Bát Chánh Đạo, Con Đường Giải Thoát Tham Sân Si, Giải Thoát Khổ Đau (Bài 9 - Chánh Định)

Đã đọc: 305           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh định? Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỷ kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỷ kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Tỷ kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệy hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh định. (Trường bộ kinh, 22. Đại Niệm Xứ)

Đức Phật thuyết về sự định tâm của tứ thiền hiện tại lạc trú trong Kinh Đại Niệm Xứ, tuy nhiên, trong chi phần Chánh Định này, duy chỉ Định Sơ Thiền và Định Từ Quán, Bi Quán sẽ được chú tâm trình bày, giải thích và thí dụ để giúp quý pháp hữu bất bộ phái và căn cơ có thể tùy duyên ứng dụng nhằm chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, chuyển hóa tham sân si thành giải thoát, niết bàn.

 1.     ĐỊNH SƠ THIỀN

Những hành giả vào Định Sơ Thiền thì sẽ ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Sơ Thiền (Thiền thứ nhất trong tứ thiền hiện tại lạc trú), một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ: ‘tầm’ là hướng tâm truy tìm đối tượng, ‘tứ’ là quan sát, tư duy trên đối tượng đó: chẳng hạn, khi ta hướng tâm đến Đức Phật đó là tầm, và tư duy về công đức, ân đức của Đức Phật là tứ. Như vậy, khi ta ngồi hoặc nằm thiền, quý Pháp hữu hướng tâm đến đối tượng thiện, tịnh tướng và bắt đầu nghĩ tưởng, tư duy, quán sát những đặc tính thiện của đối tượng đó để thiện pháp tăng trưởng, sung mãn, thành căn cứ địa, chứng và an trú, hỷ lạc sẽ thấm nhuần toàn thân tâm. Sự hỷ lạc của hành giả chứng Sơ Thiền được Đức Phật ví như một triệu phú giàu có đang hưởng 5 dục lạc của thế gian, người đời cho đó là thượng hạng, thượng diệu trong khi một thiên nhân ở cõi Trời Đao Lợi (Trời Ba Mươi Ba) khi nhìn thấy 5 thứ dục lạc của vị phú gia đang thọ hưởng thì lại kinh tởm. Sự hỷ lạc thấm nhuần toàn thân tâm của người chứng Sơ Thiền, ly dục ly bất thiện pháp còn hơn cả sự hưởng lạc của vị thiên nhân. Vì thế, những ai chứng Sơ Thiền sau khi xả bỏ thân mạng vượt qua sáu tầng trời dục giới (do ly dục) tái sanh ở một trong ba tầng trời thấp nhất của sắc giới là: Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên, và Đại Phạm Thiên. Những người ngoại đạo nào mà chứng đạt Sơ Thiền, cũng sẽ tái sinh về một trong 3 cõi trời sắc giới này của Sơ Thiền, nhưng khi nghiệp lực, thần lực đoạn tận, thì sẽ tái sinh có thể vào cõi thấp hơn, có thể vào Tam Ác Đạo. Trong khi quý Phật tử tu theo Bát Chánh Đạo (do giữ Giới Luật của Bậc Thánh) khi Giới thành thục, Định Sơ Thiền dễ dàng thành tựu hơn, và khi chứng và an trú Sơ Thiền, thì họ là Thánh Bất Lai A Na Hàm. Họ chưa giải thoát hoàn toàn vì họ còn tham vào sự hỷ lạc do ly dục ly bất thiện pháp mang lại, và từ đây họ tuệ tri rằng Sơ Thiền do suy tư tác thành nên chịu sự biến hoại, nên khổ và vô thường, họ quán tánh ly tham, quán tánh đoạn diệt, thì sẽ chứng đạt chánh trí giải thoát, bậc tuệ giải thoát, A La Hán không có thần thông, không còn tái sinh nữa (Trung Bộ Kinh. 52 Bát Thành hoặc Mười Một Cửa Giải Thoát_Tâm Tịnh cẩn tập).

Có thể nhận ra việc áp dụng Sơ Thiền trong việc giữ giới, chẳng hạn giữ khẩu nghiệp thanh tịnh. Trong kinh Nikàya, có một Cư sỹ hỏi Ni sư A La Hán, tầm tứ thuộc về gì? Ni sư đáp tầm từ thuộc về khẩu, vị Cư sỹ tỏ ra ngạc nhiên, và được Ni sư A La Hán giải thích phải tầm tứ trước rồi mới nói, tức là trên cơ sở Chánh Tri Kiến và Chánh Tư Duy, thì Chánh Ngữ mới được hiển bày. Sau đây là 4 câu kệ trong kinh Pháp Cú 376 cho thấy ly sự này của Ni sư

Giao thiệp khéo thân thiện

Cử chỉ mực đoan trang

Do vậy hưởng vui nhiều

Sẽ dứt mọi khổ đau.

Bốn câu kệ trên thể hiện đầy đủ Bát Chánh Đạo, và cách thực hành sơ thiền trong việc giữ giới cho đến thuần thục, cho đến thoát mọi khổ đau, Chánh Trí Giải Thoát.

Nhờ lạc và hỷ mà bốn Thánh đế được chứng ngộ

Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân chuyển, khởi điểm không thể nêu rõ, đối với (những đau khổ) do bị thương đâm, do bị kiếm chém, do bị búa chặt. Dầu vậy đi chăng nữa, này các Tỷ-kheo, Ta cũng không tuyên bố rằng nhờ khổ và ưu mà bốn Thánh đế được chứng ngộ. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng nhờ lạc và hỷ mà bốn Thánh đế được chứng ngộ.  (Tương Ưng Bộ. Chương 46a. Tương Ưng Sự Thật. IV. Phẩm Rừng Simsapa. 35.V. Một Trăm Cây Thương )

Như vậy, nhờ lạc và hỷ mà 4 thánh đế được chứng ngộ, và có thể đó là lý do tại sao Đức Phật dạy Bát Chánh Đạo, và trong phần Định là sự hỷ lạc của những Phật tử chứng được 1 trong 4 tầng thiền hiện tại lạc trú, và ngay từ đầu để được hỷ lạc, hành giả, khi thực hành Bát Chánh Đạo, phải bắt đầu bằng sự giữ GIỚI trên cơ sơ Chánh Kiến và Chánh Tư Duy, khi Giới thành thục sẽ nhập phạm hạnh, thấy lạc như 4 câu kệ trong Tương Ưng Dự Lưu b như sau:

Ai có tín và giới

Tịnh tín và thấy pháp

Đến thời khắc chín muồi

Nhập phạm hạnh, được lạc.

Trong việc tu giới, Sơ Thiền cũng đã được áp dụng để đoạn ác tu thiện, để ly dục, ly bất thiện pháp vv, và khi kết hợp với việc ngồi Sơ Thiền như kinh Điềm Lành ở trên, hoặc chọn đề mục để hướng tâm và tư duy chẳng hạn Niệm Thí (cúng dường, bố thí thanh tịnh) cho đến sung mãn, tác thành căn cứ địa, quý Pháp hữu sẽ đạt được Niệm Tuệ Tối Thắng... Vì thế, quý Pháp hữu, thiện hữu có thể chọn đề mục thiện phù hợp để hướng tâm để tư duy với tâm hân hoan, hỷ lạc vv cùng với ứng dụng việc giữ giới thanh tịnh, thì thiện pháp sẽ sung mãn…

Ngoài ra, để tu thiện pháp viên mãn, quý Pháp hữu, thay vì thực tập Sơ Thiền, có thể thực hành Từ Quán, Bi Quán, và thường luôn trưởng dưỡng tâm từ bi cho đến viên mãn, tâm hỷ lạc thấm nhầm; hoặc cũng có thể kết hợp cả hai với mục đích làm cho thiện pháp sung mãn, đoạn trừ ác pháp, đoạn trừ Tham Sân Si…

2.     ĐỊNH  VỚI TỪ TÂM GIẢI THOÁT & BI TÂM GIẢI THOÁT

Trên cơ sở của Chánh Tri Kiến, đặc biệt là Chánh Tư Duy: 1) Tư Duy về Ly Dục (cơ sở cho việc thực hành Sơ Thiền, ly dục, ly bất thiện pháp), 2) Tư Duy về Vô Sân (cơ sở thực hành Từ Quán, phát triển lòng từ), 3) Tư Duy về Bất Hại (cơ sở thực hành Bi Quán, phát triển lòng bi).

Bài chia sẻ hôm nay sẽ tập trung trình bày việc tu tập thiện pháp qua việc tu dưỡng lòng từ, lòng bi, khi tích tập sung mãn, làm thành cổ xe, tác thành căn cứ địa, chứng đạt và an trú (ĐỊNH), thì hành giả sẽ chứng đạt Tâm Giải Thoát: Từ Tâm Giải Thoát, Bi Tâm Giải Thoát, và từ đây tiến thẳng đến Tuệ Giải Thoát.

2.1 Định với Từ Quán (Từ Tâm Giải Thoát)

Tâm từ có công năng điều phục tâm sân, phẫn nộ. Vì thế, Thế Tôn thường khuyên bảo bốn chúng đệ tử tu tập Từ Quán, trưởng dưỡng tâm từ sung mãn, tác thành căn cứ địa, chứng đạt Từ Tâm Giải Thoát (ĐỊNH) và an trú như được ghi trong Thánh điển: "Ai tu tập từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, sân tâm vẫn ngự trị, an trú; sự kiện không xảy ra như vậy. Này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát sân tâm, tức là từ tâm giải thoát". (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương: Sáu Pháp, Phẩm: Cần Phải Nhớ)

2.1.1 Niệm Định Từ Quán rất quan trọng, nền tảng rất tốt cho Thiền Minh Sát

Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Chương Một Pháp, Phật có nói một câu: ‘‘Nếu một vị tỷ kheo tu Từ quán, dầu chỉ thực tập trong một chốc lát, thời gian bằng một cái búng tay thôi, thì vị tỷ kheo đó đã xứng đáng là một vị tỷ kheo rồi.’’ Câu nói đó chứng tỏ rằng Từ Quán rất quan trọng trong đạo Phật. Phật nói tiếp: ‘‘Tỷ kheo đó sẽ không thất bại trong thiền định, sẽ làm được theo lời bậc đạo sư chỉ dạy, sẽ đáp ứng được những lời khuyến dụ của các vị đạo sư. Và vị đó ăn cơm tín thí không uổng. (Tăng Chi Bộ Kinh. Chương Một Pháp. XX Phẩm Thiền Định)

Như vậy, việc tu Từ Quán trợ duyên rất tốt cho những Pháp hữu hành Thiền Minh Sát Tuệ, vì Từ Quán cùng với thường luôn chánh niệm tỉnh giác, an trú trong nội tâm bằng tâm từ, trưởng dưỡng tâm từ từ tâm ý cho đến khẩu nghiệp thiện (từ bỏ lời thô ác, với lời nói điều lành), hành nghiệp thiện, nhờ chánh tinh tấn (nhiệt tâm tinh cần), tâm từ trở nên thuần thục, nhu nhuyến, tác thành căn cứ địa (Định),  tạo nền tảng vững vàng cho việc thực hành thiền minh sát tuệ, và dễ thành tựu chánh trí giải thoát.

2.1.2. Từ Quán cùng với trưởng dưỡng tâm từ một cách nhiệt tâm tinh cần, đạt được tâm giải thoát (ĐỊNH) cho đến tuệ giải thoát

Trong Trung Bộ Kinh, Đức Phật dạy những ai tu tập Từ Quán, chánh niệm tỉnh giác, nhiệt tâm tinh cần trưởng dưỡng tâm từ đối với hết thảy hữu tình biến mãn khắp phương xứ cho đến sung mãn, tác thành căn cứ địa, chứng đạt Từ Tâm Giải Thoát (ĐỊNH) và an trú, và nếu tham luyến sự hỷ lạc do Từ Tâm Giải Thoát mang lại, thì hành giả Phật tử đạt được quả Bất Lai (A Na Hàm), hiện đời sống hỷ lạc, và sau khi thân hoại mạng chung, được tái sinh vào Phạm Chúng Thiên (Cõi Trời Sắc Giới thứ nhất của Sơ Thiền), và hưởng thọ hỷ lạc trong cảnh giới thù thắng đó 1 kiếp, đắc Thánh Quả A La Hán, giải thoát khổ đau hoàn toàn, cứu cánh phạm hạnh trong cảnh giới thượng diệu ấy, như đã được ghi lại trong Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Bốn Pháp. Phẩm XIII. Sợ Hãi. (Mười Một Cửa Giải Thoát, Tâm Tịnh cẩn tập: https://thuvienhoasen.org/a29855/muoi-motcua-giai-thoat)

Những hành giả Phật tử nào đã thành tựu Từ Tâm Giải Thoát (ĐỊNH), và từ đây với như lý tư duy, sự hỷ lạc này, Từ Tâm Giải thoát này do suy tư tác thành, nên vô thường, chịu sự đoạn diệt, nhờ vậy, hành giả buông tham luyến pháp này, nên đoạn trừ tất cả các lậu hoặc, đạt Tuệ Giải Thoát, Chánh Trí Giải Thoát, là bậc A La Hán, như đoạn trích dẫn trong Trung Bộ Kinh, số 52 Kinh Bát Thành: Từ tâm giải thoát này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy do vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc..." (Mười Một Cửa Giải Thoát, Tâm Tịnh cẩn tập)

2.2 Định với Bi Quán – Bi Tâm Giải Thoát

Ai tu tập Bi Tâm Giải Thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ (ĐỊNH), an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, hại tâm vẫn ngự trị, an trú; sự kiện không xảy ra như vậy. Này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát hại tâm, tức là Bi Tâm Giải Thoát" (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương: Sáu Pháp, Phẩm: Cần Phải Nhớ).

2.2.2 Không tham luyến Bi Tâm Giải Thoát: Chánh trí giải thoát, Tuệ Giải Thoát, bậc A La Hán

Này Gia chủ, Tỷ-kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với bi, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy suy tư và được biết: "Bi tâm giải thoát này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt". Vị ấy do vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. (Trung Bộ Kinh - 52 Kinh Bát thành)

2.3 Định Tứ Vô Lượng Tâm Giải Thoát

Trong tứ vô lượng tâm, hành giả nào thành tựu viên mãn chỉ một tâm (ĐỊNH), và từ đây nhận biết pháp này là pháp hữu vi, nên vô thường, chịu sự đoạn diệt, rồi buông, không tham đắm, luyến ái pháp này (hỷ lạc sung mãn do Từ Tâm Giải Thoát, Bi Tâm Giải Thoát, Hỷ Tâm Giải Thoát, Xả Tâm Giải Thoát…), sẽ đoạn trừ các lậu hoặc, Chánh Trí Giải Thoát, là bậc A La Hán, dứt mọi khổ đau. (Mười Một Cửa Giải Thoát_Tâm Tịnh cẩn tập)

Trong tâm từ

Tâm Tịnh

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập