Ân nghĩa nào khó trả nhất ?

Đã đọc: 2863           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

( Chuyên mục hỏi hay đáp đúng )

Phật tử chùa Thiên Khánh hỏi:

Ân nghĩa nào khó trả nhất? Xin thầy giải thích tường tận cho chúng con được hiểu biết mà sống đúng với đạo đức làm người.

Thầy trả lời: Đó là ân cha mẹ. Nói đến cuộc sống thì ân nghĩa là quan trọng hơn hết. Món nợ lớn nhất của đời người chính là ân nghĩa, vì ân nghĩa khó đáp đền trong muôn một, như ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân đất nước, ân lãnh đạo sáng suốt, ân các vị anh hùng liệt sĩ và ân những người đã từng giúp đỡ ta.

“Làm con chữ hiếu đi đầu

Biết ân cha mẹ thâm sâu khó đền”.

 Phật dạy trong các món nợ đời thì ân nghĩa là món nợ khó trả hơn hết, nhất là ân cha mẹ. Nợ tiền bạc thì chúng ta có ngày trả hết. Còn những thứ không đong đếm được ví như ân cha mẹ, thì làm sao mà trả cho hết đây. Nếu chúng ta nhận quá nhiều ân nghĩa từ cha mẹ thì ta sẽ càng bất an và mắc nợ nhiều hơn nữa. Mà càng mắc nợ nhiều thì cuộc sống của chúng ta sẽ càng khó tiếp nhận được bình yên hạnh phúc trong đời sống hằng ngày.

Kinh Báo Ân Phật đã dạy:

Thế tôn chỉ dạy A Nan,

Công cha nghĩa mẹ ơn sâu khó đền.

Một là mang nặng hình hài,

Mười tháng cưu mang lao khổ, nhọc nhằn.

Thứ hai sinh đẻ gớm ghê,

Chịu đau, chịu khổ, mỏi mê trăm phần.

Thứ ba ân sâu nuôi dưỡng,

Dòng sữa ngọt ngào mẹ mớm cho con.

Thứ tư ăn đắng nuốt cay,

Để dành bùi ngọt cho con đủ đầy.

Thứ năm lại còn khi ngủ,

Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.

Thứ sáu sú nước nhai cơm,

Miễn con no ấm, mẹ vui trong lòng.

Thứ bảy không sợ tanh hôi,

Giặt giũ đồ dơ mà không phiền lòng.

Thứ tám chẳng nỡ chia riêng,

Nếu con đi vắng cha chờ mẹ lo.

Thứ chín vì muốn con khôn,

Dẫu mang nghiệp ác cũng đành chịu luôn.

Tính sao có lợi thì làm,

Chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm.

Điều thứ mười chẳng ham trau chuốt,

Dành cho con các cuộc thanh nhàn,

Thương con như ngọc như vàng,

Ơn cha nghĩa mẹ sánh bằng Thái Sơn.

Đây là lời dạy vàng ngọc nói về công ơn mẹ, ai đã từng mang nặng đẻ đau, ai đã từng làm mẹ mới cảm nhận được ân đức của mẹ, và ai sắp sửa làm mẹ cũng phải bùi ngùi xúc động mà nhớ đến công lao khó nhọc của mẹ cha.

Bổn phận làm con ta phải thường xuyên quan tâm thưa hỏi, chăm sóc mỗi khi có dịp gần gũi. Nhờ vậy cha mẹ già dù có nghèo nhưng vẫn vui lòng vì thấy mình còn được con cái quan tâm, chăm sóc. Nếu cha mẹ chưa biết quy hướng Tam bảo thì ta phải tìm cách khuyên nhủ cha mẹ đi chùa và quy y Tam bảo. Khuyên cha mẹ biết làm phước, đi chùa tụng Kinh, niệm Phật, làm việc thiện ích như vậy là cách báo hiếu tốt nhất. Nhờ tu học Phật pháp cha mẹ cảm nhận được niềm vui từ sự biết buông xả các thói quen chấp trước mà sống bình an, hạnh phúc với tuổi già.

 Khi Phật còn tại thế, Ngài thường khuyên nhủ mọi người như sau: “Này các Phật tử, nếu ai muốn tiến tu đến đạo quả Vô Thượng Bồ Đề thì trước tiên phải biết cung kính, hiếu dưỡng với cha mẹ. Hiếu là nền tảng cơ bản của đạo làm người trên bước đường dẫn đến giác ngộ và giải thoát. Thế cho nên,

Nhờ ân dưỡng dục của mẹ cha

Con được lớn khôn lại an hòa

Ân cha cao cả như núi Thái

Đức mẹ vô bờ tựa biển xa

Dù Ta trụ thế trong một kiếp

Cũng không kể hết ân cha mẹ. 

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn

Bao bọc, chở che khi con gặp khó khăn

An ủi, vỗ về khi con phải đi xa

Mẹ vẫn bên con dù biển cạn, núi mòn

Gánh nặng cuộc đời mẹ mang cả hai vai

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ buồn khổ

Không có mẹ con đã ra người thiên cổ

Mẹ là cả bầu trời thương yêu dịu ngọt

Mẹ là cả bầu trời che mát cho con. 

Người con hiếu thảo phải biết phụng dưỡng cha mẹ, phước báo to lớn ấy cũng như cúng dường chư Phật. Người trong thế gian ai được gọi là giàu hơn hết và ai sẽ là người nghèo hơn hết?

Mẹ hiền còn sống gọi là giàu có. Mẹ hiền mất đi gọi là nghèo khổ. Nếu ai còn mẹ thì gọi là mặt trời mọc, mẹ hiền mất đi gọi là mặt trời lặn. Khi còn mẹ hiền thì gọi là đêm trăng sáng, ai mất mẹ rồi gọi là đêm tối không trăng.

Phật dạy: 

Vui thay hiếu kính mẹ

Vui thay hiếu kính cha

Vui thay kính Sa môn

Vui thay kính hiền Thánh.

Quý Phật tử thấy chưa, Phật lúc nào cũng nêu cao tinh thần hiếu đạo, luôn khuyên nhủ mọi người biết hiếu kính cha mẹ. Do đó Ngài nói “vui thay hiếu kính mẹ cha”, ai biết sống như vậy mới xứng đáng là một Phật tử chân chính. Chúng ta phải biết hiếu kính cha mẹ trước rồi mới hiếu kính các bậc hiền Thánh, đạo lý làm người lúc nào cũng có thứ tự, từ trong gia đình rồi lan rộng ra ngoài xã hội. Cha mẹ là hai bậc sinh thành dưỡng dục mà ta không biết hiếu kính, tôn trọng thì thử hỏi làm sao ta biết quý trọng, tôn kính người khác. Ân cha mẹ rất cao quý nhất không gì có thể so sánh bằng, thế cho nên ngôn ngữ trần gian không thể nào diễn tả hết.

Ngôn ngữ trần gian là chiếc túi rách,

Làm sao đong đầy hai tiếng mẹ cha.

Ân: là ân huệ, là ơn nghĩa Tình: tình cảm, tình yêu thương, tình người trong cuộc sống…biết ơn, mang ơn và đền ơn một ai đó khi họ giúp đỡ, sẽ chia khốn khó với ta trong cuộc sống. Sở dĩ con người ta quý trọng nhau bởi nghĩa cử cao đẹp của một người khác đã dành cho mình, đó chính là “ân cha mẹ”. Đây là chính là một từ ngữ khó diễn tả nhất, dù cho bút mực trần gian có đầy ắp cả thế gian này…cũng không trình bày hết hai tiếng mẹ cha. Để biết ơn và đền ơn cha mẹ đã dành cho ta trọn vẹn mà không bao giờ kể công.

Nước biển mênh mông không đong đầy lòng mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha.

Tóm lại, món nợ đời khó trả nhất là ân cha mẹ. Người Phật tử chân chính phải biết ơn và đền ơn, để đền trả những ơn khó đáp đền nhất. Trước tiên quý Phật tử phải giữ gìn giới luật trang nghiêm sống đời đạo đức, tin sâu nhân quả, tránh ác làm lành, dấn thân phụng sự xã hội và sẵn sàng đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã giúp đỡ chúng ta.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập