. Đạo Phật gọi là nghiệp quả luân hồi .

Cho dù vay mượn hay tự khám phá ra hằng hà triết lý phi thường, thì triết lý đó cũng sẽ phải tàn lụi, chỉ vì chúng có tính cách đối đãi, nằm trọn vẹn trong biên kiến của tốt xấu, thiện ác, cao thấp. Chúng sẽ phải đào thải bởi vô thường, không ai tránh khỏi luật chi phối này.

Khác với pháp lìa ngã, khi tu hành và đạt tới cảnh giới lìa ngã rồi thì thức biến thành trí. Ví dụ uống một ngụm trà nóng, chúng ta không cần phải có kiến thức sâu rộng để biết được độ nóng như thế nào, sự cảm nhận tự nhiên đó đến với ta trước khi thức thần phân tích loại trà này có nguồn gốc mà ký ức có cơ hội phân biệt ngon dở, mắc rẻ....

Biên kiến này sở dĩ có, từ bao nhiêu kinh nghiệm uống trà, khác với người chưa bao giờ dùng trà, trong khi hương vị của trà vẫn cố hữu, ngon hay dở tại vì kinh nghiệm khác nhau của từng cá nhân khi uống cùng một loại trà. Mỗi ngày qua rất nhiều người thấy ánh mặt trời, dù chỉ có một mặt trời, nhưng thiên hạ có khá nhiều ý tưởng khác nhau, vì kinh nghiệm khác nhau, nên sự hiểu biết có khác về chỉ một vấn đề.

Nhìn cái gì trước mắt, ký ức liền chọn một tiền kiến nào đó, để ký ức để so sánh, trong thư viện ngổn ngang này chất chứa từ vô lượng kiếp, nẩy ra một tiêu chuẩn đã có trước, thế rồi thần thức phán quyết cho một cái nhìn y hệt như đã biết. (Lần đầu nhìn hoa hồng, có ai biết được màu đỏ thẳm của hồng đẹp cở nào). Cái biết này không chạy ra khỏi nhị biên của thế giới đối đải. Trong khi pháp lìa ngã vượt khỏi chính mình, vượt lên khỏi tiền kiến hoà nhập với hư vô, nơi đó không có chỗ đứng của thần thức.

Khi thiện ác là cây thước đo đạo đức đời sống, thì cái thiện là cái nghịch đảo của cái ác. Dĩ nhiên từ thuở nhỏ, chúng ta học bài học đạo đức, có ghi rõ thiện ác, người, ta, sống chết. Đó là chuyện thế gian pháp.

Pháp lìa ngã vượt ra khỏi Nhân, Ngã, Thiện, Ác, Sanh, Tử. (vô ngã vô nhân, phi thiện ác, liểu sanh tử). Và dĩ nhiên dựa vào thế gian để chế ngự bằng pháp lìa ngã, sống với thế gian mà không hoà nhập với thế gian.

Khi lìa ngã rồi, thì yếu tố không gian và thời gian không còn tồn tại nữa. Đạo Phật nhìn nhận đau khổ và hạnh phúc của thế gian, nếu thế gian không có hạnh phúc và đau khổ thì làm sao con người phải điêu đứng như vậy. Chỉ vì không gian và thời gian là hai yếu tố ảo, chỉ được xác định bởi tư lương, khi động thì thời gian và không gian có vị trí hẳn hòi trong ta, khi tịnh thì chúng không có khả năng tồn tại, vì không có tự tánh.

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta động trong động, khi ngủ, tịnh trong mê, khi tịnh là định trong tịnh. Chính ngay lúc này là lúc còn gọi là Chơn Động. Lúc chơn động mọi sinh hoạt tùy duyên theo yếu lý của mọi duyên nghiệp, (thiên tai do cộng nghiệp mà có, chứ chẳng ai làm ra vì muốn như vậy).Nếu cần mọi duyên nghiệp sẽ phải triệt tiêu một cách tự nhiên vì nghiệp không có tự tánh không thể tồn tại.

Chúng ta không thể dùng thế gian pháp để giải thoát. Đạo Phật không chỉ là sự hiểu biết để ngăn ngừa, suy luận, đè nén, tránh né. Mà chính đạo Phật giúp lìa mọi sự dính mắc. Chỉ vì Phật tánh vốn hoàn hảo, khi ta tu, tức là dọn dẹp cắt xén, tắm gội cho đến khi nào không còn cái gì có thế lấy ra nữa. Cái còn lại sau cùng không thể tách ra được nữa, chính là chân tánh, chân tánh có tự tánh, hay còn gọi là Phật tánh.

Tìm Phật, tuyệt đối không cầu mong ở ngoài ta. Khi bảo rằng không ở ngoài, có nghĩa là phải tìm nơi chính ta, chứ không phải vị Phật nào bên ngoài, khi tìm ở chính ta, bởi chính ta, tuyệt đối văn tự không cần thiết trong tiến trình này.

Tìm Phật tánh của mình, chứ không tìm vị Phật nào cả. Nếu niệm Phật để trừ vọng niệm, tạp niệm thì cũng nên. Chứ niệm Phật để thành Phật, e rằng chúng ta chưa thực hiện đúng pháp chánh niệm. Đức Phật xưa kia niệm ai mà thành?? Vì âm thinh, sắc tướng, hẳn không phải là chánh pháp tuyệt đối để giải thoát (trong kinh Kim Cang có ghi như vậy). Văn tự vốn chuyên chở triết lý, khi yếu tố văn tự mang bản chất không tuyệt đối của thực thể, thì số phận của triết lý kia đi về đâu?? Đừng hòng dùng văn tự để diễn tả hạnh phúc và đau khổ, chỉ có những người trong cuộc, tự thân chứng lấy hoàn cảnh của họ mà thôi.

Chỉ vì chúng ta chưa thấy Phật mà dám niệm Phật, e rằng đó là tà niệm??? Niệm bằng tâm tư nhất tâm bất loạn, hay bất ổn?? (kinh Bát Nhã đã phủ nhận mọi giá trị của ngũ uẩn, vậy ai có đủ khả năng niệm bằng chánh niệm??).

Ngặt nổi, vốn lục dục là của nguồn gốc phiền não, chúng ta tại sao không vô hiệu hoá lục thức bằng cách “Nhìn vô, nghe vô, thở vô, tưởng vô, nghĩ vô cùng một lúc....” Hướng lục thức về một chỗ chung. Chỗ chung này là điểm chung của lục thức, ở vị trí không phải bên ngoài có thể rờ ngắm được, dần dà lục thức sẽ phải thuần, chỗ ấy còn gọi là vô sở trụ. (trong kinh Kim Cang có ghi chỗ này).

Tránh né lục thức bằng cách đối đãi, thì chúng ta đã đi ngược lại với kinh Bát Nhã, vì hẳn mọi sự liên hệ của lục căn hoàn toàn không có tự tánh, là huyễn, ngũ uẩn vốn giai không, dùng chúng đặt để một điều gì, quả là ngoại vi, hư ảo, vốn không thật.

Pháp lìa ngã của Phật giáo không phải là một triết lý, mà hẳn là một hành động có liên hệ mật thiết không thể thiếu giữa thân và tâm. Nếu tu hành chỉ một trong thân và tâm, còn cho là bị chứng cô thiên, có nghĩa là cô âm, độc dương, chứ đáng lẽ ra phải tu hành theo lối âm dương. Hành giả còn phải được thân chứng, vì sống với nó, chứ không phải chỉ nghe qua và biết như vậy mà cần phải tự thân mình ấn chứng. Có con chim nào bay bằng một cánh bao giờ. Có sự trưởng thành nào mà thiếu sự trưởng dưỡng của âm dương, nhìn vạn vật khi hạt nẩy mầm, chuyện đầu tiên là vỡ làm đôi, chúng ta đã thấy biểu tượng âm dương từ vạn thể của thiên nhiên, cũng chính hai yếu tố âm dương là ngưỡng cửa bắt đầu của tiến trình lìa ngã. Muốn trở về với hư vô, mà không bắt nguồn từ bản thể thiên nhiên, khó mà hoà nhập với hư vô.

Pháp Bất Lập Văn Tự mưu tìm giải thoát có liên quan gì đến Tứ Diệu Đế, Thập Nhi Nhân Duyên, Bát Chánh Đạo và hàng hà sa số có trong kinh, luật, luận của Phật giáo.

Phật đã bảo  “Suốt 49 năm ta không nói một lời gì về đạo”. Vậy chúng ta đang theo pháp giải thoát nào vậy?. Công Truyền hay Mật Truyền?, pháp nào là pháp Phật, pháp nào là pháp Thế Gian?.  Chánh pháp nhãn tạng của đức Phật hiện giờ ai đang gìn giữ?. Là Phật tử, chúng ta có nói ngoa không? Có vô tình phỉ báng Ngài khi chúng ta gọi nhau là Phật tử, vì có quá nhiều tông phái, duy chỉ có một chánh pháp mà thôi. Trong khi hằng hà con Phật đang lang thang lê lết trên 84 vạn nẽo đường tu học... đâu là Pháp Phật, đâu là pháp Thế Gian???

Đức Phật không phải là nhà đạo đức học, Ngài cũng không phải là nhà tư tưởng, không phải là vị thần linh. Thậm chí nếu dâng tặng cho Ngài vài chục cái giải Nobel, thì cũng chỉ vất sọt rác mà thôi. Hãy bỏ Ngài ra khỏi định kiến của thế gian, đừng dùng ngôn ngữ thế gian để hòng ca tụng Ngài uổng công, một khi đã lìa ngã rồi, thế gian ảo này, không còn là thực thể có đủ yếu tố để cần lý luận từ một đấng giải thoát.

Khi âm dương hiệp nhất, thì thần thức, ký ức, sẽ không còn chỗ nương tựa nữa. Chính ngay lúc này, sự dao động một cách tự nhiên trong thân, tâm mà không dùng đến mọi giá trị của văn tự, âm thanh, sắc tướng, niệm, nguyện bất cứ ai, chính là cửa ngõ của giải thoát hay còn gọi là lìa ngã, không dính mắc bất cứ trạng thái nhị nguyên nào trước kia. Cảnh giới này không phải là ngoan không. (khi tâm sở đã bị vô hiệu hoá, chính tâm vương là mầm của chơn chủng tử). Phật pháp khác với thế gian pháp là ở chỗ này.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (8 đã gửi)

avatar
MTu 24/05/2011 10:07:01
MTu xin được cám ơn tác giả Nguyễn Hoàng Tân đã dành thời gian để chia sẽ.

MTu có vài câu hỏi, mong được tác giả hoặc các vị khác giải đáp:

1) "Chỉ vì chúng ta chưa thấy Phật mà dám niệm Phật, e rằng đó là tà niệm???". Xin hỏi vậy thì ý của tác giả là: chúng ta thấy Phật rồi mới niệm Phật? Và niệm vị Phật nào?

2) "Khi âm dương hiệp nhất, thì thần thức, ký ức, sẽ không còn chỗ nương tựa nữa.": có trong kinh hay luận nào đề cập về âm dương? Xin cho biết để học hỏi thêm.

Xin chân thành cảm tạ.

Một Phật tử mới bắt đầu học Phật.
avatar
Nguyễn Hoàng Tân 26/05/2011 12:09:36
Kính gửi Mtu
Chúng ta tu hành bằng nhiều phương tiện khác nhau để đi đến vô niệm, do đó niệm Phật chỉ là phương tiện để diệt tạp niệm, vì chỉ niệm Phật duy nhất sẽ không thành Phật được. Nếu chỉ cần niệm Phật mà thành Phật thì thiên kinh vạn điển đi về đâu. Tuy nhiên khi niệm Phật mà chưa thấy Phật, thì e rằng tà niệm, vì khi chưa thấy nhau mà niệm nhau tức là tà niệm. Niệm Phật đồng nghĩa với vô niệm, vì Phật vốn thường thanh thường tịnh, nên chẳng có gì để niệm, còn niệm Nam Mô A Di Đà Phật không đồng nghĩa với niệm Phật. (trong chữ Niệm chỉ có chữ nhân và chữ tâm , không có chữ khẩu), vậy niệm ra tiếng càng sai ý nghĩa rốt ráo của chữ niệm, mặc dù có quyền niệm để giaỉ trừ tạp niệm. Chữ Phật thì có chữ Nhân và chữ Phất, cũng không có sắc tướng.
"Thấy Phật" hai từ ngữ nầy có trong văn tự, chứ không có trong thực tế. Vì thấy bằng nhản quan nào?? Thấy bằng tánh thấy?? Thấy với tâm tư nào? Thấy với mục đích gì? Câu hỏi nầy chưa xác định được tánh độc lập của văn tự. Chưa trả lời được.
Khi âm dương hiệp nhất? Hoàn toàn không có trong kinh nào cả, trong thực tế, chúng ta đang lần mò theo trình độ và duyên phước của cá nhân mà tu hành để giaỉ thoát, chứ không phải thành Phật. Những kinh điển mà Mtu và thiên hạ trên thế gian nầy tìm thấy, chỉ là công truyền, chứ không phải Mật Truyền. Chúng ta phải kinh qua giai đoạn nầy, trước khi bàn thêm chi tiết. Phật, Ngài đã không nói một lời gì về đạo, thì chúng ta chỉ bàn đến lý luận của những giải pháp tu hành có tính cách cá nhân, không hẵn là tôn chỉ duy nhất cho mọi người.Tuy nhiên trao đổi nhau, cần phải có trình độ gần nhau để thông cảm, trên diễn đàn có hàng hà người tu học có sự hiểu biết khác nhau là vậy. Nếu hiện đang có pháp nào tu để thành Phật, thì riêng tôi cũng muốn biết để học hỏi. Kính.
Reply Tán thành Không tán thành
-5
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
Trọng Việt 25/05/2011 05:07:41
Kính thưa ông Nguyễn Hoàng Tân,

Tôi rất buồn khi đọc bài này. Trước giờ tôi vẫn nghĩ mình là một Phật tử, tôi đã quy y tam bảo thọ trì ngũ giới, nay ông bảo tôi “đang lang thang lê lết trên 84 vạn nẽo đường tu học” nên “vô tình phỉ báng Ngài khi chúng ta gọi nhau là Phật tử”. Thật là thất vọng ! Tôi suýt nữa quyết định đi đến nhà thờ xin rữa tội để cho xong chuyện, khỏi còn đọc phải cái loại bài “khủng bố tinh thần” như bài này.

Theo ông, Đức Phật chỉ dạy “một chánh pháp mà thôi” , “pháp Phật” duy nhất đó là “Lìa ngã + Bất lập văn tự” , lời dạy để thành Phật mới là Phật pháp, ngoài ra thì toàn là pháp thế gian. Thế thì Phật dạy đạo làm người, đạo làm chồng , làm vợ, làm con, đạo làm chủ, đạo làm nhân công…những lời Phật dạy ấy không xứng đáng gọi là Phật pháp ?

Còn “Pháp bất lập văn tự” mà ông ca tụng thì đối với phàm phu như tôi là hoang đường quá không tưởng tượng nổi , không có ngón tay chỉ trăng thì làm sao thấy trăng ? Trước giờ tôi vẫn nghĩ theo Phật thì phải Văn Tư Tu , nay không có Văn lấy gì Tư ? Chẳng nhẻ sinh ra rồi lên rừng cách ly, cô độc thì liễu ngộ Phật pháp được sao ? Còn câu “Suốt 49 năm ta không nói một lời gì về đạo” thì tôi nghĩ Phật dạy theo ý nghĩa khác , không phải Phật cổ suý cho phương pháp vô ngôn vô tự .

Còn nhiều vấn đề nữa , như ông viết “hoà nhập với hư vô” “trở về với hư vô” “tu luyện mới có” “chính hai yếu tố âm dương là ngưỡng cửa bắt đầu của tiến trình lìa ngã” “âm dương hiệp nhất”… thì ông đang thuyết giảng đạo Phật hay đạo Lão vậy ?

Kính thưa Ban Biên Tập Đạo Phật Ngày Nay , tôi có kiến nghị là các bài thuộc loại này nên xếp vào mục diễn đàn hay mục gì khác . Đưa bài này vào mục Phật pháp, Giáo pháp e rằng Phật tử hiểu nhầm bõ đạo hết.
Reply Tán thành Không tán thành
13
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
Nguyễn Hoàng Tân 28/05/2011 21:15:40
Làm ơn liệt kê trong 84 pháp môn của Phật giáo. Rất cám ơn.
Reply Tán thành Không tán thành
-5
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
Nguyễn Hoàng Tân 02/06/2011 21:07:21
Kính gửi ông Nguyễn Hoàng Tân,

Tôi biết gửi mail này ông sẽ có ngạc nhiên ít nhiều vì thấy tôi có tên trùng với ông. Bản thân tôi cũng vậy.
Tôi có đọc bài "Phật pháp hay Thế gian pháp " của ông, trong suy đoán chủ quan của tôi, ông có thể là một nhà thuyết pháp hay một nhà nghiên cứu Phật học, với nhiều ngôn từ, nhiều khái niệm và nhiều phạm trù thuộc lĩnh vực của ông nên thật tình tôi không hiểu vì:
- Kiến thức trong lĩnh vực Phật học của tôi rất hạn chế.
- Tôi là người theo Chủ nghĩa duy vật thực nghiệm, tôi hành nghề y nên nghề nghiệp đã ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức của tôi.
- Tuy bản thân tôi là người có đức tin ở Phật, đức tin đã giúp cho tôi rất nhiều trên thực tế, và tôi biết triết lý nhà Phật rất thâm sâu về "ý" và "thức" nhưng tôi chưa tìm được cửa vào. Hiện nay tôi vẫn còn đang cố gắng.
Tôi viết email này gửi đến ông Nguyễn Hoàng Tân vì muốn chia sẻ sự ngạc nhiên và cũng rất cám ơn ông về bài viết trên. Tôi sẽ giữ nó để tìm hiều, hiện tại tôi không dám có ý kiên đóng góp về nội dung bài viết.
Chúc ông và Ban quản trị sức khỏe và thành công.

Nguyễn Hoàng Tân
avatar
Nguyễn Hoàng Tân (Miền Tây Canada) 04/06/2011 11:41:12
Thưa ông Tân
Tôi ở miền tây Canada, muốn xưng như vậy để dể phân biệt.
Thưa ông, chúng ta học để biết. Vâng, nhưng cái biết ở một giai đoạn nào đó, đôi khi là hàng rào cảng ngăn sự giải thoát, lìa ngả. Ngay cả sự tín ngưởng cũng vậy, không có tín ngưỡng, chúng ta không có sự bắt đầu, thế rồi hãy để cái biết đó qua một bên để còn vượt lên chính mình nữa.
Khi mà mình vượt lên chính mình, thì niềm tin, cái biết, ngay cả tôn giáo đi về đâu. Mặc dù khi bắt đầu, chúng ta cần phải có mọi hành trang, đôi khi còn phải mượn cái sắc tướng và âm thanh ngoại vi để làm hành trang giaỉ thoát. Thế mà khi qua sông rồi ai lại mang theo chiếc thuyền phương tiện nữa làm gì ?
Triết lý nhà Phật đã có nhiều người bàn đến rồi, nào là Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên, Tứ diệu đế..Tóm lại thiên kinh vạn điển đã xem rồi. Xin ông hãy chọn cho mình một lối riêng, thích họp với hoàn cảnh cuả mình, để vừa tu vừa học và còn hài hoà trong đời sống hàng ngày nữa.
Chúc ông sức khoẻ. Cám ơn ông dành thời giờ cho bài viết nầy. Đa tạ.
avatar
chi 01/09/2011 21:35:37
Mỗi một niệm Phật là bớt đi một niệm thế gian. Khi có NHÂN tức có QUẢ . Như vậy cứ niệm thế gian (Tham sân si ,thị phi , nhân ngã ...) tất sẽ sanh tử luân hồi . Niệm Phật tất thành Phật.
avatar
Hải Hòang 01/05/2012 18:37:36
Thưa ông Nguyễn Hoàng Tân , tôi hiện đang tỉm học Phật Pháp , kiến thức về Phật Pháp còn rất nông cạn do vậy khi đọc bài Phật Pháp hay Pháp thế gian ông viết ,tôi không hiểu một cách thấu đáo trên phương diện Phật học , nhưng tôi cảm nhận một ý nghĩa rất cao sâu huyền nhiệm về Đức Phật qua bài viết của ông ,rất mong có được điều kiện thuận tiện tiếp xúc với ông để học hỏi thêm Phật Pháp, Đấng mà từ nơi Người tôi tìm ra được ý nghiã chân thật của kiếp sống con người
Rất mong được kết bạn với ông nếu ông không ngại ( tôi hiện đang sống tại AUSTRALIA )
tổng số: 7 | đang hiển thị: 1 - 7

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập