Từ bỏ tục đốt vàng mã

Đã đọc: 3622           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

ĐPNN: Dưới đây là nguyên văn bài phỏng vấn đầy đủ của nhà báo Hồng Minh đối với TT. Thích Nhật Từ về cách thức từ bỏ hủ tục đốt vàng mã. Một phần của bài phỏng vấn này được đăng trên Pháp Luật Online . Đạo Phật Ngày Nay đăng lại đầy đủ bài phỏng vấn nhân dịp mùa Báo hiếu PL.2560, DL. 2016.

- Hẳn Thượng tọa đã biết vụ cháy xe bồn chở xăng tại Quảng Ninh vào ngày 7/8 do tàn vàng mã bay vào. Thượng tọa nghĩ gì về tác hại của sự kiện không may này?

TNT: Việc một gia đình ở cạnh cây xăng đốt vàng mã lúc 18h ngày 7/8/16 làm cháy xe bồn tại cây xăng khu 5, phường Ka Long, TP. Móng Cái cho thấy hậu quả của mê tín đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của con người, mà Phật giáo dạy chúng ta nên dùng trí tuệ để tránh và kết thúc nó.

Có ít nhất bốn tổn thất do người mê tín trong tình huống này đã vô tình gây ra, bao gồm:

(i) Tự gây ra các tổn thất về tinh thần như hoang mang, sợ hãi, lo lắng, căng thẳng do mê tín hoặc bị nhồi sọ bởi những người truyền bá mê tín,

(ii) Tổn thất về tài sản như đốt tiền thật (qua sự quy đổi thành vàng mã), đang khi trong xã hội có nhiều người nghèo đói không có tiền ăn, áo quần mặc thì không mở lòng giúp đỡ,

(iii) Gây ô nhiễm không khí,

(iv) Tàm cháy xe bồn tại cây xăng, gây tổn thất tài sản của Cửa hàng xăng dầu Ka Long thuộc sở hữu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Tân (rất may là không có chết người và đám cháy đã được dập tắt kịp thời, không ảnh hưởng xấu đến các hộ phụ cận).

 

- Sự kiện đau lòng trên xảy ra đúng vào tháng 7 âm lịch có tiết Vu Lan báo hiếu, ngày xá tội vong nhân khi rất nhiều gia đình Việt Nam vẫn giữ thói quen đốt đồ mã trong dịp này.

TNT: Thực ra, theo Phật giáo thì tháng 7 âm lịch là một trong ba tháng cấm túc “kết hạ an cư” của Tăng đoàn để tăng cường tu tập đạo đức, thiền định, trí tuệ, làm lớn mạnh nguồn năng lượng tâm linh.

Ngày quan trọng nhất của tháng 7 âm lịch là rằm tháng 7. Về phía tăng đoàn, rằm tháng bảy là ngày kết thúc ba tháng an cư, trong đó, có lễ “tự tứ”, tức thỉnh mời đồng tu “chỉ lỗi” cho mình khắc phục để phát triển nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt đẹp hơn.

Về phía quần chúng, rằm tháng bảy là “Vu-lan-bồn” gọi tắt là “Vu-lan” tức “ngày báo hiếu” của con thảo cháu hiền đối với cha mẹ, ông bà, đã có công sinh chúng ta với tư cách con người. Đây là nét đẹp văn hóa “nhớ ân và đền ân” thuộc thuyết bốn ân trọng của Phật giáo. Ba ân trọng còn lại là ân thầy cô giáo, ân tổ quốc và ân đồng loại.

Đã từ lâu, trong dân gian, nhiều người ít tìm hiểu Phật giáo thường ngộ nhận ngày rằm tháng 7 là “ngày xá tội vong nhân”. Đó là điều đáng tiếc. Thực ra, âm phủ không có thật. Theo Phật giáo Nguyên thủy, sau khi chết, thần thức người chết lập tức tái sinh vào phôi thai của một người mẹ để trung bình 10 tháng sau đó trở thành con người mới. Vì tình thương dành cho người quá cố nói chung, cha mẹ ông bà nói riêng, nhiều thế hệ con cháu do mê tín sẵn lòng bỏ tiền ra, mua đốt vàng mã vì nghĩ rằng việc làm này có thể giúp cho người quá cố được xá tội dưới âm phủ. Điều này góp phần gây ô nhiễm không khí và tổn thất tiền bạc vô ích.

 

- Về vấn đề đốt vàng mã, đồ mã, từ trước đến nay đã có rất nhiều khuyến cáo của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, tôn giáo, cho đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thậm chí việc cấm đốt vàng mã, đồ mã nơi công cộng cũng đã được quy phạm hóa, nhưng dường như nếp nghĩ, thói quen và việc làm của người dân là rất khó bỏ. Điều này hẳn có căn nguyên, theo Thượng tọa đó là gì?

TNT: Phật giáo cho rằng mọi chướng duyên, nghịch cảnh, nỗi khổ, niềm đau, bất hạnh đều có nguyên nhân. Chận đứng được nguyên nhân của khổ đau thì khổ đau sẽ giảm dần, kết thúc và không tái diễn. Suy nghĩ và hành vi mê tín, dị đoan có sức tàn phá hạnh phúc của con người rất lớn. Dù khi mê tín đã trở thành thói quen thì khó bỏ, không có nghĩa là không thể bỏ được. Các nỗ lực đúng sẽ tạo ra giải pháp đúng. Cũng vậy, khi truy ra được căng nguyên của tệ đoan đốt vàng mã thì chúng ta có thể kết thúc chúng trong tương lai. Sau đây là các căn nguyên chính cần được tháo mở:

(i) Tin rằng sau khi chết con người tồn tại dưới âm phủ. Tất cả tôn giáo nhất thần và đa thần đều tin rằng hỏa ngục/ địa ngục tồn tại trong lòng đất, góp phần tạo ra niềm tin sai lạc trong dân gian trải qua ngàn đời rằng âm phủ là có thật. Vì tin điều sai lầm này, các vị vua Ai Cập thường sắc dựng Kim tự tháp tráng lệ, chứa vàng, bạc, ngọc ngà, đồng thời, chôn sống hoàng hậu và cung tần mỹ nữ dưới đế của Kim tự tháp; cho ướp xác bản thân để kỳ vọng tiếp tục hưởng thụ dưới âm phủ. Tiến bộ hơn Ai Cập, tập tục Trung Quốc thay vì chôn sống người thật và tiền bạc thật thì làm hình nhân, nhà vàng mã, tiền giả v.v… Như đã nói, sau khi chết mọi người phải tái sinh, không có chuyện hương hồn người chết tồn tại dưới âm phủ, ở nơi cái chết diễn ra, ở nhà thờ từ đường, bàn thờ, di ảnh.

(ii) Sợ hãi tạo ra niềm an ủi rằng thà làm dư thừa hơn thiếu, để không có lỗi với người đã khuất. Người châu Á, trong đó có Việt Nam, thường tin rằng nối kết với người chết qua cúng kiếng là cách thương nhớ người chết như một trách nhiệm văn hóa. Niềm tin này góp phần tăng cường niềm an ủi rằng thà cúng đồ vàng mã, dù có dư thừa, cho chắc ăn, tâm mình cảm thấy nhẹ nhàng, lo chu toàn cho người quá cố, còn hơn lỡ không cúng vàng mã thì có lỗi với người chết, đang khi gia đình mình có đủ khả năng tài chính để làm vào những ngày kỵ giổ. Việc đáng làm, nên làm thì không nên tiếc rẻ tiền bạc. Dứt khoát nói không với mê tín, dù một xu cũng không cũng phí tiền.

(iii) Tăng cường trí tuệ để nhận thức rằng người thật bị lửa cháy sẽ chết thiêu, nhà thật, tiền thật bị cháy không sử dụng được thì hình nhân, đồ vàng mã vốn là đồ giả, không xài được trên dương thế; sau khi đốt trở thành tro bụi, lại càng không có giá trị sử dụng dưới âm phủ.

 (iv) Cần thống nhất về nội dung cấm và tăng cường hình phạt về việc sản xuất và đốt vàng mã trong các Nghị định của Chính phủ. Hiện tại, nghị định 103 năm 2009 quy định "cấm đốt đồ mã nơi công cộng" trong khi Nghị định 158 năm 2013 lại "cấm đốt vàng mã sai nơi quy định". Đề nghị cả hai Nghị định nên đổi các cụm từ “nơi công cộng” và “nơi quy định” thành “ở bất kỳ nơi nào”. Vì còn cho phép ở nơi công cộng hay nơi đúng quy định tức mặc nhiên cho phép sự mê tín được tồn tại. Căn nguyên sâu xa hơn là khi Nghị định không cấm sản xuất đồ vàng mã thì dù có cấm đốt vàng mã thì đồ vàng mã vẫn được đốt lộn xộn, tràn lan, khó giám sát, khó xử phạt. Đề nghị tăng hình thức xử phạt tiền nhiều triệu đồng đối với hành vi đốt đồ vàng mã ở bất kỳ nơi nào và phạt tiền 50 triệu trở lên đối với việc sản xuất và tàng trử đồ vàng mã. Hình phạt càng nặng thì mới đủ sức răn đe và giúp cho người dân không nên tiếp tục phí phạm tiền bạc cho người chết vốn đã tái sinh, vì mê tín và sợ hãi.

 

 

-Là nhà tu hành và đã có nhiều năm nghiên cứu sâu về Phật giáo, Thượng tọa có nghĩ rằng bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, tôn giáo, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và bản thân mỗi người tu hành nói riêng sẽ có tiếng nói rất quan trọng trong việc tuyên truyền để người dân, Phật tử thực sự nhận thức được rằng việc đốt vàng mã, đồ mã đã thực sự là một hành vi tín ngưỡng không còn phù hợp, nên loại bỏ để tránh sa vào mê tín, lãng phí và gây ra những hậu quả đáng tiếc khác?

TNT: Tôi cho rằng tục đốt vàng mã không chỉ không còn phù hợp với Nghị định của chính phủ, mà còn đi ngược lại chính tín trong đạo Phật. Theo học thuyết duyên khởi, hay thuyết tương tác của Phật giáo, các nỗ lực biệt lập, đơn lẻ khó thành công. Bên cạnh các quy định cấm trong các Nghị định của chính phủ về việc bài trừ mê tín do đốt vàng mã, thì GHPGVN cần có sắc lệnh về việc bài trừ mê tín dị đoan, mà phần lớn vốn xuất xứ từ văn hóa Trung Quốc, trà trộn vào dân gian Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến các chùa ở nước ta, đặc biệt ở miền Bắc và miền Trung. Mỗi tăng ni, đặc biệt là các vị trụ trì của các tự viện Phật giáo trong cả nước nên cam kết làm một số việc cần thiết như sau:

(i) Hướng dẫn Phật tử tu học chính tín theo tinh thần Phật dạy, nói không với tục đốt vàng mã, không cho phép đốt vàng mã trong các chùa; gia đình Phật tử nào muốn được tăng ni đến tụng kinh cầu siêu cho người thân đã mất phải từ bỏ đốt vàng mã.

(ii) Khích lệ Phật tử tại gia thay vì dùng tiền mua đồ vàng mã thì lấy số tiền đó làm từ thiện, để kẻ còn lẫn người mất đều được lợi lạc theo tinh thần nhân văn được Phật dạy trong kinh điển.

(iii) Tuyên truyền cho Phật tử không làm điều gì góp phần gây ô nhiễm môi trường, mà đốt vàng mã là gây ô nhiễm không khí.

 

- Thượng tọa mong muốn điều gì để việc tuyên truyền này được thúc đẩy nhanh hơn và đạt hiệu quả như mong muốn, người dân bỏ hẳn được thói quen đốt vàng mã, đồ mã?

TNT: Cách đẩy nhanh việc từ bỏ tục đốt vàng mã phải bắt đầu bằng việc tăng cao nhận thức và trí tuệ, khai trừ mê tín dị đoan. Trí tuệ như mặt trời, xuất hiện nơi nào thì mê tín như bóng đêm sẽ kết thúc nơi đó. Có trí tuệ thì không còn sợ hãi, mê tín nữa.

Tôi xin có lời nhắn gửi đến những ai có thói quen đốt vàng mã rằng hành động đốt vàng mã không chỉ gây ô nhiễm môi trường, phí phạm tiền bạc vô ích mà còn gieo nghiệp “nghèo khó” cho bản thân và gia đình, vì có tiền không biết làm việc nghĩa lợi mà lại đốt cháy do mê tín, dẫn đến nhiều hậu quả nghèo khó về sau.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập