Sơ lược về Đạo Phật

Đã đọc: 1322           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đạo – trong đạo Phật – chỉ có một nghĩa là con đường (magga). Còn Phật nghĩa là đấng Giác Ngộ, bậc Sáng Suốt hoàn toàn. Được gọi là Phật thì phải đầy đủ: Tự giác (giác ngộ mình), giác tha (giúp cho người khác giác ngộ) và giác hạnh viên mãn (tự giác và giác tha đều tròn đủ). Vậy thì đạo Phật chỉ đơn giản là con đường (magga) đi đến nơi giác ngộ. Muốn giác ngộ thì phải học hỏi, tu tập, thực hành theo nguyên lý mà Đức Phật giảng dạy ở trong Tam Tạng.

 

Trên thế gian có rất nhiều tôn giáo. Thiên chúa giáo thờ đức Chúa Trời. Bà-la-môn giáo thì thờ đấng Phạm thiên, các thượng đẳng thần và hàng trăm ngàn vị thần khác. Hồi giáo thờ đấng Allah – một vị Thượng Đế trong quan niệm của họ. Đạo Khổng nói về Tam cương, Ngũ thường[1]; tuy chủ trương nhập thế nhưng thường nói đến “mệnh trời”, “ý trời”. Đạo Cao Đài là một hình thức đa thần giáo, nghiêng về tín ngưỡng thần cơ, tiên tri. Tiên Thiên Thánh giáo cũng tương tự thế, thờ thần mẫu Thiên-y-a-na, Vân Nương, công chúa Liễu Hạnh… Đạo giáo, một hình thức nặng phương thuật từ tư tưởng của Lão Trang thì luyện phép trường sinh bất tử, bùa chú, phù thuật, bốc phệ…

Chỉ riêng đạo Phật là một tôn giáo “vô thần”, lấy nhân sinh làm trọng, lấy nỗ lực cá nhân và lấy sự giác ngộ, giải thoát khổ đau của con người làm cứu cánh.

Như vậy, đạo Phật có mặt là vì con người và cho con người,  nói rộng ra là cho muôn loại chúng sanh đang đau khổ. Nơi nào có đau khổ thì nơi ấy giáo lý thoát khổ có mặt. Và, nguyên nhân của mọi thống khổ trần gian có thể tóm lược như sau:

  • Do tin tưởng mù quáng vào các vị thần linh, Thượng Đế khuất mặt, khuất mày chi phối định mệnh con người.
  • Do tin càn, tin quấy vào các chủ thuyết, học thuyết, triết thuyết thiên về trí năng, lý luận hơn là thực chứng.
  • Do sự bất bình đẳng và bất công xã hội.
  • Do ngu si, dốt nát.
  • Do tham vọng và mưu đồ bất chánh.
  • Do ác độc, hận thù, kiêu căng, dối trá, keo kiệt, tật đố… Nói tóm lại là do tham, sân, si hoặc do vô minh và ái dục.

Đức Phật có mặt giữa cuộc đời với mục đích là chỉ rõ cho chúng sanh mọi nguyên nhân của những thống khổ ấy; đồng thời dẫn lối cho chúng sanh đến nơi giải thoát, an vui. Sự thật về “Con Đường Diệt Khổ”, Đức Phật đã từng kinh qua, đã chứng nghiệm và Ngài đã giảng nói về con đường ấy. Tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ[2] như ngài: “Như Lai là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.

Khả tính bình đẳng trong lời tuyên bố của Đức Phật, không thể tìm thấy ở bất kỳ tôn giáo nào trên thế gian. Vậy thì chúng ta thử tìm hiểu về đạo Phật, về giáo pháp của Ngài như thế nào!

I-  Đạo Phật

Đạo có nhiều nghĩa:

  • Đạo là bổn phận: Như đạo vợ chồng, đạo thầy trò, đạo cha con, đạo vua tôi…
  • Đạo là con đường: Như nhân đạo, thiên đạo, Phật đạo…
  • Đạo là bản thể, tuyệt đối, thường hằng, bất biến… là cái không thể nghĩ bàn, là siêu tuyệt ý niệm, ngữ ngôn…[3]

Đạo – trong đạo Phật – chỉ có một nghĩa là con đường (magga). Còn Phật nghĩa là đấng Giác Ngộ, bậc Sáng Suốt hoàn toàn. Được gọi là Phật thì phải đầy đủ: Tự giác (giác ngộ mình), giác tha (giúp cho người khác giác ngộ) và giác hạnh viên mãn (tự giác và giác tha đều tròn đủ).

Vậy thì đạo Phật chỉ đơn giản là con đường (magga) đi đến nơi giác ngộ. Muốn giác ngộ thì phải học hỏi, tu tập, thực hành theo nguyên lý mà Đức Phật giảng dạy ở trong Tam Tạng.

II-  Các kỳ kết tập Phật ngôn

Giáo pháp của Đức Phật để lại gồm Kinh, Luật và Abhidhamma. Cả 3 tạng (tipiṭaka) này đều được tụng đọc qua kim khẩu của các vị thượng thủ A-la-hán, từ lần thứ nhất đến lần thứ ba; và lần thứ ba này được tuyên đọc bằng ngôn ngữ xứ Ma-kiệt-đà. Qua lần thứ năm mới được chép trên lá buông (lá Bối) bằng tiếng Pāḷi ở Tích Lan.

  • Lần thứ nhất: Phật Niết-bàn 3 tháng. Trưởng lão Mahā Kassapa làm chủ tọa, có 500 vị Thánh Tăng kết tập Phật ngôn, tại thạch động Sattappannaguhā (Thất Diệp), núi Vebhāra, thành Rājagāha (Vương Xá), xứ Māgadha (Ma Kiệt Đà) do đức vua Ajātasattu (A-xà-thế) hộ trì. Cuộc kết tập Phật ngôn bảy tháng mới hoàn tất.
  • Lần thứ nhì: Sau 100 năm Phật Diệt độ. Trưởng lão A-la-hán Yasa làm chủ tọa, có 700 vị Thánh Tăng kết tập Phật ngôn đúng theo lần trùng tuyên thứ nhất. Lần này được tổ chức tại Vāḷukārāma, thành Vesāli, do Vua Kāḷāsoka (dòng dõi vua A-xà- thế) bảo trợ. Sau 8 tháng, kết tập mới
  • Lần thứ ba: Sau Phật Niết-bàn 218 năm (hoặc 216). Trưởng lão Moggallīputtatissa chủ tọa, gồm 1000 Thánh Tăng, tại chùa Asokārāmā, thành Pāṭāliputta do Đại đế Asoka bảo trợ. Sau 9 tháng kết tập mới
  • Lần thứ tư: Phật Giáo được truyền qua Tích Lan (Srilaṅkā) do đại đức Mahinda, hoàng tử con đại đế Asoka làm trưởng đoàn. Sau đó một thời gian, vào khoảng năm 236, sau Phật Niết-bàn, Ngài Mahinda tổ chức lần kết tập Tam Tạng lần thứ tư với sự tham dự của 63 vị Thánh Tăng (có nơi nói là 68.000 Thánh Tăng) và 500 vị tỳ-khưu. Lần này, cũng tuyên đọc Tam Tạng Pāḷi và chú giải Tam Tạng bằng tiếng Tích Lan. Hội nghị kết tập kéo dài 10 tháng.
  • Lần thứ năm: Cũng tại Tích Lan, vào thời vua Vaṭṭhagāmaṇi- Abhaya, 437 năm sau Phật Niết-bàn, một hội nghị kết tập Tam Tạng được tổ chức tại chùa Aluvihāra, núi Abhaya gần Kandy với sự tham dự của 500 vị Thánh Tăng và 500 Phàm Tăng uyên thâm Phật Pháp. Thời này loạn lạc, do quan bản hạt của triều vua Vaṭṭhagāmaṇi-Abhaya bảo trợ, hội nghị này đã chép Tam Tạng Pāḷi và chú giải Tam Tạng bằng tiếng Tích Lan lên lá bối.

(Cũng có một tư liệu thứ 2: Đây là thời quân Dāmiḷa từ Nam Ấn xâm lăng Đảo Quốc, đức vua Vaṭṭhagāmaṇi-Abhaya phải  chạy nạn, lưu vong 14 năm. Chư vị trưởng lão nghĩ đến sự trường tồn của giáo pháp trong mai hậu nên đã hội ý cùng nhau tập trung về chùa Ālokavihāra (Mātalo ngày nay), tương đối yên ổn để kết tập Tam Tạng, vào khoảng 502 sau Phật lịch).

Thật là một điều kỳ diệu, trong lúc mọi nơi xẩy ra chiến tranh, loạn lạc, đói kém thì xứ này tợ như một ốc đảo bình yên. Hai vị trưởng lão thượng thủ là ngài Buddhadatta và ngài Mahātissa quy tụ được 500 vị tỳ-khưu. Có rất nhiều vị tinh thông pháp học và thân chứng pháp hành, bằng trí nhớ của mình, sau khi trùng tuyên Tam Tạng Pāḷi và Tam Tạng chú giải bằng ngôn ngữ Tích Lan, chư vị đã cho khắc viết toàn bộ lên lá buông[4]. Công trình vĩ đại này diễn ra trong một năm thì hoàn tất. Vị quan bản hạt thuộc triều thần của vua Vaṭṭhagāmaṇi-Abhaya là một Phật tử; ông ta đã phát tâm bảo trợ, hộ trì về mặt an ninh, mọi phí tổn tiện nghi ăn ở.

Đây là lần kết tập thứ hai của Phật giáo Tích Lan; lần thứ nhất chỉ tuyên đọc vào thời trưởng lão Mahinda, lần này mới được khắc lên lá bối (Nhờ vậy mà sau này, ngài Phật Âm – Buddhaghosa – dựa bản Tam Tạng chú giải bằng tiếng Tích Lan này để dịch sang Pāḷi).

  • Lần thứ sáu: Vào năm 1956, tại Rangon, Miến Điện (thủ đô Myanmar hiện nay), tổ chức kết tập lần thứ sáu, kéo dài hai năm. Sau đó, Tam Tạng này được khắc lên bia đá và in thành sách (Năm 1856, tại Mandalay, kinh đô cũ của Miến Điện, Tam Tạng được khắc lên 700 bia đá; có nơi nói đây là lần kết tập thứ 5!).

Toàn bộ Tam Tạng Miến Điện và Tích Lan đã được Hội Pāḷi Text Soceity, London Vihāra phiên dịch ra tiếng Anh. Và các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Nhật Bản đều có dịch ra ngôn ngữ của họ (Các vị kết tập sư nói rằng, từ lần Tam Tạng được ghi trên lá bối trong kỳ kết tập lần thứ 5, đến lần thứ 6, năm 1956, dù trải qua hơn hai nghìn năm, Tam Tạng vẫn không hư mất một trang nào).

  • Tạng Kinh (Nikāya-piṭaka).

Gồm 5 bộ[5].

  1. Dīgha Nikāya (Trường bộ kinh): Gồm 34 bài kinh dài, chiếm 1/3 trong 45 cuốn chánh tạng.
  2. Majjhima Nikāya (Trung bộ kinh): Gồm 152 bài kinh vừa, chiếm 3 quyển trong 45 quyển chánh tạng.
  3. Samyutta Nikāya (Tương ưng bộ kinh): Gồm 7762 bài kinh ngắn. Là những phẩm kinh liên hệ nhiều đề tài, mỗi phẩm chứa đựng một nội dung riêng biệt.
  4. Anguttara Nikāya (Tăng chi bộ kinh): Gồm 9557 bài kinh được phân bố theo chi pháp, từ pháp một chi đến nhiều chi, sắp xếp thứ tự, thường hay gọi là pháp số.
  5. Khuddaka Nikāya: Được gọi là Tiểu bộ kinh nhưng thật ra nó không nhỏ chút nào, nội dung của Tiểu bộ tương đương với hai tạng Kinh và Luật. Khuddaka Nikāya có tính hỗn hợp, vừa kết hợp những bài kinh do Phật thuyết bằng kệ thơ, tiền thân Phật và cả những cảm hứng ngữ của các vị Trưởng lão sau khi đắc quả.
  • Khuddaka pātha (Tiểu tụng)
  • Dhammapada (Pháp cú)
  • Udāna (Phật tự thuyết)
  • Itivuttaka (Như thị ngữ – Phật thuyết như vậy)
  • Suttanipāta (Kinh tập)
  • Vimānavatthu (Thiên cung sự)
  • Petavatthu (Ngạ quỷ sự)
  • Theragāthā (Trưởng lão Tăng kệ)
  • Therīgāthā (Trưởng lão Ni kệ)
  • Jātaka (Bổn sanh – tiền thân Phật)
  • Paṭisaṃbhida magga (Phân tích đạo)
  • Niddesa (gồm Mahā niddesa và Culla niddesa – do ngài Sāriputta phân tích về Abhidhamma).
  • Apadāna (Như là một tác phẩm sử học nói về cuộc đời Đức Phật chư vị Độc Giác và những trưởng lão Tăng Ni A-la-hán).
  • Buddhavaṃsa (Phật sử)
  • Cariyāpitaka (Hạnh tạng, nhắc đến 35 tiền thân của Bồ-tát trong đại kiếp cuối).

IV-  Tạng Luật (Vinaya piṭaka)

Đức Phật dạy: “Giới luật tồn tại thì giáo pháp hưng thịnh, giới luật tiêu hoại thì giáo pháp diệt vong”. Vì giới luật chính là nền tảng của Phật giáo (Vinayo sāsana mūlam).

Vào buổi sơ thời, tức là kể từ khi Đức Phật thành lập Giáo hội Tăng-già đầu tiên tại vườn Lumbini (Lâm-tỳ-ni) cho đến hạ 12 tại Verañjā; tất cả Chư Tăng đa phần đều là bậc Thánh, biết sống đời tự chế, thu thúc thân khẩu ý nên không có lỗi lầm, giới hạnh của các ngài rất trong sạch. Lúc ấy chưa có giới luật, chưa có ai nói đến giới luật. Tất cả các ngài đều sống trong giới luật.

Kể từ hạ 12 trở đi, sau khi đức Xá-lợi-phất thưa thỉnh Đức Phật ban hành những giới luật cơ bản (Pāṭimokkha) để gìn giữ Chư Tăng trong nếp sống kỷ cương phạm hạnh, Đức Phật mới hứa khả. Ngài nói rằng: “Nếu lúc nào Tăng Chúng phát sanh hoen ố, những lầm lỗi đáng chê trách, lúc ấy Như Lai sẽ chế định giới luật đầy đủ”.

Như vậy, giới luật (vinaya) của đạo Phật có tính cách chế định, tức là tùy nghi chế đặt ra, định đặt ra do trong chúng có sai phạm. Tất cả giới luật ấy đều y cứ trên những hành động sai lầm cụ thể của tỳ-khưu Tăng, Đức Phật chưa hề đưa ra những giới điều áp đặt. Do vậy, nó khác xa những tín điều của ngoại đạo.

Tạng này có 5 bộ:

  • Mahāvibhaṅga: Đại phân tích
  • Bhikkhunīvibhaṅga: Tỳ-khưu ni phân tích
  • Mahāvagga: Đại phẩm
  • Cullavagga: Tiểu phẩm
  • Parivāra: Tạp sự bộ

Tuy nhiên, giới luật căn bản chỉ gồm đủ trong Tứ thanh tịnh giới (Catupārisuddhisīla) sau đây:

1- Pāṭimokkha saṃvarasīla

Biệt biệt giải thoát thu thúc giới. Tăng có 227 điều. Ni có 311 điều. Sở dĩ gọi là biệt biệt giải thoát thu thúc giới, là vì, giữ được một giới là thoát khỏi được một tội, một lỗi lầm, một điều xấu.

2-  Indriya saṃvarasīla

Lục căn thu thúc giới. Tức là một đời sống biết cách phòng hộ, giữ gìn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý lúc giao tiếp với ngoại trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

3- Ajīva pārisuddhisīla

Nuôi mạng thanh tịnh giới. Tức là thầy tỳ-khưu phải biết sống đời nuôi mạng chơn chánh (đi khất thực hoặc chỉ dùng những gì do thiện tín cúng dường đúng pháp và luật); tránh xa những ác pháp (giả dối, làm bộ cao thượng, bợ đỡ, hăm dọa, lấy lợi câu lợi…) và những pháp tà vạy (cho vật này vật kia để lấy lòng, giả vờ cung kính, dịu ngọt, làm mai mối, làm giúp công việc cho người đời với dụng ý riêng, làm thầy thuốc kiếm tiền nuôi mạng hoặc làm thầy địa lý, thiên văn, bói toán, coi tướng tay, tướng mặt, tử vi, ngày giờ tốt xấu để kiếm tiền, để giương danh…)

4- Paccaya saññissitasīla

Quán tưởng thanh tịnh giới. Là quán tưởng về y phục, vật thực, chỗ ngụ, thuốc chữa bệnh.

Ngoài ra, những bổn phận cần thiết của thầy tỳ-khưu, như biết làm lễ uposatha, lễ pavāraṇā (tự tứ), cách nguyện hoặc xả y, cách sám hối, nhập hạ… đều có quy định trong tạng Luật.

V- Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma-piṭaka)

Thắng Pháp tạng hay tạng Vi Diệu Pháp thời Phật tuy đã có rồi nhưng chưa hình thành một tạng riêng. Mãi đến kỳ kết tập thứ 3 mới hoàn chỉnh, được triển khai từ Kinh và Luật tạng. Ngôn ngữ ở Kinh tạng là ngôn ngữ tục đế, khái niệm (paññatti) như hữu tình, tự ngã, chúng sanh, trời, người. Ngôn ngữ ở Abhidhamma là ngôn ngữ chơn đế hay đệ nhất nghĩa đế (paramattha) như uẩn, xứ, giới…

Tạng Vi Diệu Pháp nói về những vấn đề vi tế ở ngoài khái  niệm của thế tình: Đó là nói về Tâm, Tâm sở, Sắc pháp và Niết-bàn. Tạng Vi diệu pháp gồm có 7 bộ:

1- Bộ Dhammasaṅghanī (Pháp tụ)

Giải thích về thiện pháp, bất thiện pháp và bất định pháp. 2- Bộ Vibhaṅga (phân tích)

Trình bày về 18 đề mục:

  • Khandha : Uẩn
  • Āyatana : Xứ
  • Dhātu : Giới
  • Sacca : Đế, chân lý
  • Indriya : Căn
  • Paccayākāra : Duyên khởi
  • Satipaṭṭhāna : Niệm xứ
  • Sammappadhāna : Chánh cần
  • Iddhipāda : Thần Tức
  • Bojjhaṅga : Giác Chi
  • Jhāna : Thiền
  • Appamanna : Vô lượng
  • Magga : Đạo
  • Sikkhapāda : Học giới
  • Paṭisambhida : Trí kiến giải
  • Ñāṇa : Trí
  • Khuddakavatthu : Tiểu đề mục
  • Dhammahadaya : Pháp yếu 3- Bộ Dhātukathā (chất ngữ)

Trình bày các pháp có nằm trong tương ưng hay không, kết hợp với các uẩn (khandha), xứ (āyatana), giới (dhātu) hay không?

  • Bộ Puggalapaññatti (nhân chế định, nhân thi thiết)

Đề cập các pháp theo phân loại đặc tánh khác nhau, từ pháp một tánh đến pháp mười tánh. Tất cả có 10 chương.

  • Bộ Kathāvatthu (ngữ tông hay các điểm dị biệt)

Nội dung ghi lại 216 luận điểm dị biệt của các phe nhóm, bộ phái về một số điểm trong giáo pháp. Sách chia làm 23 chương.

  • Bộ Yamaka (song đối hay song luận)

Phương pháp biện giải được sắp xếp theo từng cặp mệnh đề hoán vị. Một vấn đề được đưa ra hỏi, đáp sẽ được đặt ngược trở lại.

Ví dụ:

  • Có phải tất cả thiện pháp đều là thiện căn không? Và có phải tất cả thiện căn đều là thiện pháp không?

Trình bày 10 chủ đề: Căn (mūla), uẩn (khandha), xứ (āyatana), giới (dhātu), đế (sacca) dựa theo phương pháp luận vấn ấy.

  • Bộ Paṭṭhāna (vị trí, đại xứ hay nhân duyên thuyết)

Là bộ quan trọng nhất trong 7 bộ Abhidhamma, đề cập tới 24 duyên, thường được xem là tinh hoa của tạng Vi diệu pháp.

Đối với một số học giả, Abhidhamma không phải do Đức Phật thuyết giảng, mà do các vị Thánh Tăng uyên bác soạn thảo về sau. Tuy nhiên, theo truyền thống Thượng tọa bộ (Theravāda), tạng này do Đức Phật thuyết ở cung trời Đao Lợi, vào hạ thứ 7, để đáp đền ân huyết sữa đối với mẹ là bà Mahāmāyā. Sau đó, Đức Phật thuyết lại một cách vắn tắt những tinh yếu cho tôn giả Sāriputta; và tôn giả được nhận phận sự danh dự giảng giải sâu rộng cùng với chi tiết đến cho Tăng Chúng.

Riêng bộ thứ 5: Những điểm dị luận (Ngữ tông) là do đức Thánh Tăng Moggallīputtatissa, chủ tọa, soạn thảo, trùng tuyên trong lần kết tập thứ ba, dưới thời vua Asoka.

VI- Các Tông Hệ Phật giáo.

Sau khi Phật Niết-bàn, trưởng lão Mahā Kassapa, và sau đó là ngài Ānanda thay Phật lãnh đạo giáo hội Tăng-già để hoằng truyền giáo pháp. Đây là thời hoàng kim của Phật giáo nhưng cũng đã manh nha dấu hiệu chia rẽ trong nội bộ Tăng lữ, nên đã có cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ nhất, được trùng tuyên qua trí nhớ của tôn giả Ānanda và tôn giả Upāli.

Sự hoằng pháp vào buổi đầu, vì do miệng truyền miệng nên không tránh khỏi sự sai lạc, lầm lẫn.

Ví dụ: Một lần nọ, trưởng lão Ānanda, lúc này đã già, gần 120 tuổi, đang đi ngang một khu rừng, bỗng nghe có vị tỳ-khưu ngâm sai một bài kệ trong Pháp cú kinh:

“- Ai sống cả trăm năm Không thấy được hạc biển Thua kẻ sống một ngày Thấy được con hạc biển”.

Trưởng lão Ānanda bèn dừng chân, kêu vị tỳ-khưu kia, nói rõ sự sai lạc của bài kệ, rồi yêu cầu đọc lại cho chính xác:

“- Ai sống cả trăm năm Không thấy Pháp sanh diệt Thua kẻ sống một ngày Thấy được Pháp sanh diệt”.

Vị tỳ-khưu kia đọc thuộc, ghi nhớ rồi về kể lại cho giáo thọ sư của mình. Vị ấy cười, nói rằng: “Không phải vậy đâu, con đừng có tin! Ngài Ānanda già nua lẩm cẩm rồi, ngài quên, nhớ sai cũng là chuyện thường!” Thế là vị tỳ-khưu kia bèn yên trí “đi tìm con hạc biển” của mình!

Ngoài sự sai lạc do truyền khẩu, tệ nạn những nhóm tỳ-khưu coi thường giới luật, không tuân thủ và thực hành theo Tam Tạng do các vị Thánh Tăng trùng tuyên. Do vậy, sau lần kết tập thứ hai, một số bất đồng về giới luật buổi đầu, từ đó phát sanh chia rẽ rồi đi đến sự phân phái ngày càng trầm trọng.

Trong lúc các vị A-la-hán trưởng lão kết tập Tam Tạng theo ngôn ngữ xứ Māgadha thì các vị A-xà-lê (Ācāriya) cũng cho ra đời Ngũ Tạng bằng ngôn ngữ Saṅskrit, gọi là A-xà-lê bộ (Ācāriya- vāda) sau đó được gọi tên là Đại chúng bộ (Mahāsaṅghikā); và từ đó, họ tách hẳn Thượng tọa bộ. Hai khuynh hướng: Bảo nguyên, Thượng tọa bộ (Theravāda) và Phát triển hay Đại chúng bộ (Mahāsaṅghikā) đã trở nên rõ rệt.

Tư tưởng triển khai giáo pháp quá tự do và quá phóng khoáng của Đại chúng bộ đã làm cho Đại chúng bộ cũng phát sanh bất đồng kiến giải. Các phái bắt đầu “sáng tác” kinh luận theo kiến giải của mình, làm cho tư tưởng phát triển càng ngày càng mở rộng, lắm khi đi đến mâu thuẫn. Điều này được ghi lại ngắn gọn nhưng đầy đủ trong tập Dị bộ luận (Kathāvatthu). Các phái ấy là:

  • Nhất thuyết bộ
  • Thuyết xuất thuyết bộ
  • Kê dẫn bộ
  • Thuyết giả bộ
  • Đa văn bộ
  • Chế đa sơn bộ
  • Tây sơn trụ bộ
  • Bắc sơn trụ bộ
  • Đông sơn trụ bộ
  • Thuyết nhân chấp bộ
  • Nghĩa thành bộ
  • Vương sơn trụ bộ
  • Phát triển bộ…

Trong lúc đó, Thượng tọa bộ cũng có những nhóm có một số kiến giải dị biệt trong Phật ngôn, rồi họ tách rời khỏi Thượng tọa bộ, lập thành những phái riêng:

  • Nhất thiết hữu bộ
  • Tuyết sơn bộ
  • Hóa địa bộ
  • Ca Diếp bộ
  • Ẩm quang bộ
  • Kinh lượng bộ
  • Độc tử bộ
  • Pháp tạng bộ
  • Mật lâm sơn bộ
  • Chính lượng bộ
  • Hiền trụ bộ
  • Pháp thượng bộ…

Cả hai phái có khoảng chừng 25 đến 28 bộ phái khác nhau.

Từ đó, tình hình phân phái đã rõ rệt, dị biệt và nghiêm trọng. Sau lần kết tập lần thứ ba bằng ngôn ngữ xứ Māgadha, đại đức Mahinda mang trọn vẹn Tam Tạng sang truyền ở Tích Lan, kết tập lần thứ tư rồi lần thứ năm mới ghi chép Tam Tạng Pāḷi và chú giải Tam Tạng bằng tiếng Tích Lan lên lá Bối. Từ đó, Theravāda được truyền bá sang các nước Miến Điện, Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Cao Miên, Lào và Việt Nam. Nhánh này được gọi là phái Bảo nguyên – Nam tông hay Nam phương Phật giáo. Trong lúc đó, Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika) được truyền về Bắc Ấn Độ, vượt Hy-mã- lạp sơn, sang các nước Tây Tạng, Mông Cổ, Mãn Châu, Trung

Hoa, Cao Ly, Nhật Bản và Việt Nam. Nhánh này được gọi là phái Phát triển, Đại thừa (Mahāyana) hay Phật giáo Bắc Tông.

VII- Sự lợi ích của đạo Phật

Đạo Phật xuất hiện ở đời, mang đến những lợi ích sau đây:

  • Cho chúng sanh thấy rõ mọi nguyên nhân đau khổ trên cuộc đời là do vô minh và ái dục.
  • Giúp cho con người thoát ly khỏi sự nô lệ của thần linh, của Thượng Đế.
  • Giúp cho chúng sanh thấy rõ nhân, quả, tội, phước…
  • Hạnh phúc hay đau khổ trên thế gian là do con người tự tạo ra, chứ không phải do ngẫu nhiên, do tự nhiên, do định mệnh hay do các năng lực siêu nhiên, huyền bí.
  • Có thứ hạnh phúc tạm thời, phù du; nhưng đồng thời cũng có thứ hạnh phúc chân thật, nếu biết nỗ lực tu tập theo con đường Đức Phật đã chỉ bày.
  • Tất cả mọi chúng sanh đều có khả năng giác ngộ, giải thoát và thành Phật như Đức Phật.
  • Đem trí tuệ để soi rọi, đốt cháy vô minh, phiền não…
  • Đem từ bi hỷ xả vô lượng cho cuộc đời thiếu vắng tình thương, nhiều ác độc, oan trái và lắm hận thù này.
  • Xóa bỏ mọi bất công, bất bình đẳng của các giai cấp do tà thuyết, tôn giáo hoặc do con người ngụy tạo.
  • Giới thiệu, phổ biến một nếp sống trong lành và hiền thiện như một lý tưởng cao cả và tốt đẹp cho nhân sinh hướng thượng.

Nói tóm lại, đạo Phật với những khả tính cao đẹp như vậy, nên bất cứ ai thao thức tìm kiếm hạnh phúc chân thật cho đời mình thì phải nên học hỏi, suy tư và thực hành cho đến nơi đến chốn. Học hỏi chính là văn, suy tư chính là tư và thực hành chính là tu vậy.

  • Văn: Là nghe kinh, nghe Pháp, đọc kinh, đọc sách để thu thập sự hiểu biết về con đường mà mình đã chọn lựa.
  • Tư: Phải biết suy nghĩ, tra vấn, phân tích, thẩm sát, nhận xét, so sánh, đối chiếu, lựa chọn từ những kiến thức mình đã nghe, đã học, đã đọc rồi sau đó tìm ra lý nghĩa chơn chánh hợp với sự thật.
  • Tu: Văn và tư chưa đủ mà còn cần phải nỗ lực tu tập, thực hành từ những căn bản ban đầu, tuần tự, thứ lớp từ thấp lên cao, từ cạn vào sâu. Như Phật tử tại gia thì tu theo bố thí, trì giới, tham thiền, hàng xuất gia thì theo lộ trình giới, định, tuệ vậy.

Đạo Phật chỉ để dành cho những ai có tai để nghe, có trí để thấu hiểu.

“- Ai ơi! Pháp Bảo thậm thâm
Mênh mông, vi diệu khó tầm, khó nghe
Nhẹ hều thuyền vượt bến mê
Qua miền siêu thoát bỏ bè rong chơi!”

_______________

[1] Tam cương: Quân thần, phụ tử, phu phụ. Ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

[2] Nói “khả năng giác ngộ” chứ không nên nói “Phật tính” dễ rơi vào phạm trù ý niệm “có một tính Phật” thường hằng (thường kiến).

[3] Đạo với nghĩa này được du nhập từ triết học Trung Quốc, cụ thể là Đạo theo quan niệm của Lão Tử, không có trong triết học Ấn Độ. Để chỉ siêu thế, chơn đế, siêu tuyệt ý niệm, ngữ ngôn… Đức Phật dùng từ paramatthasacca. Dùng Đạo với nghĩa “bản thể” này dễ rơi vào ý niệm thường hằng.

[4] Theo “Lịch sử Phật giáo thế giới” của Pháp sư Tịnh Hải.

[5] 5 bộ kinh này tương đương với Trường A-hàm, Trung A-hàm… nhưng nội dung có nhiều chỗ sai khác vì Trường bộ, Trung bộ do Theravāda kết tập,  còn các A-hàm do Nhất Thiết Hữu Bộ kết tập.

Nguồn: https://thuvienphatviet.com

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập