LÁ THƯ THIỀN SỐ 1

Đã đọc: 4669           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

(Trích trong những lá thư thiền của Thiền Sư Đại Huệ)

THƯ ĐÁP:TĂNG THIÊN DU

Phụ thư hỏi:

Vừa rồi ở Trường Sa, tôi được thư của Lão sư Viên Ngộ nói: “Ông lúc tuổi già tham thiền sở đắc rất là kỳ vĩ”. Tôi nhiều lần nghĩ đến điều đó, nay đã tám năm rồi, thường hận chưa được đích thân nghe lời dạy bảo. Thật xiết bao ngưỡng mộ!

Tôi tự ấu niên đã phát tâm tham lễ các bậc thiện tri thức cúi đầu thưa hỏi việc này. Từ tuổi trưởng thành về sau, bị việc hôn nhân và quan chức sai khiến nên dụng công chẳng được thuần nhất. Từ đó đến ngày nay, tuổi đã già rồi, đối với điều chưa được học hỏi thường tự hổ thẹn thở than. Nhưng mà lập chí phát nguyện chẳng phải ở chỗ tri kiến cạn cợt, tôi cho rằng: “Chẳng ngộ thì thôi, bằng ngộ thì phải thẳng đến chỗ thân chứng của cổ nhân mới là chỗ hoàn toàn thôi nghỉ”. Tâm này tuy chưa từng có một niệm lui sụt, nhưng tự biết công phu vẫn chưa được thuần nhất, có thể nói là chí nguyện lớn mà lực lượng nhỏ vậy.

Trước đây tôi có thống thiết thỉnh cầu Lão sư Viên Ngộ khai thị. Lão sư đã dạy cho tôi 6 đoạn pháp ngữ. Đoạn đầu tiên chỉ thẳng việc này, sau nêu ra hai tắc nhân duyên “Núi Tu-di” và “Buông hết đi” của Vân Môn và Triệu Châu. Ngài bảo hạ thủ độn công phu, thường tự cử giác lâu ngày tất có chỗ vào. Tâm ngài từ bi thiết tha đến thế, ngặt vì tôi rất ư độn trệ.

Nay may mắn các việc trần duyên của tư gia đều giải quyết xong cả, rảnh rang không bận việc gì, cũng chính là lúc tôi thống thiết tự cố gắng để bồi thường lại cái chí nguyện ban đầu. Nhưng chỉ hận chưa được gần gũi để nghe lời dạy bảo.

Một đời bê bối đã cặn kẽ trình bày, chắc ngài có thể soi thấu được tâm này, ngưỡng mong nhận lời răn nhắc.

Hằng ngày tôi phải dụng công như thế nào ngỏ hầu chẳng lạc vào lối khác, mau cùng với bản địa khế hợp nhau?

Nói như thế đã biết bê bối cũng chẳng ít, nhưng thành thật chẳng dám giấu giếm. Xin ngài lượng tình thương xót cho.

Kính bái.

 

THƯ ĐÁP CỦA THIỀN SƯ ĐẠI HUỆ

I

Theo thư ông đã trình bày, từ ấu niên cho đến lúc làm quan, ông đã từng tham lễ các bậc đại tông tượng, khoảng giữa cuộc đời ông bị khoa cử, hôn nhân, quan chức chi phối, lại bị các thứ tri giải và thói quen tai hại thắng thế nên chưa thể thuần nhất thực hiện công phu được, ông cho đó là một cái tội lớn. Ông còn hay thống thiết nghĩ đến thế gian vô thường, các thứ hư huyễn không có chút gì gọi là vui mà chuyên tâm muốn tham cứu một đoạn đại sự nhân duyên này. Các điều đó rất đẹp lòng tôi.

 

Song đã là kẻ sĩ sống nhờ lộc vua thì khoa cử, hôn nhân, quan tước là những điều ở thế gian không ai tránh khỏi, cũng chẳng phải là cái tội của ông. Vì một chút tội nhỏ mà sanh lòng lo sợ lớn, nếu chẳng phải do nhiều kiếp từ vô thỉ đến nay đã từng thừa sự bậc thiện tri thức chân chánh, huân tập sâu xa chủng trí Bát-nhã thì đâu được thế. Những điều mà ông cho là cái tội lớn đó, Thánh Hiền cũng chẳng khỏi được. Song biết đó là pháp hư huyễn, chẳng phải là pháp cứu cánh mà hồi tâm vào trong cửa này, dùng nước trí Bát-nhã mà rửa sạch nhơ uế của cấu nhiễm, tự ở nơi thanh tịnh, ngay dưới gót chân cho một đao đứt làm hai đoạn, chẳng còn khởi tâm tương tục nữa là đủ rồi, bất tất phải nhớ trước nghĩ sau. Đã nói là hư huyễn thì lúc làm cũng huyễn, lúc thọ quả cũng huyễn, lúc hiểu biết cũng huyễn, khi mê lầm điên đảo cũng huyễn, quá khứ, hiện tại, vị lai thảy đều là huyễn. Ngày nay biết lỗi thì dùng thuốc huyễn để trị bệnh huyễn. Bệnh lành thì thuốc cũng bỏ, y như trước cũng vẫn là người của thuở xưa. Nếu có người, có pháp nào khác ắt là kiến giải của tà ma ngoại đạo. Xin ông hãy suy xét kỹ cho!

Chỉ cần tham cứu thoại đầu thì luôn luôn ở trong thắng tịnh. Nhất là không được quên hai tắc ngữ: “Núi Tu-di” và “Buông hết đi”. Chỉ cần từ ngay dưới chân hãy thật sự thực hành đi. Tội lỗi của mình không cần lo sợ, cũng không cần nghĩ ngợi, vì nghĩ ngợi, lo sợ đều là chướng đạo.

Chỉ cần ở trước chư Phật phát đại thệ nguyện: “Nguyện tâm này bền chắc không bao giờ lui sụt. Xin chư Phật gia bị cho con gặp bạn thiện tri thức, ngay dưới một lời liền dứt sanh tử, ngộ chứngVô thượng Bồ-đề, nối huệ mạng Phật, hầu đền đáp thâm ân to tát của chư Phật.”

Nếu như thế thì lâu ngày không có lý gì mà không ngộ. Thấy chăng, Thiện Tài đồng tử lúc ở trước ngài Văn-thù phát tâm tuần tự đi về phương Nam trải qua một trăm mười thành, tham 53 vị thiện tri thức, sau cùng đến chỗ đức Di-lặc trong khoảng búng ngón tay tức thì quên hết các pháp môn đã đắc từ các bậc thiện tri thức trước. Lại y theo lời đức Di-lặc dạy, nghĩ muốn thân cận ngài Văn-thù. Ngay lúc ấy, ngài Văn-thù duỗi cánh tay hữu qua 110 do tuần đến xoa đầu Thiện Tài đồng tử và bảo: “Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Nếu lìa tín căn thì tâm yếu kém, lo âu, ân hận, công hạnh chẳng được đầy đủ, lui sụt sự cần mẫn tinh chuyên. Đối với một thiện căn, tâm sanh trụ trước, ở một ít công đức bèn cho là đủ thì chẳng thể thiện xảo phát khởi hạnh nguyện, chẳng được thiện tri thức nhiếp hộ, cho đến chẳng thể biết rõ pháp tánh như vậy, nghĩa lý như vậy, pháp môn như vậy, tu hành như vậy, cảnh giới như vậy hoặc biết khắp (căn bản trí) hoặc biết các thứ sai biệt (sai biệt trí) hoặc tận nguồn đáy hoặc hiểu rõ hoặc nhập vào hoặc giải nói hoặc phân biệt hoặc chứng biết hoặc hoạch đắc thảy đều chẳng thủ đắc”.

Ngài Văn-thù dạy Thiện Tài như thế, Thiện Tài ngay dưới lời nói này liền thành tựu vô số pháp môn, đầy đủ vô lượng ánh sáng trí huệ rộng lớn, nhập vào hạnh môn Phổ Hiền, ở trong một niệm thấy hết các vị thiện tri thức số nhiều như vi trần trong ba nghìn đại thiên thế giới và được thân cận, cung kính, thừa sự, thọ nhận tu hành đúng theo lời dạy của tất cả các ngài, được trí bất vong niệm, trang nghiêm tạng giải thoát, cho đến vào cõi nước trong chân lông ngài Phổ Hiền. Ở trong một lỗ chân lông đi một bước qua bất khả thuyết bất khả thuyết thế giới cõi Phật nhiều như số vi trần, cùng Phổ Hiền đồng, cùng chư Phật đồng, cõi đồng, hạnh đồng và giải thoát tự tại thảy đều đồng đẳng, không hai không khác. Lúc ấy, mới có thể chuyển ba độc thành ba tụ tịnh giới, chuyển sáu thức thành sáu thần thông,  chuyển phiền não thành Bồ-đề, chuyển vô minh thành đại trí. Một sự chuyển biến đã kể trên chỉ ở tại một niệm chân thật cuối cùng của đương nhân mà thôi. Thiện Tài ở chỗ đức Di-lặc trong khoảng búng ngón tay còn có thể tức thì quên hết các môn Tam-muội đã chứng được từ các thiện tri thức, huống là các nghiệp ác, tập khí hư ngụy từ vô thỉ.

Nếu cho các tội đã làm trước kia là thật thì cảnh giới trước mặt hiện nay đều là thật có, cho đến quan chức, phú quý, ân ái thảy đều là thật. Đã là thật thì địa ngục, thiên đường cũng là thật, phiền não vô minh cũng thật, người tạo nghiệp cũng thật, người chịu quả báo cũng thật, pháp môn đã chứng cũng thật. Nếu kiến giải như thế thì tận đời vị lai cũng không có người vào Phật thừa và các phương tiện của chư Phật, chư Tổ trong thế gian trái lại đều trở thành vọng ngữ cả.

Theo lời ông nói, lúc gửi thư này ông đã đối trước chư Thánh lễ bái và cũng hướng về am này cúi lạy, rồi sau đó mới gửi. Ông thành tâm chí thiết đến thế, chúng ta cách nhau tuy không xa lắm nhưng chưa có dịp giáp mặt đàm luận với nhau mà hôm nay ý tự nhiên nghĩ, tay tự nhiên viết, bất giác lo lắng đến thế. Ai kia nếu nói dông dài chẳng qua cũng xuất phát từ tấm lòng chí thành, chẳng dám có một lời, một chữ dối gạt nhau. Ví như tôi dối ông, cũng là tôi tự dối mình vậy.

Tôi còn nhớ Thiện Tài đồng tử tham kiến Bà-la-môn Tối Tịch Tịnh được “thành ngữ giải thoát”. Chư Phật Bồ-tát quá khứ, hiện tại, vị lai đối với Vô thượng Bồ-đề đã không lui sụt, hiện không lui sụt, sẽ không lui sụt, phàm hễ cầu điều gì cũng được thành tựu viên mãn là đều do chí thành mà được. Ông đã cùng với ghế trúc, bồ đoàn làm bạn chẳng khác nào Thiện Tài gặp Bà-la-môn Tối Tịch Tịnh. Lúc gửi thư đến Vân Môn tôi 9 ông còn đối trước chư Thánh và từ xa lễ lạy rồi sau đó mới gửi thư và tha thiết muốn nhận được thư đáp của tôi, đó là sự chí thành tột bực. Hễ tin lời tôi thì hãy thực hành công phu như thế, tương lai nhất định sẽ viên mãn Vô thượng Bồ-đề không nghi.

II

Ông sống trong phú quý mà không bị phú quý chi phối nếu chẳng phải đời trước đã vun trồng chủng trí Bát-nhã thì đâu thể được như vậy. Chỉ e ở trong đó quên ý này, bị thông minh lanh lợi làm chướng, để cho cái tâm có sở đắc vọt ra trước, nên chẳng thể ở chỗ trực chỉ ngắn gọn của cổ nhân dứt khoát hạ một đao đứt làm hai đoạn, tức thì thôi nghỉ. Bệnh này chẳng phải riêng hiền sĩ đại phu mà nạp tử tham học lâu năm cũng mắc phải. Phần đông họ chẳng chịu đến cái chỗ ít phí sức (tỉnh lực) để thực hiện công phu mà chỉ dùng sự thông minh của ý thức so đo suy nghĩ hướng ra ngoài tìm cầu. Chợt nghe thiện tri thức chỉ dạy về việc phần gốc vượt ra ngoài lãnh vực của sự thông minh của ý thức so đo suy nghĩ thì phần đông người học đạo lại bỏ qua và cho rằng từ xưa Cổ đức có pháp thật để cho người như các loại “Buông hết đi” của Triệu Châu và “Núi Tu-di” của Vân Môn.

Ngài Nham Đầu nói: “Buông bỏ là hay, chạy theo vật là dở”. Lại nói: “Đại thống cương tông cần phải biết cú. Thế nào là cú? Lúc trăm việc chẳng nghĩ suy là chánh cú, cũng gọi là cư đảnh, cũng gọi là đắc trụ, cũng gọi là lịch lịch (rõ ràng), cũng gọi là tỉnh tỉnh, cũng gọi là lúc ấy. Đem cái ngay lúc ấy đồng phá tất cả thị phi, mới như thế liền chẳng như thế, câu khẳng định (thị cú) cũng chẻ, câu phủ định (phi cú) cũng chẻ, tương tự như một vòng lửa, chạm đến liền cháy, không thể nào đến bên cạnh được!”

Người trí thức ngày nay phần đông lấy sự suy nghĩ so đo làm nơi nương náu. Nghe nói như thế, bèn hỏi: “Đừng rơi vào không chăng ?” Khác chi thuyền chưa úp mà đã nhảy ùm xuống nước trước rồi. Hạng người này thật đáng thương xót!

Gần đây, tôi có đến Giang Tây gặp Lữ Cư Nhân, Cư Nhân từ lâu đã lưu tâm đến đoạn nhân duyên này và cũng mang cùng một bệnh ấy. Ông ta đâu chẳng phải là người không thông minh ư?

Tông Cảo tôi hỏi ông ta:

- Ông sợ rơi vào không, vậy ông có biết được người sợ đó là không hay chẳng không? Nói thử xem!

Ông ta ngẫm nghĩ một hồi, toan trả lời. Lúc ấy tôi liền hét cho ông ta một tiếng, cho đến ngày hôm nay ông ta vẫn còn mờ mịt, dò xét mặt mũi chẳng được. Đây là vì để cho cái tâm cầu ngộ cầu chứng vọt ra trước, tự mình làm chướng nạn, chẳng can hệ gì đến việc khác. Ông thử thực hiện công phu như thế, lâu ngày chầy tháng, tự nhiên sẽ đụng nhằm, chạm phải. Nếu muốn đem tâm chờ ngộ, đem tâm chờ thôi nghỉ thì từ dưới chân tham đến Di-lặc hạ sanh cũng chẳng thể được ngộ, chẳng thể được thôi nghỉ, trái lại càng thêm hôn mê mà thôi.

Hòa thượng Bình Điền nói:

“Thần quang chẳng tối (kiến tánh) là đạo quý nhất của muôn đời, vào đến cửa này, chớ còn tri giải” (Thần quang bất muội, vạn cổ huy du, nhập thử môn lai, mạc tồn tri giải).

Cổ đức cũng nói: “Việc này chẳng thể dùng hữu tâm cầu, chẳng thể dùng vô tâm được, chẳng thể dùng ngữ ngôn đạt đến, chẳng thể dùng tịch mặc thông”.

Trên đây là những lời tha thiết bậc nhất của người lặn lội trong thế gian độ chúng sanh mà thường thường người tham thiền chỉ nghĩ nhớ sơ qua như thế mà không chịu xét kỹ lưỡng xem đó là đạo lý gì? Nếu là người có gân cốt thì vừa nghe nói đến liền vung bảo kiếm kim cương vương chém xả một nhát đứt phăng bốn lối cát đằng thì đường sanh tử cũng chặt đứt, đường phàm thánh cũng chặt đứt, suy nghĩ so đo cũng chặt đứt, dưới gót chân người ấy sạch trơn không thể nắm. Há chẳng khoái thay! Há chẳng sướng thay!

Thấy chăng, ngày xưa hòa thượng Quán Khê lúc đầu tiên đến tham Lâm Tế. Lâm Tế vừa thấy ngài, liền bước xuống thiền sàng thộp ngực ngài lại. Quán Khê liền nói: “Hiểu, hiểu”. Lâm Tế biết ông đã triệt ngộ liền buông ra và cũng không dùng ngôn cú để thương lượng. Ngay lúc ấy, Quán Khê làm sao suy nghĩ so đo trả lời được. Từ xưa đến nay thật ít có người nêu được cái gương như thế. Còn như người đời nay chẳng được việc này, chỉ vì tâm thô tháo. Quán Khê nếu lúc đầu có một chút tâm đợi ngộ chờ chứng, đợi thôi nghỉ vọt ra trước thì đừng nói bị Lâm Tế thộp ngực liền ngộ mà trói quách ông ta lại dắt đi giáp vòng bốn châu thiên hạ cũng chẳng thể được ngộ, cũng chẳng thể được thôi nghỉ.

Cái thường hay suy nghĩ so đo chỉ là thức tình, cái theo sanh tử trôi nổi cũng là thức tình, cái sợ hãi kinh hoàng cũng là thức tình. Thế mà nay người tham học chẳng biết đó là bệnh, trái lại cứ mãi mê lặn hụp trong đó, trong kinh gọi đó là “Theo thức tu hành, chẳng theo trí”. Do đó mờ tối đi cái bản địa phong quang, cái bản lai diện mục. Nếu được một lúc nào đó buông hết được, trăm việc chẳng suy nghĩ so đo, bỗng nhiên trượt chân dẫm nhằm cái lỗ mũi của mình (Ngộ) thì nhận ra rằng chính cái thức tình này là chân không diệu trí và không còn cái trí nào khác để đắc. Nếu có sở đắc, sở chứng nào khác thì không đúng, như người lúc mê thì gọi Đông làm Tây, đến lúc ngộ thì chính hướng Tây là Đông, không có hướng Đông nào khác. Cái chân không diệu trí này cùng với hư không rộng lớn kia đồng tuổi thọ. Trong cái hư không rộng lớn kia có một vật nào làm chướng ngại được nó chăng? Tuy chẳng bị một vật nào làm chướng ngại mà nó cũng không làm chướng ngại các vật qua lại trong đó. Cái chân không diệu trí này cũng vậy, tuy cấu nhiễm sanh tử, phàm thánh qua lại trong đó mà dính một chút cũng không được. Như thế mà tin được nổi, thấy được suốt mới là người được đại tự tại xuất sanh nhập tử và mới cùng với “Buông hết đi” của Triệu Châu, “Núi Tu-di” của Vân Môn có chút phần tương ưng. Nếu tin chẳng nổi, buông chẳng hết thì xin mời gánh lấy một tòa núi Tu-di đi hành cước, gặp người mắt sáng thuật lại cho phân minh.

Một tiếng cười.

III

Lão Bàng nói: “Chỉ cần bỏ hết những cái hiện có và đừng đem vào những cái mà mình không có”. (Đản nguyện không chư sở hữu, thiết vật thật chư sở vô). Chỉ cần thấu rõ được hai câu này thì việc tham học một đời tất xong.

Ngày nay có một bọn ngoại đạo trọc đầu, mắt mình chưa sáng chỉ lo dạy người chết đi, thôi đi, nghỉ đi, một cách ngoan cố. Nếu thôi đi, nghỉ đi như thế thì đến ngàn Phật ra đời cũng thôi nghỉ chẳng được, lại càng khiến cho tâm hôn mê. Họ dạy người tùy duyên quản đới, vong tình mặc chiếu, chiếu đi chiếu lại, đới tới đới lui, càng thêm hôn mê không biết đến lúc nào mới xong. Trái lại họ đánh mất phương tiện của Tổ sư, lầm chỉ dạy người một bề sống rỗng chết uổng. Họ còn dạy người đại sự nhân duyên này (Ngộ) chớ quản, chỉ như thế nghỉ đi, nghỉ được đến tình niệm chẳng sanh, đến lúc ấy chẳng phải mờ mịt vô tri mà ngay đó là tỉnh tỉnh rõ ràng. Bọn này thật độc hại làm mù mắt người, chẳng phải là việc nhỏ. Vân Môn tôi bình thường thấy họ, chẳng xem họ là con người. Bọn họ con mắt đã tự chẳng sáng, chỉ đem lời trong sách ra y theo đó dạy người. Cái ấy làm sao dạy được. Nếu tin bọn họ thì muôn kiếp tham chẳng được.

Vân Môn tôi bình thường không phải không dạy người tọa thiền hướng vào chỗ tĩnh lặng để thực hiện công phu, nhưng đó là tùy bệnh cho thuốc, chứ thật ra không có gì để chỉ dạy người. Thấy chăng, hòa thượng Hoàng Bá nói: “Tông thiền của ta từ trước trao truyền đến nay chẳng từng dạy người cầu tri cầu giải. Nói học đạo đó cũng là lời tiếp dẫn. Song, đạo cũng chẳng thể học, ý toan học đạo trở lại thành mê đạo. Đạo không có phương sở, gọi là tâm Đại thừa. Tâm này chẳng ở trong ngoài chặng giữa, thật không có nơi chốn, nhất là không được khởi tri giải. Chỉ nói với ông rằng: Chỗ tình lượng hiện tại là đạo, tình lượng nếu hết thì tâm không phương sở. Đạo thiên chân này vốn không danh tự, chỉ vì thế gian chẳng biết mà mê ở trong tình, do đó chư Phật ra đời nói rõ việc này, sợ ông không rõ, nên phương tiện đặt tên là đạo. Chẳng nên chấp lấy danh tự mà sanh tri giải”.

Nãy giờ đề cập đến, đó là bọn người mắt mù chỉ dạy bậy bạ cho người, họ đều là người nhận mắt cá làm minh châu, là người chấp lấy danh tự mà sanh tri giải. Kẻ dạy người giữ tâm luôn luôn có mặt, đó là kẻ giữ cái giác chiếu soi ở trước mắt mà sanh tri giải. Kẻ dạy người thôi đi, nghỉ đi một cách ngoan cố, đó là người giữ lấy cái không tịch quên tâm làm tri giải. Thôi đến vô giác vô tri tương tự như gỗ, đất, ngói, đá mà đương lúc ấy chẳng phải mờ mịt vô tri, đó lại là kẻ nhận lầm lời nói phương tiện mở trói của Tổ sư mà sanh tri giải. Kẻ dạy người tùy duyên chiếu cố đừng cho ảo giác hiện tiền, đó là kẻ nhận lấy tình thức của đầu lâu mà sanh tri giải. Kẻ dạy người chỉ phóng khoáng mặc tình tự tại chớ lo sanh tâm động niệm, niệm khởi niệm diệt vốn không có thật thể, nếu chấp là thật thì tâm sanh tử sanh, đó là kẻ giữ lấy cái thể tự nhiên cho là pháp cứu cánh mà sanh tri giải. Các bệnh kể trên chẳng can hệ gì đến việc của người học đạo, mà đều là do mấy ông Tông sư mắt mù chỉ dạy tầm bậy mà thôi.

Ông đã tự ở nơi thanh tịnh, giữ một phiến tâm chân thật kiên cố hướng đạo, chớ lo công phu thuần nhất hay không thuần nhất. Chẳng cần để tâm trên ngôn cú cổ nhân, vì nó tương tự như cái tháp nhiều tầng, hết tầng này đến tầng kia, như thế chỉ uổng dụng công phu, không biết đến lúc nào mới xong. Chỉ cần để tâm ở một chỗ thì không có việc gì chẳng xong, khi thời tiết nhân duyên đến thì tự nhiên đụng nhằm, chạm phải, hốt nhiên tỉnh ngộ.

- Chẳng khởi một niệm có lỗi hay không?

- Núi Tu-di.

- Lúc một vật chẳng đem đến thì thế nào?

- Buông hết đi!

Chỗ này cái nghi chẳng vỡ thì phải ở chỗ này tham, chẳng cần phải tự giải thích. Nếu ông tin được Vân Môn này thì chỉ cần như thế tham đi, không có Phật pháp nào khác để dạy người. Bằng tin không nổi, mặc tình ông đi khắp Giang Bắc, Giang Nam tham vấn các lão thiền sư thì hồ nghi lại thêm hồ nghi.

IV

Đọc kỹ thư ông, mới biết trong bốn oai nghi đi đứng, ngồi nằm không có lúc nào công phu của ông gián đoạn, chẳng bị việc công bề bộn cướp mất. Lúc ở trong dòng thác lũ của thế sự ông cũng thường tự tỉnh sát mạnh mẽ, không buông lung, đạo tâm ngày càng kiên cố. Điều đó rất đẹp lòng tôi!

Nhưng, trần lao thế gian như lửa cháy hừng hực, biết đến bao giờ mới tắt, phải ngay trong chỗ náo động mà chẳng quên việc trên ghế trúc bồ đoàn. Trước kia để tâm nơi chỗ tĩnh lặng thì nay ở chỗ náo động phải đem ra dùng. Nếu ở chỗ náo động chẳng đắc lực thì có khác nào chưa từng đã dụng công phu ở nơi tĩnh lặng.

Ông đã tự than “Do cái duyên tạp nhạp đời trước mà nay phải chịu cái báo này, nên không đủ khả năng để nghe lời dạy bảo”.

Nếu ông nghĩ như thế là chướng đạo vậy. Cổ đức nói:

Theo dòng nhận được tánh

Không mừng cũng không lo

(Tùy lưu nhận đắc tánh

Vô hỷ diệt vô ưu)

Kinh Tịnh Danh nói: “Ví như cao nguyên lục địa chẳng sanh hoa sen, mà nơi bùn lầy ẩm thấp mới mọc hoa này”.

Lão Hồ bảo: “Chân như chẳng giữ tự tánh tùy duyên mà thành tựu hết thảy sự pháp”. Và bảo: “Tùy duyên cảm ứng đến khắp cả mọi nơi, mà vẫn thường ở trên tòa Bồ-đề này”. Há dối người ư?

Nếu cho rằng chỗ tĩnh lặng là phải, chỗ náo động là chẳng phải, ấy là hoại tướng thế gian mà cầu thật tướng, lìa sanh diệt để cầu tịch diệt. Lúc thích tĩnh lặng ghét náo động, chính là lúc dụng công tốt nhất. Bỗng nhiên ở trong chỗ náo động mà được cái đắc lực của lúc tĩnh lặng. Sức ấy mạnh hơn lúc ngồi trên ghế trúc, bồ đoàn gấp nghìn vạn ức lần. Hãy nghe lấy lời tôi, chắc chắn không lừa gạt ông đâu!

Lại nữa, nên lấy hai câu của lão Bàng làm châm ngôn trong lúc đi đứng nằm ngồi là tốt nhất. Nếu đang lúc náo động mà sanh lòng chán ghét, đó là tự làm nhiễu loạn tâm mình. Nếu lúc động niệm, chỉ cần nhớ đến hai câu của lão Bàng đó như là lúc bệnh nóng được uống thuốc mát, Ông đã đủ niềm tin quyết định và là người đại trí huệ đã dụng công trong chỗ tĩnh lặng lâu ngày rồi nên tôi mới dám nói lời này, còn đối với người nào khác, tôi không nên nói. Nếu nói lời này với kẻ tăng thượng mạn nghiệp thức mênh mông, ấy là làm nặng thêm gánh ác nghiệp cho họ.

Các thứ bệnh hoạn của thiền môn, trong thư trước tôi đã trình bày, không biết ông đã hiểu kỹ chưa?

V

"Ngoài dứt các duyên, trong không nghĩ tưởng khả dĩ vào đạo là môn phương tiện để vào đạo thì được, còn nắm phương tiện không buông thì đó là bệnh”. Thật đúng như lời trong thư ông nói. Kẻ quê mùa này đọc đến đó xiết bao vui mừng phấn khởi.

Ngày nay, người tham thiền ở các nơi chỉ vì nắm lấy phương tiện chẳng buông, cho là pháp thật đem chỉ dạy người, thế nên làm mù mắt người chẳng ít. Do đó, kẻ quê mùa nay cần phải phân biện tà chánh để cứu vớt họ. Thời gian gần đây, ma mạnh pháp yếu. Người lấy trạm nhập vào hiệp trạm làm cứu cánh nhiều không kể xiết. Người nắm phương tiện chẳng buông làm Tông sư cũng nhiều như mè, như lúa. Kẻ quê mùa này lúc gần đây thường nói với các nạp tử về hai loại người này. Chính trong thư ông đã nói không sai một chữ, nếu chẳng phải ông để tâm trong Bát-nhã niệm niệm không gián đoạn thì không thể nào hiểu được thấu suốt cái phương tiện lạ của chư Thánh thuở xưa. Ông đã tìm được cán rồi, đã nắm được cán trong tay rồi lo gì chẳng bỏ môn phương tiện mà vào đạo. Chỉ cần như thế thực hiện công phu. Xem kinh giáo, ngữ lục của cổ nhân, các loại ngôn cú sai biệt cũng chỉ như thế thực hiện công phu, như các thoại đầu: “Núi Tu-di”, “Buông hết đi”, “Con chó không Phật tánh”, “Cây trúc bề”, “Một hớp hết nước Tây Giang”, “Cây bách trước sân” cũng chỉ như thế thực hiện công phu và chẳng được sanh cái tri giải nào khác, cầu đạo lý nào khác, thi thố tài năng khéo léo nào khác. Ông có thể ở trong dòng thác lũ của thế sự trần lao mà luôn luôn tự đề khởi như thế, đạo nghiệp nếu không thành tựu thì Phật pháp không linh nghiệm vậy. Xin ông hãy nhớ cho!

Được thư ông nói, ban đêm mộng thấy đốt hương vào thất sơn tăng rất thong thả, cần nhất chẳng được cho là mộng mà phải biết là thật vào thất.

Thấy chăng, ngài Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: “Trong mộng nói sáu pháp ba-la-mật cùng với lúc thức nói là đồng hay là khác ?”

Tu-bồ-đề đáp: “Nghĩa này rất sâu xa tôi không thể nói. Trong hội này, có Đại sĩ Di-lặc, ông hãy qua hỏi Ngài”.

"Ối! Sao quá sơ suất!

Tuyết Đậu nói: “Đương thời nếu chẳng bỏ qua, thì nên theo đó cho một dùi. Ai tên Di-lặc ? Ai là người Di-lặc ? Bèn thấy băng tan ngói rã”.

Ôi! Tuyết Đậu cũng quá sơ suất!

Hoặc có người hỏi: “Chỉ như Tăng Thị Chế lúc mới mộng thấy vào thất của Vân Môn tôi. Thử nói xem cùng với lúc thức là đồng hay khác ?

Vân Môn tôi bèn nói với người ấy rằng: “Ai là người vào thất ? Ai là kẻ làm người vào thất ? Ai là người mộng ? Ai là người nói về mộng ? Ai là người chẳng cho là mộng ? Ai là người thật vào thất ? Ôi! Cũng quá sơ suất!

VI

Thư đến, tôi đọc kỹ mấy lượt, dù thấy ông có tấm lòng sắt đá, lập chí quyết định chẳng chịu lôi thôi. Chỉ cần được như thế thì đến ngày ba mươi tháng chạp cũng có thể cùng lão Diêm Vương đối địch. Đó là chưa nói đến chuyện mở to con mắt trên đảnh, nắm chuôi kiếm kim cương vương ngồi trên đảnh Tỳ-lô.

Tông Cảo tôi đã từng nói với các đạo hữu phương ngoại rằng: “Ngày nay, người học đạo chỉ cầu mau có hiệu quả mà chẳng biết đó là lầm. Trái lại, họ còn nói: Vô sự ít duyên tịnh tọa thể cứu là luống uổng thì giờ, chẳng bằng xem vài quyển kinh, niệm vài câu Phật, đối trước lễ Phật lễ vài lạy sám hối những tội lỗi bình sanh đã tạo cốt để khỏi bị ăn gậy sắt trong tay lão Diêm Vương. Đây là việc của kẻ ngu. Dòng đạo gia ngày nay toàn dùng tâm vọng tưởng, tưởng tinh hoa của nhật nguyệt, nuốt ráng chiều, hớp khí trời mà còn có thể lưu lại hình hài ở đời, chẳng bị lạnh nóng làm bức ngặt. Huống là chuyển tâm này, niệm này hoàn toàn vào trong Bát-nhã!

Bậc Thánh xưa có nói rõ ràng: “Ví dụ côn trùng nhỏ nhít chỗ nào cũng ghé vào được, duy chẳng thể ghé vào ngọn lửa. Chúng sanh cũng thế, chỗ nào cũng có thể duyên, duy chẳng thể duyên trên Bát-nhã”. Ví như niệm niệm chẳng thoái sơ tâm, đem cái tâm thức duyên theo trần lao thế gian của mình chuyên lại đặt trên Bát-nhã, tuy đời này dẫu chưa triệt ngộ thì đến lúc mạng chung nhất định cũng chẳng bị nghiệp ác kéo đi lưu lạc vào đường ác. Đời sau vừa lọt lòng tùy theo nguyện lực đời này của ta mà quyết định ở trong Bát-nhã sẵn sàng thọ dụng. Đây là việc chắc chắn, không nên nghi ngờ.

Việc trong phạm vi chúng sanh chẳng cần học mà từ vô thỉ đến nay tập quán đã thuần thục, đường lối đã quen thì tự nhiên chấp lấy nó, hai bên gặp nhau là gặp lại cái cũ trước kia. Nay cần phải trừ sạch nó đi!

Tâm xuất thế gian học Bát-nhã từ vô thỉ đến nay bị chống trái, nên khi chợt nghe bậc thiện tri thức nói đến nó thì tự nhiên chẳng lý hội được. Vậy cần phải quyết chí tiếp xúc với Bát-nhã và hằng sống với nó. Chỗ này nếu thâm nhập được với chỗ kia chẳng cần bài trừ mà các thứ ma và ngoại đạo đều trốn mất. Chỗ trước kia chưa quen nay phải làm cho quen, chỗ trước kia đã quen nay không cho quen nữa là ngay ở đây vậy. Chỗ thực hiện công phu hằng ngày nắm được cán thì lúc dần dần cảm thấy ít phí sức ấy là chỗ đắc lực vậy.

 

                                                                                                THIỀN SƯ ĐẠI HUỆ

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập