Bát Chánh Đạo, Con Đường Giải Thoát Tham Sân Si, Giải Thoát Khổ Đau (Bài 3 - Chánh Mạng)

Đã đọc: 268           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh mạng? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh mạng. (Trường Bộ Kinh. 22. Kinh Đại Niệm Xứ)

Từ Chánh Nghiệp, chúng ta tự chế không sát sanh, từ bỏ sát sinh; tự chế không lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho; và tự chế không tà dâm, từ bỏ tà dâm; tức là buông bỏ bất thiện pháp, từ bỏ ác pháp, đưa đến quả báo thiện, an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người. Bài chia sẻ tiếp theo với quý Pháp hữu, thiện hữu là về CHÁNH MẠNG: từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng, nghề làm ăn chân chánh.

CHÁNH MẠNG (Mạng ở đây có nghĩa là mạng sống): Tức là thọ dụng thức ăn, thức uống, y phục, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh một cách chơn chánh, và nuôi mạng sống và gia đình bằng nghề chân chánh bằng thiện pháp, không bằng phi pháp/ác pháp, không hại mình, hại người, và hại cả hai, không đưa đến quả báo khổ.

1. Thọ dụng y phục, thức ăn, thức uống, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh một cách chơn chánh: KHÔNG VÌ THAM ĐẮM mà thọ dụng mà mục đich thọ dụng là để duy trì mạng sống để tu thiện pháp, tu phạm hạnh, chánh trí giải thoát. Thế Tôn dạy nhờ thọ dụng đúng pháp mà các lậu hoặc được đoạn trừ như đoạn kinh văn của Trung Bộ Kinh, số 2 như sau:

1.1 Các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ

Này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát, thọ dụng y phục, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng.

Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng món ăn khất thực không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn".

Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng sàng tọa, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loại bò sát, chỉ để giải trừ nguy hiểm của thời tiết, chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh.

Vị ấy như lý giác sát thọ dụng dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác khổ thống đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn.

Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ.

(Trung Bộ Kinh. số 2. Kinh Tất cả các lậu hoặc)

Như vậy, thọ dụng những vật thực một cách chơn chánh, y như pháp là cách từ bỏ THAM đắm thức ăn, thức uống, y phục và vv cho cả bốn chúng đệ tử của Thế Tôn, vì thế chúng ta nên học và hành theo để học cách buông xả, hướng đến giải thoát (Tham Sân Si), niết bàn.

1.2 Những thức uống không được thọ dụng: chất say, rượu bia, các chất kích thích làm cho tâm trí mê mờ, điên loạn. Đây là giới thứ 5 trong ngũ giới: Tự chế không uống rượu men, rượu nấu, từ bỏ uống rượu, từ bỏ chất kích thích khiến loạn tâm trí.

Đức Phật chế giới cấm uống rượu, được ghi lại trong chuyện tiền thân số 81, Tiểu Bộ Kinh về trường hợp của Trưởng Lão Sàgata với thần thông lực nhiếp phục con rắn thần (Naga) khiến con rắn thần quy phục, quy y Tam Bảo và ngũ giới, nhưng do uống rượu mà khiến Trưởng Lão loạn trí mê sảng, và nằm đặt chân trước mặt Đức Phật.

Một Trưởng Lão với thần thông lực mà khi bị rượu chinh phục còn bị loạn trí, bất kính với Như Lai như vậy, huống gì hàng phàm phu chúng ta trong thời mạt pháp. Vì thế, từ bỏ uống rượu, giữ giới không uống rượu bia là nhằm để ngăn chặn những ác pháp, bất thiện pháp từ khẩu, thân hành gây ra do mất trí. Ngày nay, ngoài uống bia rượu, còn có những gây chất nghiện khác như ma túy, thuốc lắc vv cũng không được sử dụng, phải từ bỏ.

Không uống rượu, dù chỉ với một ít, một giọt trên đầu ngọn cỏ, nếu uống tức là phạm tội như đã được ghi lại trong Thánh Kinh như đoạn trích dưới đây:

Đức Phật thấy việc này liền bảo ngài A Nan tập hợp đại chúng lại và dạy về việc trưởng lão hàng phục được độc long (Rắn Thần). Ngài hỏi đại chúng: “Trong lúc hàng phục độc long oai lực biết bao, giờ đây ông Sa Dà Đà (Sàgata) này có thể hàng phục được một con rắn nhỏ hay một con tôm hay không?”

Đại chúng đồng đáp lại rằng: “Không thể hàng phục được”. Phật dạy: “Ông Sa Dà Đà là một vị thánh nhân mà sau khi uống rượu say còn như vậy, huống chi người thế tục thông thường. Thế nên từ đây về sau, nếu là đệ tử của Phật thì quyết định không được uống rượu. Không nói là uống nhiều, chỉ cần một chén nhỏ cho đến một giọt trên đầu ngọn cỏ, cũng không được uống. Nếu uống tức là phạm tội”.

Trong những bài kinh Nikàya (Pali Tạng, Phật Giáo Nguyên Thủy), Đức Phật giải thích như thế nào là giới thanh tịnh: Giới Không Bị Bể Vụn, Giới Không Bị Sứt Mẻ, Giới Không Bị Tạp Uế, Giới Không Có Dấu Chấm. Nhự vậy, để giữ giới hoàn toàn thanh tịnh, thì dù một giọt rượu cũng không đụng đến (tức là không có dấu chấm).

1.2.1 Trong 'Phật Thuyết Phân Biệt Thiện Ác Sở Khởi Kinh'. Phật bảo: Người ở thế gian thích uống rượu say, sẽ có ba mươi sáu lỗi. Những gì là ba mươi sáu lỗi?

  1. Uống rượu say, khiến con cái không kính cha mẹ, quần thần không kính với vua. Đạo nghĩa vua tôi, cha con không có trên dưới.
  2. Lời nói nhiều sai lầm.
  3. Miệng nói nhiều lời ly gián.
  4. Uống rượu say thường nói ra những việc bí mật, riêng tư.
  5. Uống say khiến chửi bới trời, làng xã không kể cả kỵ húy.
  6. Uống say khiến nằm lăn giữa đường không thể trở về được, hoặc mất hết các đồ lặt vặt.
  7. Uống say khiến không thể chấn chỉnh bản thân.
  8. Ngang ngược với trên, dưới, hoặc bị rơi xuống hào, hố.
  9. Uống say khiến ngã xuống, phá nát mặt mày.
  10. Buôn bán thua lỗ, chống đối ngông cuồng.
  11. Uống say khiến (hỏng việc) thất nghiệp, không lo liệu cuộc sống.
  12. Uống say khiến hao giảm tài vật.
  13. Uống say khiến không nhớ tưởng đến sự đói khát của vợ con.
  14. Gọi chửi không kể cả pháp nước.
  15. Uống say khiến cởi áo trần truồng, khỏa thân mà đi.
  16. Uống say khiến tự ý xông vào nhà người, liền nói lời can loạn với người phụ nữ, tội lỗi đó không kể kiết.
  17. Thấy người đi qua liền mắng chửi họ, cùng đánh đập họ.
  18. Giẫm đất, la hét làm kinh động cả láng giềng.
  19. Uống say khiến ngông cuồng sát hại các loài côn trùng, bò sát.
  20. Đập phá nhà cửa, đổ vỡ đồ đạc.
  21. Gia đình coi như là người phạm tội say, thốt ra những lời hỗn láo.
  22. Bè đảng với người ác.
  23. Xa lìa người thiện.
  24. Khi nằm ngủ, thân thể như bệnh tật.
  25. Nôn mửa, khiến các thứ nhơ bẩn chảy ra, vợ con tự chán ghét tình trạng đó.
  26. Uống say khiến dục ý buông thả; như lang sói không biết phòng ngừa.
  27. Không tôn trọng kinh điển, người hiền, không kính đạo sĩ, không kính Sa-môn.
  28. Uống say khiến dâm dật, không chỗ lo sợ để tránh.
  29. Uống say như người điên, khiến người thấy đều bỏ đi.
  30. Uống say vào, như người chết không còn hay biết gì nữa.
  31. Uống say khiến trên mặt nổi mụt, hoặc ốm đau do rượu hoặc suy sụp, tiều tụy.
  32. Trời, rồng , quỷ thần đều cho rượu là ác.
  33. Chỗ quen biết sâu nặng của người thân ngày càng xa.
  34. Uống say khiến thấy ngồi rồi xoạc chân ra hoặc bị người ta đánh bầm cả hai mắt.
  35. Mãi về sau phải đọa vào trong địa ngục Thái sơn, thường bị nước đồng sôi đổ vào miệng, chảy thiêu xuống trong bụng, thế là cầu sống cũng khó được, cầu chết cũng khó xong, kéo dài cả ngàn vạn năm.
  36. Thoát ra khỏi địa ngục, sinh làm người thường ngu si, không chỗ hiểu biết đều do đời trước thèm uống rượu.

1.2.2 Lợi ích của việc giữ giới Không Uống Rượu không thể nghĩ bàn: Đặc biệt, giúp hành giả ngăn chặn ác pháp, bất thiện Pháp: ngôn bất chính, hành bất thiện, và nhiều lợi ích khác nữa. Trong "Phật Thuyết Phân Biệt Thiện Ác Sở Khởi Kinh', Đức Phật bảo: Người ở thế gian không nên uống rượu say, từ việc không uống rượu say thì được năm điều lành. Những gì là năm?

  1. Sự hiểu biết được tăng trưởng, làm quan được tăng chức, lời nói không lầm lẫn; cũng làm quan như ý.
  2. Tề chỉnh việc nhà, thường dư của cải.
  3. Nhờ danh nghĩa, cầu lợi nhanh chóng được, cũng được sự yêu kính của mọi người.
  4. Được sinh lên cõi trời và được chư Thiên kính trọng.
  5. Từ cõi trời hạ sinh xuống trần gian được sự tinh khiết, lòng đầy vui vẻ, trí tuệ thông suốt hiểu rõ mọi.

1.3 Những thức ăn không được thọ dụng: Tỏi, hành, kiệu, nén, hẹ

1.3.1 Kiêng ăn ngũ vị tân được ghi lại trong Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới (Đại Thừa Phật Giáo)dành cho bốn chúng đệ tử của Đức Phật thọ Bồ Tát Giới gồm 58 giới: 10 giới trọng và 48 giới khinh: Kiêng ăn ngũ vị tân thuộc giới thứ 4 của 48 giới khinh, nếu ăn thì phạm Khinh cấu tội. Kinh Lăng Nghiêm có đoạn về việc ăn ngũ vị tân "ăn chín sanh dâm, ăn sống sanh sân", vả lại, ngũ vị tân có mùi cay nồng, rất hôi. Nên việc kiêng ăn ngũ vị tân với tâm ý từ bỏ tham đắm mùi vị, là cách quý Phật tử tập buông xả, từ bỏ tham đắm mùi vị (tức là, giữ giới với Chánh Tư Duy, ly dục, hướng đến giải thoát tham sân si (Đó là Giới Luật Trong Bậc Thánh).

1.3.2 Kiêng ăn tỏi trong kinh Nguyên Thủy: Trong khi đó, Trong Phật Giáo Nguyên Thủy, việc chư Tỷ kheo kiêng ăn tỏi được Đức Phật chế giới nhân duyên là do sự tham lam lấy nhiều tỏi của Tỷ-kheo-ni Thhullanandà (Nandà Mập), khiến người giữ ruộng bực tức, mặc dầu được Nam Cư Sỹ cúng dường, và những tỷ kheo ni thiểu dục tri túc cũng bực bội phiền muộn, và trình sự tình này lên Thế Tôn. Đức Phật quở trách Tỷ kheo ni Yjhullananda, rồi đặt ra học giới Kiêng Ăn Tỏi (Tiểu Bộ Kinh Nikàya, Tiền Thân số 136).

Trong Tạng Luật, Tiểu Phẩm, Tập 2, Phật Giáo Nguyên Thủy (Phật Giáo Nam Truyền), Đức Phật chế giới Không Ăn Tỏi cho các Tỷ Kheo, và vị nào ăn sẽ phạm tội Tác Ác (Tội này khi thành tâm sám hối sẽ hết tội). Tuy nhiên, tỏi vẫn được phép sử dụng để trị bệnh khi cần thiết (Tạng Luật, Tiểu phẩm [Cullavagga], tập 2, chương 5 Các tiểu sự)

Như vậy, cả Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Đại Thừa đều có giới cấm dùng tỏi (hành, hẹ, kiệu, nén là những loại có chất cay, hôi tương tự như tỏi). Vì vậy, thiết nghĩ, là Phật tử chân chính, chúng ta phải hành theo lời Phật dạy, nói không với ngũ vị tân (cũng là cách buông xả, không tham đắm mùi vị...)

2. Nuôi mạng sống và gia đình bằng nghề chân chánh bằng thiện pháp

2.1 Những nghề Phật tử tại gia không nên làm

Có năm nghề buôn bán này, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm? Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc. Có năm nghề buôn bán này, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ không nên làm. (Tăng Chi Bộ, Chương Năm Pháp. Phẩm 18. Nam Cư Sỹ (VII) (177) Người Buôn Bán)

Buôn bán đao kiếm: buôn bán bất cứ thứ gì làm hại chúng sinh: vũ khí, lưới chài cá, cần câu, lưỡi câu, bẩy chim (nhẹ hơn một chút: lồng chim...) vv. Buôn bán người: tổ chức mua hương bán hoa (tú bà, tú ông vv), buôn bán nô lệ vv. Buôn bán thịt (vì tàn hại, đoạt mạng sống của chúng sinh) Buôn bán rượu bia, rượu men, rượu nấu, thức uống có chất say khiến tâm trí mê mờ. Buôn bán thuốc độc, thuốc phiện (trừ khi được cơ quan thẩm quyền cung cấp để trị bệnh), thuốc lá (gây hại cho người hút, cho người hút thuốc bị động, phung phí tiền của)…

Nói chung, trên cơ sở Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, bất kể nghề nào mà làm hại, tàn hại, gây đau khổ cho chúng sinh, đưa đến quả báo xấu thì không nên làm.

2.2 Làm ăn chân chánh để nuôi thân, gia đình và bố thí, cúng dường: ngoài những nghề buôn bán gây đau khổ cho chúng sinh (KHÔNG NÊN LÀM), những nghề nghiệp khác quý Phật tử hay thiện hữu có thể làm để nuôi mạng sống, nuôi gia đình,có tịnh tài để bố thí, cúng dường vv thì phải làm một cách chơn chánh trên nền tảng cúa Bát Chánh Đạo, đặc biệt Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, ..., thì sẽ được an lạc và hạnh phúc như bốn câu kệ trong Kinh Điềm Lành, Tiểu Tụng, Tiểu Bộ Kinh sau:

Hiếu kính Mẹ và Cha

Nuôi dưỡng vợ và con

Làm nghề không rắc rối

Là điềm lành tối thượng!

Như vậy, với sự giảng giải, giải thích, trình bày chi nhánh thứ 5 Chánh Mạng của Bát Chánh Đạo, hy vọng quý Phật tử, thiện hữu nắm rõ nội dung chính, qua đó chư vị có thể tùy pháp, hành pháp được chơn lạc, mang đến quả báo lành, tăng trưởng từ bi và trí tuệ, tự lợi, lợi tha, tự giác, giác tha, giác tha viên mãn.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập