Nghiệp 3 - Thời gian thai nghén - Trao truyền

Đã đọc: 10320           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

       Mẹ truyền cho ta tất cả tinh ba của mẹ bằng chất liệu di thể nằm trong một cái trứng với con số hai mươi ba nhiễm sắc thể. Cộng với hai ba nhiễm sắc thể của cha, ta trở một em bé có đầy đủ chất năng của một con người. Trong thời gian thai nghén, mẹ lại tiếp tục truyền trao tình cảm, suy tư, tài năng và sức sống cho ta. Bởi vậy, mẹ suy nghĩ những gì, cảm giác ra sao đều có ảnh hưởng một cách sâu đậm tới thai nhi. Mẹ ăn thì ta ăn, mẹ uống thì ta uống, mẹ vui thì ta vui, mẹ cười thì ta cười… Vì thế, các bà mẹ có mang em bé phải hết sức cẩn thận trong cách ăn uống, nói năng, suy tư và cảm giác, bởi tương lai của con tùy thuộc vào phẩm chất của đời sống người mẹ trong thời gian ấy. Hoặc ta đã được sinh ra rồi, mẹ vẫn thường mang sau lưng hay ẵm trước bụng, do đó, sự sống của mẹ vẫn không ngừng thấm vào thân tâm nhạy bén của ta. Tuổi thơ là một tờ giấy trắng. Dù một dấu nhỏ hay một nét mờ cũng đều in đậm vào tâm hồn em bé. Như vậy, muốn trả lời câu hỏi “ta sẽ đi về đâu?” thì ta cũng phải nhìn lại lúc còn thai nghén và thời gian thơ ấu. Ta sinh ra từ thời điểm nào? Thanh bình hay loạn lạc. Ta đã từng sống với những ai? Cách nói năng, suy tư và hành xử của cha mẹ, anh chị em, bạn bè và thầy cô giáo đều ảnh hưởng tới ta.

      Nhìn như thế, ta thấy rằng biệt nghiệp không còn là riêng lẻ. Tất cả những gì ta nghĩ là riêng biệt thật sự đều do ông bà, cha mẹ, bạn bè, học đường, xã hội trao truyền và tưới tẩm. Cho nên trong nghiệp riêng luôn có nghiệp chung. Vui thì vui chung, buồn thì buồn chung…

       Nhận thức rằng có một bản ngã riêng biệt thì không đúng với cách nhìn của di truyền học. Con là con. Cha là cha. Con cái không phải là cha mẹ. Tới mười tám tuổi, con có quyền tự lập, có thể thoát ly gia đình để sống đời sống riêng tư là lối sống trái ngược lại với sự thật về di truyền và huân tập. Bởi thế, đời sống cá nhân thường gây ra mặc cảm cô đơn, lạc loài và thiếu thốn. Từ đó, nó tạo nên sự xáo trộn trong tâm hồn của con người. Lối sống này không phù hợp với đường hướng của sự trao truyền và liên hệ mật thiết của những người trong gia đình, dòng họ, xã hội. Nhìn cho sâu sắc, ta không thấy có một cái gì gọi là riêng biệt. Biệt có nghĩa là cứng ngắt, riêng biệt, không có dính líu với ai, không có ảnh hưởng tới mọi hiện tượng chung quanh. Trong khi đó, chất liệu di thể (gene) trong ta đã được trao truyền từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên và nhiều thế hệ đi trước. Vì vậy, sự sống là một dòng sinh mệnh chuyển biến liên tục từ ngàn xưa tới ngàn sau, từ những phân tử bé nhỏ cho đến ngân hà đại địa. Ta đi về đâu thì cha mẹ, ông bà, tổ tiên và xã hội cũng đi về đó.

        Di truyền học gọi hạt giống là những nhiễm sắc thể (chromosome) hay là di thể (gene). Vui buồn, thương ghét, hạnh phúc, lo âu, tài ba, thất vọng đều có mặt trong tàng thức. Nhờ có sự truyền trao, cho nên ta mới có con có cháu trong tương lai. Cho nên, không có một cái gì gọi là riêng biệt như là một bản ngã cô lập. Vậy thì, ai sẽ chết và cái gì sẽ lên đường để đi về tương lai? Nếu không hiểu được bản chất đích thực của con người thì ta không thể trả lời được câu hỏi nhức nhối này. Chữ ‘ta’ làm chủ từ trong câu hỏi là một nhận thức sai lầm, vì thế nó không cần phải có câu trả lời. Do vậy, ta đã không trả lời câu hỏi ấy một cách trực tiếp mà cùng nhau quán chiếu để thấy cái vô lý và sai lầm của một cá thể riêng biệt. Gọi là ta, là nghiệp riêng, là bản ngã.

      Vì vậy, tu tập không thể nào tách rời bản thân ra khỏi môi trường chung quanh. ‘Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc’ là câu tuyên bố chỉ đúng một phần nhỏ, bởi đời sống của ta tùy thuộc rất nhiều ở hoàn cảnh, thầy bạn, tu viện, gia đình và xã hội. Cho dù, ta cố gắng tu tập hết lòng mà xã hội bạo động, bạn bè nói xấu, anh em bất hòa thì tâm ta cũng không thể nào yên ổn và nhẹ nhàng trọn vẹn. 

       Trong sự huân tập, cha mẹ, ông bà, tổ tiên, bạn bè và thầy cô gieo vào tàng thức ta nhiều hạt giống. Chúng xấu hay tốt đều tùy theo cách tiếp nhận, lối suy tư và thái độ sống của ta. Hai em học trò cùng trong một lớp, em hạnh phúc, thích lớp học, thương cô giáo. Ngược lại em kia đau khổ, cảm thấy chán nản, tù túng trong lớp học. Một gia đình có hai người con. Người này sinh ra thật hạnh phúc, biết ơn nghĩa đối với cha mẹ. Còn người kia không cảm thấy hạnh phúc, mà lại có nhiều hờn oán, trách móc cha mẹ nên không biết ơn nghĩa gì cả. Điều này chứng tỏ hoàn cảnh chỉ là phần phụ thuộc. Cách tiếp nhận và thái độ hành xử mới là điều kiện quan trọng. Do thế, hạnh phúc hay khổ đau, lành hay dữ, nhẹ nhàng hay nặng nề đều do sự trao truyền và tiếp nhận.

        

 

 

Núi lửa bùng nổ - Vận hành của nghiệp

 

        Thỉnh thoảng, người khác nói một câu xúc chạm tới tự ái thì cơn giận trong ta bùng nổ. Nó không biểu hiện một mình mà cùng với các tâm hành khác như tủi hờn, tự ái, hiểu lầm, danh dự…, tạo thành ngọn lửa đốt cháy tâm hồn ta. Vậy thì, hạt giống chính là ‘nghiệp lực’, nghĩa là sức mạnh của hành động. Khi hạt giống trở thành năng lượng thì gọi là ‘nghiệp quả’, kết quả của hành động. Tự nhiên, ta mất hết an lạc và trở nên nóng nảy. Nếu không biết tu tập, ta sẽ phản ứng dữ dằn, nói những lời không dễ thương, suy nghĩ tiêu cực đối với người kia. Năng lượng không lành này rơi trở lại vào trong tàng thức, do đó, hạt giống giận hờn trong ta càng lớn thêm. Từ đó, đụng cái gì ta cũng nổi giận, nhìn ai cũng bực mình, khó chịu. Ta giận vợ, giận con, giận bạn bè, giận trời đất… Sân hận nhiều, ta sẽ đi về cõi A Tu La. Nơi đó có nhiều lửa sân hận, và chúng sinh trong cõi ấy rất dễ nổi giận.

       Cho nên, ta phải nhận diện cho bằng được năng lượng của mỗi tâm hành biểu hiện trên mặt phẳng ý thức. Đang vui vẻ, tự nhiên, người kia nói một câu thì ta nổi sân si liền. Phản ứng đầu tiên là ta đỗ lổi cho người rồi kháng cự trở lại hoặc muốn trừng phạt. Tại anh ấy nói vậy? Vì chị kia làm nhục tui? Nhưng bình tỉnh lại, ta thấy rõ cơn giận đã nằm sẵn ở trong tâm. Lửa phun lên bởi núi lửa đã có sẵn lửa, chỉ chờ một điều kiện xúc tác như sấm sét, gió mạnh, hơi nóng thì nó bùng nổ. Cũng vậy, câu nói của người kia tác động tới vùng năng lượng sân hận ở trong tàng thức nên nó biểu hiện. Thế thôi!

      Tóm lại, thấy được sự biểu hiện của tâm hành, cảm thọ và tri giác, ta thấy rõ sự vận hành của ‘nghiệp’ tức là bản chất của những hạt giống trong chiều sâu tâm thức.

 

Thắp sáng nội tâm

 

        Người tu không bao giờ chạy ra ngoài để đổ lỗi. Khi cơn sân hận, buồn tủi, thương đau nổi lên thì ta hãy trở về với nội tâm bằng câu niệm Bụt, hơi thở ý thức hoặc mở cửa ra ngoài thực tập thiền hành. Ngay lúc đó, ta phải biết rõ tâm ta đang không có sự an ổn nên cần thở cho an trở lại, đi dạo để ôm ấp nó. Vấn đề là thực tập. Người kia có thể vô tình hoặc cố tình nói câu ấy, nhưng ta đừng để cho sân hận bùng nổ thì lời nói ấy không làm gì được ta. Còn không thì lỡ lầm của người kia cứ kích động tới khối lửa thì khổ đời ta. Cho nên không ai dẫn ta đi về hỏa ngục mà chính là hạt giống sân hận trong ta.

        Tu tập là thắp lên ngọn đèn chánh niệm để chiếu ánh sáng vào căn phòng của ý thức. Mỗi giây mỗi phút là cơ hội gửi từng giọt ánh sáng vào tàng thức. Những giọt ánh sáng không những làm thanh tịnh lại tâm tư, tình cảm mà còn gieo trồng thêm ánh sáng vào tàng thức để tạo thành một vùng ánh sáng của niệm, định, tuệ. Niệm là smrti. Định là Samadhi. Và tuệ là Prajna. Ta có thể thực tập niệm hơi thở, niệm bước chân, niệm từ, niệm bi, niêm Bụt… Do vậy, thực tập phải có nội dung nghĩa là tâm ta phải thắp lên cho được ánh sáng chánh niệm. Chứ niệm Bụt mà vẫn suy nghĩ lung tung thì nó chẳng có lợi ích gì. Lạy Bụt không có ý thức tới cử động, không quán tưởng, không biết lạy ai, không tiếp xúc với tự tánh thanh tịnh thì tâm ta vẫn không có ánh sáng của niệm, định, tuệ như thường.

        Do đó, ăn biết ta đang ăn, buồn biết ta đang buồn…là chánh niệm. Biết nên ta không để nỗi buồn dẫn dắt ta đi về những nơi chán chường, tuyệt vọng, không đi tìm quên lãng trong phòng trà, quán rượu. Ta thở để ôm ấp nó. Nó không còn có khả năng khống chế ta nữa. Đối với cơn giận, niềm đau, lo lắng, sợ hãi, ta cũng thực tập như thế. Hồi trước, ta không thấy về ta; bây giờ ta thấy về ta. Hồi xưa, ta không thấy về người; bây giờ ta thấy về người đó. Lúc trước, người đó ăn nói vụng về làm ta buồn giận; giờ đây, ta không còn buồn giận nữa. Sở dĩ, ta làm được như thế vì tâm ta có ánh sáng chánh niệm. Vùng ánh sáng này không phải hai chiều mà là bốn chiều giống như ống ánh sáng gọi là ‘spotlight’ đưa ta vào cõi sáng.

         Nuôi dưỡng ánh sáng của niệm, định, tuệ lâu ngày thì nó trở thành sức mạnh tâm linh gọi là nội lực. Niệm, đinh, tuệ, dục, thắng giải là năm tâm sở Biệt Cảnh đã nằm sẵn trong tàng thức. Dục không phải chỉ là ham muốn mà còn là ước muốn. Người nào cũng có ước muốn hết; chính nó là năng lượng đưa đẩy ta đi về cõi tương ứng với bản chất của tâm thức. Tóm lại, mục đích tối hậu của sự tu tập là gieo trồng những giọt ánh sáng niệm, định và tuệ để căn phòng tâm thức sáng hẳn lên. 

 

Phá vỡ ngục tù - Chuyển hóa phiền não

 

         Hạt giống là cái nhân của tất cả mọi pháp. Nó xúi ta suy nghĩ vui tươi, nhẹ nhàng hoặc buồn đau, nặng nề. Tâm tư cởi mở, dễ thương, tha thứ đều do hạt giống biểu hiện ra, chứ nó không phải tự nhiên mà có. Cho dù ta muốn dễ thương cũng không được, nếu hạt giống dễ thương ở dưới tàng không đủ mạnh. Ta trở nên dễ thương thật sự, chứ không phải làm bộ dễ thương.

        Hạt giống hoạt động như năng lượng của điện tử hay nguyên tử. Điện tử là electric energy. Nguyên tử là atomic energy. Ta không thể thấy được năng lượng này. Cũng giống như, trong không gian có rất nhiều đường sóng âm thanh và hình ảnh, nhưng ta không thể thấy bằng mắt thịt. Máy vô tuyến truyền hình hay máy nhạc có thể bắt được đường sóng của chúng. Buồn vui, thương ghét chi phối suốt đời đều thúc đẩy bởi năng lượng của hạt giống. Chúng không phải bất động mà thay đổi từng giây từng phút. Chúng đưa đẩy, cọ xát và ảnh hưởng lẫn nhau ở chiều sâu tâm thức để rồi đưa đời sống ta đi lên hoặc đi xuống, vui hoặc buồn, thương hoặc ghét, giải thoát hoặc bi lụy.

         Điện lực (electric force) gồm có điện âm và điện dương hút vào nhau. Cũng vậy, con người ảnh hưởng lẫn nhau bằng nghiệp lực. Nghiệp lên đường ảnh hưởng tới những người chung quanh và ngược lại. Do đó, muốn về địa ngục, cứ tìm tới nơi có nhiều đau khổ thì chắc chắn ta sẽ xuống tinh thần hoặc trở nên tuyệt vọng. Có những người trẻ buồn chán quá nên tìm tới phòng trà để nhảy nhót, say sưa hoặc tìm bạn hút xì ke ma túy. Càng đi tới đó, họ càng lún sâu vào vòng trụy lạc và sầu đau. Ngồi chơi với người bạn biết tu tập sau một giờ, tâm tư ta có vẻ phơi phới, nhẹ nhàng và thảnh thơi hơn. Ngược lại, ngồi chơi với người bạn không biết tu, nói toàn chuyện không lợi ích, thù hận, thị phi thì chỉ sau vài tiếng, ta cảm thấy tâm tư nặng nề, chùng hẳn xuống. Thế là, tâm thức không phải là riêng biệt mà nó bị ảnh hưởng bởi muôn ngàn tâm thức khác trong xã hội, nặng nhất là những người trong gia đình. Ở chung với người chồng nóng giận cũng làm cho ta bất an. Ta muốn vui vẻ để yêu thương cuộc đời nhưng ông chồng nóng quá nên ta cũng bị buồn lây.

       Vì vậy, con người không có một bản ngã riêng biệt. Biệt nghiệp là giáo lý rất tạm thời, bởi vì không có một cái gì được gọi là riêng biệt. Để cho dễ hiểu nên người xưa phân biệt ra biệt nghiệp và cộng nghiệp, nhưng sự sống thật sự không phải riêng biệt mà liên hệ một cách mật thiết với nhau. Di thể của ta do ông bà nội, ông bà ngoại truyền lại. Chính họ bị ảnh hưởng bởi nhiều người trong thời đại ấy. Chiến tranh, tủi hờn, nhọc nhằn, khổ cực, cam go của người thời đó đều đi vào họ. Và bây giờ, ông bà truyền đạt lại cho ta. Cho nên bản hữu chủng tử thật sự không có. Bản hữu là có sẵn mà làm gì có một cái đã có sẵn. Tất cả đều là sự tiếp nhận và trao truyền như một dòng năng lượng gọi là cộng nghiệp. Cộng và biệt đi chung với nhau, ảnh hưởng qua lại với nhau. Điện lực có một điện dương (neutron) và nhiều điện âm (electrons) chạy chung quanh. Đời sống con người giống như một màn nhện của năng lượng. Đi đâu ta kéo theo cả một vùng năng lượng tới đó. Sự sống của ta có một cái lực đi ra qua cách suy nghĩ, lời nói, hành động, ánh mắt, cử chỉ, bàn tay và bước chân. Năng lượng này có thể mát mẻ, thương yêu hoặc nóng giận, hờn dỗi… Đồng thời, mỗi giây mỗi phút cũng có những nguồn năng lượng đi vào ta từ mọi hiện tượng bên ngoài. Năng lượng này có thể tạm gọi là năng lượng nguyên tử hoặc là nghiệp lực.

        Do đó, việc quan trọng nhất là chọn môi trường lành mạnh để sống. Chánh báo tốt làm ra y báo tốt. Mỗi lần, Đức Đạt Lai Lạt Ma tới đâu thì biết bao nhiêu người muốn bao vây chung quanh, bởi Ngài có y báo rất lành. Nụ cười và ánh mắt của Ngài tỏa rạng năng lượng từ bi, hoan hỷ, và nó thấm vào tất cả mọi người. Ngồi gần bên Ngài, ai cũng cảm thấy khỏe khoắn, vui tươi và an lạc. Dù tốn vé máy bay cả ngàn đô, mua cái vé vào cửa hơn năm chục đô, người ta vẫn muốn tới gần bên Ngài. Chánh báo của ta bị ảnh hưởng bởi chánh báo của những người khác và sự sống chung quanh.

         Hiểu được như thế, ta biết được đường hướng và bản chất của sự sống. Chỉ cần nhìn lại suy tư, tình cảm, tâm tư, nếp sống thì ta biết ta đang đi về đâu ngay bây giờ và mai sau. Tàng thức là viện bảo tàng, chứa đựng tất cả hạt giống để rồi từ đó tàng thức đưa ta đi về cõi phù hợp với nó.

 

Thanh thản nẻo đi về

 

        Nghiệp có thể thay đổi bằng sự thực tập, chứ ta không thể nào chịu chết với nó. “Nghiệp tôi như vậy nên phải chịu quả báo.” Không phải vậy đâu, bởi không có cái gì cứng ngắt hết. Các hạt giống trong tàng thức trôi chảy liên tục (hằng) và thay đổi mãi như một dòng sông (chuyển). Nhất là vào giây phút sắp chết thì các dòng sông tâm ý chảy ào ạt. Con nước nào mạnh thì nó lôi ta đi theo. Niệm định tuệ có công năng nhận diện được mặt mũi của tâm ý, có khả năng thanh lọc và chuyển hóa phiền não. Khi nỗi buồn biểu hiện trên mặt phẳng ý thức và chạm vào vùng ánh sáng chánh niệm thì ta thấy được, do đó nó không có khả năng chi phối ta. Biết hút thuốc làm cho ta ho nên ta không hút. Biết cờ bạc sẽ thua tiền nên ta không chơi… Cơn giận xuất hiện thì chánh niệm nhận diện: ta sắp chết rồi mà còn giận hờn con cháu để làm gì nữa. Ngay đây, ta có thể bẻ gãy nghiệp lực.

       Ta có thể thay đổi nghiệp lực trong đời sống hàng ngày, chứ không cần phải chờ đợi đến lúc gần chết. Trước kia giận nhiều, bây giờ ta giận ít lại. Lúc trước phản ứng mạnh, bây giờ ta thở cho khỏe. Hồi đó hấp tập, bây giờ ta sống thảnh thơi. Tuy nhiên, cơn giận chỉ chuyển hóa thôi, chứ không thể nào tiêu diệt được. Nếu có điều kiện thì cơn giận có thể biểu hiện trở lại, nhưng khi đi ngang qua vùng ánh sáng chánh niệm thì nó bị mòn mỏi đi từ từ. Đây là phương pháp duy nhất để chuyển nghiệp.

        Tâm thức có hai tầng lớp, phần trên là ý thức và phần dưới là tàng thức cách nhau bằng cánh cửa “mạt na”, có thể tạm gọi là “cánh cửa tâm hồn.” Tàng thức là chiều sâu của tâm thức, ảnh hưởng sâu đậm tới đời sống của ta. Ta không thể thấy sự vận hành của tàng thức, nhưng mỗi khi những hạt giống biểu hiện lên vùng ý thức thì ta có thể thấy được sự suy nghĩ, nỗi lo âu, cơn hồi hộp… Đồng thời, ta biết luôn sự tác động của tâm hành ấy tới lời nói, ánh mắt, cơ thể. Tự nhiên, con mắt hừng hực lên, ánh mắt dữ dằn hơn, thân thể nóng bức hơn, vì lúc ấy tâm thức đang có lửa sân hận.   

        Mỗi khi ngọn đèn chánh niệm mạnh đủ thì “cánh cửa tâm hồn” được mở toang ra để chiếu ánh sáng lên vùng ý thức. Khi giận thì biết ta đang giận, lúc buồn thì biết ta đang buồn, khi bất an thì biết ta đang bất an, nhờ đó, ta mới có thể đưa cơn giận trở về trạng thái hạt giống, tức là nó không có quyền biểu hiện một cách tự do. Ta thở với cơn giận. Ta ôm ấp rồi quán chiếu để cơn giận biến thành tình thương. Chính ta tiếp độ cho ta; thầy bạn, tăng thân và môi trường chỉ nâng đỡ và yểm trợ mà thôi. Cho nên ánh sáng chánh niệm chính là năng lượng chuyển hóa.

        Đời sống của ta có thể ví như là cây. Cây lớn lên hút nước, dinh dưỡng để nuôi thân, kết thành hoa trái. Một ngày nào đó, cây sẽ già nua rồi phải chết, tức là trở về cội nguồn của nó. Chờ cơ hội nào đó có đủ duyên và đẹp trời, hạt giống nằm sẵn trong lòng đất sẽ nẩy mầm, và cây sẽ đơm lá kết hoa trở lại để vui chơi trong mùa xuân. Tới mùa đông, nó héo mòn rồi tàn rụi cho nên ta tưởng cây chết, nhưng thật sự, cây đang làm ra những hạt giống nơi từng nhụy hoa.

        Cũng vậy, ta sinh ra lớn lên, vui buồn, thương yêu, lập gia đình rồi tới ngày già, bệnh. Ta cứ tưởng đâu tới ngày kia thì ta sẽ chết như một bông hoa. Không phải như vậy! Thật sự, ta đang làm ra những hạt giống của thân, khẩu và ý. Chờ điều kiện thuận tiện và đầy đủ, chúng sẽ biểu hiện thành sự sống đẹp hoặc xấu trong tương lai. Bông hoa làm đẹp và dâng cho cuộc đời hương sắc, quyến rủ ong bướm tới chơi để nhụy hoa có thể kết tụ thành hạt hoa. Con người cũng thế!

        Giá trị một đời người là ở sự tu học, chứ không phải là tiền bạc, giàu sang hay địa vị. Ta mang theo hết tất cả những hành động trong đời sống của ta và của những người thương. Tùy ở công phu tu tập mà ta mang theo hành lý nhẹ hay nặng, ra đi khỏe khoắn hoặc nhọc nhằn. Ta còn truyền lại sự sống của ta cho con cháu và họ sẽ mang ta đi về tương lai. Cho nên nghiệp ảnh hưởng qua lại như một màn nhện, từ đó nó đưa tới cái thấy sâu sắc là “ta không đi về đâu hết”. Ta chỉ ẩn hiện mà thôi.

         Khoa học khám phá: Sự sống là một khối điện tử, có khi ẩn có khi hiện. Cái máy electromagniticism có thể đo được đường đi của nó. Con người là điện tử. Ổ bánh mì là điện tử. Tất cả đều làm bằng điện tử và nguyên tử. Năng lượng hiện ra hoặc ẩn tàng, đi theo đường sóng nhẹ hoặc sóng mạnh, sóng lớn hoặc sóng nhỏ. Nhưng tất cả đều đi hết. Chúng ảnh hưởng lẫn nhau. Thỉnh thoảng nó chớp lên hoặc có một đường xẹt dài. Tất cả nghiệp lực cũng đi theo kiểu của điện tử. Vui buồn, thương ghét đi theo đường sóng của nghiệp lực, không bao giờ ta có thể chết được. Đi sâu vào thế giới của nguyên tử, ta thấy ta là tất cả và tất cả là ta. Ta không còn là một thực thể riêng biệt. Thế thì, ai sẽ lên đường để ra đi? Chết nghĩa là hình hài này tan rã. Sau một mùa xuân, bông hoa đơm hoa kết hạt, rồi tàn rụi đi, nhưng nó không thật sự biến mất mà đang làm ra hạt giống, làm ra năng lượng, làm ra nghiệp để tiếp tục cơ hội xuất hiện trở lại.

       Một số người không biết rõ bản chất của nghiệp. Họ cứ tưởng một trăm năm dài lắm. Sau khi chết, họ sẽ không còn gì nữa. Đó là một nhận thức sai lầm, tạo ra nhiều lo âu và sợ hãi. Bụt nói: “không sinh cũng không diệt”. Đó là một tiếng hét lớn, là tiếng sấm sét, là niềm tin yêu. Do đó, ta hãy vui lên. Chết là đi ngang qua một sự thay đổi lớn, có thể đẹp đẽ hay xấu xa đều tùy thuộc vào phẩm chất đời sống của ta trong hiện tại. Ta có thể trở lại trong cuộc đời này đẹp đẽ, tươi vui và thanh thoát hơn.

       Tóm lại, ta hãy gieo trồng thật nhiều đức tính tốt đẹp như bố thí, cứu người, thương yêu, tha thứ, giúp đỡ bạn bè, chăm sóc gia đình... Sống được như thế, ta sẽ đến đi thong dong trên mọi nẻo đường.

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
lan 20/10/2010 14:46:59
xin cam on thay
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập