Bồ Tát Siddhartha Ngộ Đạo

Đã đọc: 963           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Kinh Phật tự thuyết (Udàna, thuộc Tiểu bộ kinh) có ghi: “..Thế Tôn ở Uruvelà trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn trong bảy ngày ngồi trong một thế ngồi kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy, trong đêm canh thứ nhứt, khéo khéo thuận chiều tác ý lý Duyên khởi: "Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh”...và khéo nghịch chiều tác ý lý Duyên khởi: "Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt. (Imasmiṃ sati, idaṃ hoti; imass`uppādā, idaṃ uppajjati; imasmiṃ asati, idaṃ na hoti; imassa nirodhā, idaṃ nirujjhati. (MN II.32, SN II. 28)

Như vậy, lý duyên khởi (pratītyasamutpāda), chính là pháp được Bồ-tát Siddhārtha Gautama chứng ngộ một cách trọn vẹn khi thiền quán dưới cội Bồ Đề; và, cây Bồ Đề từ đó mang ý nghĩa là cây Giác ngộ. Hiện nay thánh tích kỷ niệm nơi Ngài thành đạo (Bồ đề đạo tràng) là Thánh tích Phật giáo được nhiều người chiêm bái đảnh lễ nhiều nhất ở Ấn Độ. Từ giáo lý căn bản này hình thành nên những giáo lý khác, quan trọng của Phật giáo... Duyên Khởi là giáo lý chỉ có trong Phật giáo với nhiều điểm nổi bật về triết lý, chưa từng có trong truyền thống triết học, tôn giáo Ấn Độ.

Không phải ngẫu nhiên xuất hiện giáo lý này, nó hình thành từ thực tiễn xã hội và sự tư duy tu tập tâm linh của Bồ-tát Siddhārtha Gautama. Đây là giáo lý căn bản của Phật giáo, nội dung lý giải hai nỗi khổ niềm đau của con người: khổ thân và khổ tâm. Phàm phu thì khổ cả thân và tâm, còn bậc Thánh đã chế ngự, làm chủ được tâm nên không còn khổ về tâm nữa; tuy đã làm chủ tâm, nhưng bậc Thánh vẫn còn thân nên vẫn còn bị chi phối do sự sanh diệt của thân. Đức Phật vẫn bị những cơn bệnh như bao người khác và nhập Niết bàn ở tuổi 80.

Từ đây cho thấy, Thánh - Phàm khác nhau ở Tâm. Thân tứ đại giữa thánh và phàm như nhau, đều tuân theo quy luật sanh diệt. Bậc Thánh làm chủ được Tâm, nên thoát khỏi khổ đau do tâm mang đến. Các cảm thọ khó chịu do thân mang đến vẫn còn nhưng không còn khổ. Giáo lý Duyên Khởi, còn gọi là Duyên Sinh và thường được đức Phật trình bày qua 12 chi phần duyên khởi nên còn gọi là Thập nhị nhân duyên. Thông qua nguyên lý này, Đức Phật chỉ rõ nguyên nhân khổ đau của chúng sanh theo lộ trình như sau:

“Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo biết như sau: Nếu cái này có, cái kia có; do cái này sanh, cái kia sanh. Nếu cái này không có, cái kia không có; do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; do duyên sanh lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy, này Ananda, là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

Nhưng do sự diệt trừ, sự ly tham hoàn toàn của chính vô minh này, các hành diệt; do các hành diệt, danh sắc diệt; do danh sắc diệt, lục nhập diệt; do lục nhập diệt, xúc diệt; do xúc diệt, thọ diệt; do thọ diệt, ái diệt; do ái diệt, thủ diệt, do thủ diệt, hữu diệt; do hữu diệt, sanh diệt, do sanh diệt, lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt hoàn toàn của khổ uẩn này. Cho đến như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về duyên khởi".[1]

Đoạn kinh này trình bày về sự hình thành và hoại diệt của vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Bất kỳ sự hiện hữu nào cũng đều do nhiều yếu tố tạo nên. Duyên Sinh (pratītyasamutpāda ) có nghĩa tuỳ thuộc phát sinh, nương theo các duyên mà sinh. Tiếng Anh là Dependent origination. Lý là nguyên lý, nên Lý duyên khởi có nghĩa là nguyên lý sanh khởi, tồn tại, hoại diệt của vạn pháp. Đức Phật giảng về Lý duyên khởi  với mục đích chỉ rõ cho con người thấy nỗi khổ của con người do đâu cũng như cách thức có được sự an lạc hạnh phúc trong cuộc đời này.

Theo đó, mười hai chi phần: Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh lão tử, sầu bi khổ ưu não chính là sự kết hợp hoàn hảo để hình thành nên con người vật chất (thân) và phần tâm (Tâm). Đức Phật nói, do ‘Vô minh’ (không có trí tuệ) và nhờ hành, thức nên khi ‘xúc-thọ’ trên ‘danh sắc- lục nhập- sanh lão tử’, sinh ra ái-thủ-hữu và kết quả là bị “sầu bi khổ ưu não”.

Ngược lại, nếu không do: Vô Minh thì không có ái- thủ- hữu và tất nhiên là sầu bi khổ ưu não không tồn tại. Đối với các bậc thánh sống trong thế gian, các Ngài vẫn xúc-thọ như chúng ta, các ngài vẫn chịu sự chi phối của sanh-lão-tử như chúng ta; nhưng các ngài không ái-thủ-hữu trong mọi sự xúc, thọ ấy nên các Ngài không còn khổ đau.

Phàm phu hay Thánh nhân đều tuân theo quy luật sanh diệt của thân tứ đại này, nên sự khác biệt đó là sự vận hành của hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh lão tử. Trong sự vận hành ấy, kẻ phàm phu được dẫn đạo bởi Vô minh, ái, thủ, hữu nên cuối cùng phải chịu sầu bi khổ ưu não. Bậc thánh thì vô minh dứt sạch và được thay thế bởi Minh (trí tuệ) nên không sanh ra Ái thủ hữu và không bị sầu bi khổ ưu não. Nói cách khác nếu con người trong mọi suy nghĩ hành động do vô minh, ái thủ hữu dẫn dắt thì khổ đau, là phàm phu; ngược lại, ánh sáng trí tuệ soi chiếu, không có ái thủ hữu trong mọi tư duy hành động, thì kết quả là an lạc, là thánh nhân dù vẫn mang thân tứ đại nhiều sự biến hoại như nhau.

Giáo lý Mười Hai Nhân Duyên phân tích chi tiết về sự hình thành và hoại diệt của con người, chỉ rõ nguyên nhân của khổ và con đường diệt khổ. Bên cạnh đó, Giáo lý Duyên Khởi còn minh giải về sự hình thành và hoại diệt của mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ. Nó là chân lý, là quy luật tồn tại của vạn hữu:

“Bạch Thế Tôn, pháp duyên khởi mà Ngài nói, là do Thế Tôn làm ra hay do người khác làm ra?”

Phật bảo Tỳ-kheo: “Pháp duyên khởi chẳng phải do Ta tạo ra, cũng chẳng phải do người khác tạo ra. Nhưng dù Như Lai có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp giới này vẫn thường trụ. Như Lai tự giác ngộ pháp này, thành Đẳng chánh giác, vì tất cả chúng sanh mà phân biệt, diễn nói, chỉ dạy hiển bày; đó là: Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi. Tức là do duyên vô minh nên có hành, … cho đến việc tụ tập thuần một khối khổ lớn. Do vô minh diệt nên hành cũng diệt,… cho đến việc thuần một khối khổ lớn tụ tập cũng bị diệt.”

Thông qua Lý duyên khởi này, đức Phật chỉ cho nhân loại cái nhìn mới về triết lý Nhân sinh và Vũ trụ trong Phật giáo. Sự thật này chưa ai khám phá, đức Phật là người nhìn thấy được, Ngài không sáng tạo ra triết lý này. Mọi sự vật hiện tượng đều nhờ nhiều yếu tố kết hợp tạo nên và khi tan rã cũng do nhiều yếu tố không còn kết hợp nữa, nên chúng hoại diệt. Điều này nói lên sự thật của cuộc đời, một sự vật tồn tại là nhờ nhiều yếu tố tạo nên, không thể có duy nhất một yếu tố quyết định, không thể có một đấng Siêu Nhiên, một đấng Sáng Tạo nào tạo ra cả. Đây là chân lý hiển nhiên, được Như Lai thấy biết, không phải do Ngài sáng tạo nên. Sự mới lạ này, khiến cho lý thuyết ‘Thượng Đế sáng tạo’, ‘Phạm Thiên sáng tạo’, ‘Chúa Trời sáng tạo’ là những triết lý sai lầm, chỉ là tưởng tượng, là kết quả có chủ đích của nhóm người nào đó.

Thời với đức Phật, lý thuyết cho rằng Bà La Môn giáo được Phạm Thiên (đấng tạo ra tất cả, tạo ra bốn giai cấp) đã tồn tại trước đó hàng ngàn năm. Tư tưởng này đã chi phối toàn bộ xã hội Ấn Độ. Tư tưởng này cho rằng: Phạm Thiên là Đấng Sáng tạo, sinh ra bốn giai cấp: giai cấp Bà la môn (Tu sĩ) được sinh ra từ đầu Phạm Thiên, giai cấp Vua chúa (Sát đế lợi) được sinh ra từ cánh tay Phạm Thiên, giai cấp Thương gia (Phệ xá) được sinh ra từ đầu gối Phạm Thiên, giai cấp Dân thường, Nô lệ (Thủ đà la) từ bàn chân Phạm Thiên.’  Trong đó, hai giai cấp đầu lãnh đạo xã hội là Bà la môn (Tu sĩ lãnh đạo phần tâm linh) và Sát đế lợi (Vua chúa); hai giai cấp còn lại (Phệ xá và Thủ đà la) là hai giai cấp nghèo, cùng đinh trong xã hội, có nhiệm vụ phục vụ hai giai cấp trên.

Chủ trương này là chủ đích của người Aryans khi xâm chiếm Ấn Độ, họ muốn tạo ra Phạm Thiên với bốn giai cấp như thế để thống trị dân bản địa-Dravidian. “Khi đã làm chủ Ấn Độ, người Aryans bắt đầu áp đặt ách thống trị lên người bản xứ”  Dùng yếu tố tôn giáo để cai quản dân bản địa, khiến họ tuân thủ, không thể chống đối, tin tuyệt đối vào Phạm Thiên; và toàn bộ xã hội Ấn lưu truyền văn hóa về bốn giai cấp này.

Lịch sử đức Phật Thích Ca khi nói về ngày Đản sanh của ngài, vẫn còn bị ảnh hưởng tư tưởng này khi cho rằng thái tử Tất Đạt Đa sinh ra từ nách của Hoàng hậu Ma Da. Thái tử sinh ra từ nách của mẹ là vấn đề ngài thuộc giai cấp thứ hai-Sát đế lợi - Vua chúa, điều này cho thấy, văn hóa về bốn giai cấp đã ăn sâu vào tư tưởng người dân Ấn. Phạm Thiên là nhân vật tưởng tượng trong triết lý và tôn giáo Ấn Độ, do người Aryans tạo dựng với mục đích bảo bảo vệ 2 giai cấp thống trị với các đặc ân, quyền lợi kèm theo. Do vậy phá vỡ lý thuyết Phạm Thiên là toàn bộ vấn đề giai cấp sẽ được xóa bỏ.

Do vậy, sự xuất hiện giáo lý Duyên Khởi của đức Phật phủ nhận vai trò của đáng sáng tạo chủ, đi ngược lại truyền thống tư tưởng Ấn Độ. Phạm Thiên tạo ra tất cả, nhưng Duyên Khởi cho rằng cái gì được tạo ra là nhờ rất nhiều yếu tố cấu thành, không thể có duy nhất một yếu tố quyết định tất cả. Theo truyền thống Ấn Độ, Phạm Thiên được toàn dân Ấn tin theo kể cả giới Vua chúa lãnh đạo xã hội, đức Phật không thể chống lại Phạm Thiên, ngài không thể nói lý thuyết Phạm Thiên sáng tạo là sai lầm. Cho nên nảy sinh câu chuyện, đức Phật muốn nhập diệt, vì những gì ngài sắp nói ra quá cao siêu, con người không thể hiểu được; Phạm Thiên liền xuất hiện, thỉnh Phật ba lần, xin đức Phật nói pháp, sẽ có những người cần nghe và lợi ích:

“Thế Tôn với suy tư như vậy, tâm hướng về thụ động, không muốn thuyết pháp. Rồi Phạm Thiên Sahampati biết được tâm tư Thế Tôn nhờ tâm tư của mình, liền suy nghĩ: Thật sự Thế Giới bị tiêu diệt, thật sự Thế Giới bị diệt vong, nếu tâm Như Lai, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác hướng về thụ động, không muốn thuyết pháp.

Rồi Phạm Thiên Sahampati, như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi thẳng. Cũng vậy, vị ấy biến mất ở Phạm Thiên Giới và hiện ra trước mặt Thế Tôn.

Rồi Phạm Thiên Sahampati đắp thượng y một bên vai, quỳ đầu gối bên phải trên mặt đất, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi trần sẽ bị nguy hại, nếu không được nghe chánh pháp. Nếu được nghe những vị này có thể thâm hiểu chánh pháp. Phạm Thiên Sahampati nói lên như vậy.”

Nếu Phạm Thiên là nhân vật tưởng tượng của người Aryans, phục vụ cho mục đích cai trị, thì câu chuyện Phạm Thiên thỉnh Phật nói pháp cũng là một tưởng tượng, nhưng đức Phật nhằm mục đích phục vụ việc truyền bá sự thật của cuộc đời. Như vậy, câu chuyện Phạm Thiên thỉnh Phật nói pháp, là cách để không ai giám xâm phạm đến đức Phật, vì Phạm Thiên đã thỉnh ngài nói pháp, không tin việc này đồng nghĩa với việc chống lại Phạm Thiên, từ đó việc hoằng hóa của đức Phật cũng được tự do và an toàn hơn.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy người dân Ấn theo Bà La Môn giáo quá đông, người theo Phật chỉ bằng 1/100, cho nên đây cũng là một trong những yếu tố khiến Phật giáo không thể tồn tại trên đất Ấn. Sự thật hiện nay đã minh chứng cho vấn đề này - Phật giáo Ấn Độ đã mất trên đất Ấn; và, hơn nữa, Ấn Giáo xem đức Phật là hóa thân thứ 9 của thần Vishnu. Đức Phật là vị thần thứ 9 của họ, nghĩa là đức Phật chỉ là hàng con cháu của Phạm Thiên, vai trò của đức Phật rất nhỏ. Trong câu chuyện Phạm Thiên thỉnh đức Phật nói pháp, có thể thấy Phạm Thiên ngang hàng hoặc thấp hơn đức Phật, mục đích duy nhất trong câu chuyện này là đức Phật muốn được tự do và an toàn khi đi du hóa trên mảnh đất có đa số là người của Bà La môn giáo, nên tạm xây dựng lên câu chuyện này.

Trong nền triết học của Bà La Môn giáo do dân Aryans (ngoại xâm) tạo nên để thống trị giống dân Dravidian bản địa. Họ đã tạo nên những bất công lớn trong xã hội, nhất là tư tưởng bốn giai cấp không thể đổi thay, tạo ra những quy định hà khắc, biến người dân bản địa thành nô lệ và đau khổ triền miên. Lý thuyết Duyên Khởi của đức Phật xuất hiện vô cùng giá trị nhưng lụi tàn vì người Bà La Môn giáo quá đông, buộc hệ thống giáo lý của đức Phật phải thoát khỏi Ấn, phát triển sang các nước khác; hoặc họ nhấn chìm giáo lý Phật giáo trong hỗn độn triết lý của họ, thể hiện qua việc biến đức Phật thành vị Thần thứ 9 của họ. Duyên Khởi là triết lý cao siêu, thực tiễn và là giá trị của con đường tu chứng. Nguyên lý của thế giới này là Duyên Sinh, bản chất của thế giới là Vô Thường, con người muốn an lạc, giải thoát thì phải chấp nhận hiện thực. Nhìn hiện thực trôi chảy qua sự sanh già bệnh chết của chính mình, mọi khổ đau sẽ xuất hiện, nhưng nhờ lời Phật dạy con người sẽ thoát được khổ đau này và tạo nhân lành cho nhiều kiếp sau.

 

SÁCH THAM KHẢO

1. Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2020

2. Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng Bộ, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2020

3. Thích Đức Thắng (dịch), Tuệ Sỹ (hiệu đính và chú thích), Kinh Tạp A Hàm, Nxb Phương Đông, Tp. Hcm, 2010

4. HT Thích Thanh Kiểm (soạn), Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2001

5. Mật Thể, Phật Giáo Khái Luận, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2004

6. Viên Trí, Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận, Nxb Phương Đông, 2006

7. Pháp sư Ấn Thuận, Lịch Sử Tư Tưởng Phật Giáo Ấn Độ, Tỳ kheo Thích Nhuận Thịnh (dịch), Nxb Hồng Đức, Tp. HCM, 2020

8. Chandradhar Sharma, PH.D, Triết Học Ấn Độ Nghiên Cứu và Phê Bình, Nguyễn Kim Dân (dịch), Nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2005

9. Thích Quảng Độ (dịch), Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Nxb Tôn Giáo, 2007.

10. Lữ Trừng, Ấn Độ Phật Học Nguyên Lưu Lược Giảng, Thích Phước Sơn (dịch), Nxb Phương Đông, 2010.

11. Thích Hạnh Bình, Đạo Phật Xưa và Nay, Nxb Tôn Giáo, 2006.

12. Hạnh Viên (dịch), Tư Tưởng Phật Giáo Ấn Độ, Nxb Phương Đông, 2007.

13. Thích Nữ Trí Hải (dịch), Tư Tưởng Phật Học, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2009.

14. Thích Hạnh Bình, Tìm Hiểu Giáo Lý Phật Giáo Nguyên Thủy, Nxb Phương Đông, 2007.

15. Hajime Nakamura, Đức Phật Gotama, Trần Phương Lan (dịch), Nxb Phương Đông, 2011.

16. H.W. Schumann, Đức Phật Lịch Sử, Trần Phương Lan (dịch), Nxb TP HCM, 2000.

 



[1] MN. 115

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập