Cái nhìn tổng quan về Nhân sinh

Đã đọc: 3107           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Về vũ trụ quan, khoa học chỉ mới biết tới vũ trụ hữu hình mức độ thường nghiệm ( tương ứng với Dục giới trong Phật giáo) và vũ trụ hữu hình mức độ vi tế như sóng vô tuyến điện, sóng siêu âm, các tia ánh sáng mà mắt thường không thể nhìn thấy, tai không thể nghe được nhưng vẫn hiện hữu ( tương ứng với Sắc giới) nhưng đối với vũ trụ vô hình là thế giới tinh thần ( tương ứng với Vô Sắc giới, chúng sinh không có thân thể chỉ có tinh thần) thì khoa học đành chịu, không cách nào tiếp xúc được. Trong khi đó Vi Diệu Pháp của Phật đã đề cập tới Tam giới gồm 3 cảnh giới kể trên.

Nhân sinh là đời sống con người. Cái nhìn tổng quan là không quá đi sâu chi tiết nhưng bao gồm nhiều mặt, nhiều khía cạnh, khái quát nhiều lĩnh vực còn sâu kín mà nhiều con người bình thường có thể còn chưa hiểu biết tường tận.

 

Con người sống trên đời bận tâm quá nhiều vào việc kiếm tiền để trang trải các chi phí của cuộc sống như ăn uống, quần áo, giày dép, nhà cửa, phương tiện đi lại, phương tiện thông tin liên lạc, đến nỗi có khi họ quên hoặc không hề thắc mắc tại sao có cuộc sống, sống để làm gì, con người tìm kiếm gì trong cuộc sống, rồi sẽ đi tới đâu ?

 

Người ta mải miết lo sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, thực hiện nhiều dịch vụ để đáp ứng đời sống của mọi cá nhân trong xã hội. Có người làm tốt và thành công, có người làm dở và thất bại nhưng không cam tâm, nghĩ ra nhiều mưu ma chước quỷ để lợi mình hại người. Người giỏi thì dùng tài năng để kiếm tiền, người kém tài thì dùng thủ đoạn lừa dối để kiếm tiền. Người tài trí muốn cho cả xã hội được no ấm, hạnh phúc. Kẻ gian xảo thì chỉ muốn cá nhân và gia đình mình hưởng lợi còn xã hội ra sao thì bất cần. Nhưng ngoài việc kiếm sống con người còn phải lo học tập để làm việc tốt hơn, phải làm đẹp để cho khung cảnh chung quanh được mãn nhãn hơn, phải giải trí để thư giãn và tìm thấy nhiều niềm vui hơn, ngoài nhu cầu ăn mặc, còn có những nhu cầu khác như yêu thương ân ái, nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, nhu cầu phấn đấu để trèo lên những nấc thang xã hội cao hơn, có nhiều tiền tài và danh vọng hơn. Ngoài nhu cầu của cá nhân, còn có nhu cầu chung của một tập thể người được gọi bằng danh xưng dân tộc, quốc gia. Các tập thể người đó có nhà nước đại diện. Các nhà nước cũng tranh đấu với nhau để nắm càng nhiều quyền lực càng tốt để thống trị thế giới. Các siêu cường như Mỹ, Trung Quốc, muốn thống trị thế giới một cách toàn diện. Các cường quốc nhỏ hơn thì muốn thống trị trong một lĩnh vực nào đó, như Hàn Quốc muốn thống trị thế giới trong lĩnh vực smartphone, Thái Lan thống trị trong sản xuất lúa gạo, Brazil thống trị trong sản xuất cà phê, Nga thống trị trong chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM : InterContinental Ballistic Missile) v.v… Cuộc tranh đua có thể diễn ra một cách có tổ chức, một cách hòa bình như các giải thể thao văn nghệ của khu vực và thế giới như Đại hội thể thao Olympic Mùa Hè và Mùa Đông, World Cup về Bóng Đá giữa các đội tuyển quốc gia, Đại hội thể thao của các châu lục như Asian Games hoặc của khu vực như SEA Games (South East Asian Games), Eurovision (giải ca nhạc của khu vực Châu Âu). Tranh đua cũng có thể diễn ra đầy căng thẳng như chạy đua vũ trang, hoặc khủng khiếp hơn là chiến tranh như hai cuộc Thế Chiến, Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Việt Nam, Cuộc chiến Vùng Vịnh Persique (Ba Tư), Iraq, Afghanistan…Những quốc gia có thực lực mạnh nhất muốn trở thành siêu cường làm bá chủ thế giới, muốn sắp xếp mọi việc theo ý muốn của mình.

 

Con người tìm kiếm gì ?

 

a/Tiền tài danh vọng và dục lạc

 

Họ tìm kiếm tiền bạc và quyền lực, cá nhân cũng thế mà nhà nước cũng thế. Ai cũng muốn giàu có và quyền lực. Quyền lực thể hiện ở chỗ : có nhiều tiền để có khả năng làm được những điều mình mong muốn; có hiểu biết nhiều, hiểu biết càng sâu rộng và chuẩn xác thì càng có khả năng đoạt được nhiều quyền lực hơn, họ cần có đông người ủng hộ, một cá nhân có bao nhiêu người ủng hộ thì sức mạnh được nhân lên gấp bấy nhiêu lần.

 

Những người không có nhiều tham vọng về tiền bạc và quyền lực thì cũng muốn có cuộc sống an ổn hạnh phúc, có đủ tiền để trang trải chi phí cho cuộc sống hàng ngày, tiếng nói được vợ, chồng, con cái lắng nghe. Mỗi cá nhân đều muốn mình có một mái nhà để ở, càng khang trang càng tốt tùy theo túi tiền, có phương tiện để đi lại, sang thì xe hơi, nghèo thì xe máy, nghèo kiết xác nữa thì xe đạp. Trong nhà thì cũng phải có một số tiện nghi tối thiểu như bàn ghế, tủ kệ, tivi, tủ lạnh, quạt máy, máy giặt. Ngày nay thì phần lớn hộ dân cư ở thành thị đều có những thứ đó, mọi người đều xài tivi màu, không ai còn xài tivi trắng đen nữa. Ngay cả những hộ nông thôn cũng không thiếu những thứ đó; trừ tủ lạnh, máy giặt, các hộ khá giả mới có, còn tivi, quạt máy thì nhà nào cũng có, trừ những vùng chưa điện khí hóa. Theo thống kê của nhà nước Việt Nam thì hiện nay trên toàn quốc đã điện khí hóa được 95% số hộ dân, chỉ còn khoảng một triệu hộ sống rải rác cách xa các trung tâm thì chưa có điện, và kế hoạch của nhà nước đến năm 2020 thì sẽ hoàn tất điện khí hóa 100 % số hộ dân.

 

Ngày nay là thời đại thông tin nên ai cũng muốn trang bị cho mình một điện thoại di động (đtdđ) để dễ dàng liên lạc. Anh lái xe honda ôm, chị bán rau cải, chị bán hàng rong đều có đtdđ. Theo số liệu thống kê đến tháng 6-2013, số thuê bao di động ở VN đã lên đến 139 triệu chiếc, nhiều hơn tổng dân số là 90 triệu người. Như thế có thể một người có tới hai ba cái đtdđ, điều đó chắc không sai, bởi vì ngay trong nhà tôi, mỗi người cũng đã có hai đtdđ, vì điện thoại cũ chưa hư nhưng lạc hậu, thì phải sắm điện thoại mới để thực hiện được các tính năng cao cấp như video voice chat qua Skype hay cài đặt Viber. Những người có đầu óc khá một chút đều có thể trang bị computer, laptop hay máy tính bảng (tablet) để một mặt có thể tiếp xúc với thông tin toàn cầu của internet, mặt khác có thể xử lý thông tin một cách hữu hiệu. Chẳng hạn như tìm thông tin, viết bài, viết blog, xử lý video, audio theo nhu cầu của mình. Xử lý thế nào ? Ví dụ muốn đưa ca từ vào một ca khúc video, trước hết phải download video đó về máy của mình để xử lý, muốn download nhanh phải dùng công cụ như IDM (Internet Download Manager) rồi phải tìm ca từ trên mạng. Ca từ của các bài hát tiếng Anh, Pháp, Hoa đều có sẵn rất nhiều trên mạng, nên chép về dưới dạng file word để dễ xứ lý. Muốn chuẩn xác phải chỉnh lý ca từ bằng cách đối chiếu với vài bản ca từ có nguồn khác nhau trên mạng khi thấy có chỗ nghi ngờ, bởi vì thực tế là chúng có sai sót. Muốn giới thiệu nhạc ngoại quốc cho người Việt thì phải dịch ca từ sang tiếng Việt. Muốn đưa ca từ và lời dịch lên video khớp với âm thanh của ca sĩ hát, phải dùng software chuyên dụng là Aegisub, canh thời gian âm thanh và ca từ xuất hiện chính xác tới vài phần trăm của một giây đồng hồ. Sau khi chép xong ca từ đồng bộ với tiếng hát trong một file có đuôi là .ass, muốn ghép cứng ca từ và lời dịch vào video, phải dùng software khác là Total Video Converter để ghép. Kết quả là ta có một video ca khúc mới hiển thị ca từ và lời dịch sẵn sàng post lên Youtube để giới thiệu với bạn đọc.

 

Mọi người đều có nhu cầu xem phim truyện và nghe ca nhạc. Các bộ môn này đáp ứng nhu cầu tinh thần và giải trí của con người. Trước đây chưa lâu, muốn xem phim phải đến rạp chiếu bóng, còn muốn nghe nhạc thì phải sắm máy hát bằng băng từ như Akai hoặc Cassette. Một băng cassette C90 hát trong 90 phút thì chỉ chứa được vài chục bản nhạc. Gần đây hơn thì có đĩa CD. Nhưng khả năng tìm được phim và nhạc hợp với mình thì rất khó, rất hạn chế. Ngày nay có mạng internet và điện thoại thông minh (smartphone), có khả năng truy cập mạng qua wifi và 3G thì việc tìm kiếm đó trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu cũng đều có thể. Thậm chí còn có cách giúp cho người không biết ngoại ngữ có thể thưởng thức trọn vẹn giai điệu và ý nghĩa của các ca khúc thế giới như tôi đã từng giới thiệu.

 

Những người bình thường đều muốn có một gia đình riêng. Gia đình riêng bao gồm vợ chồng và con cái. Một số gia đình có thể có thêm ông bà, anh chị em. Con cái ngày nay trung bình là hai đứa cho mỗi cặp vợ chồng. Trong cuộc sống vợ chồng thì có sinh hoạt tính dục. Con cái chính là kết quả của sinh hoạt tính dục đó. Giữa vợ chồng có sự yêu thương ân ái. Tình cảm vợ chồng không phải chỉ thuần túy tinh thần như giữa cha con, mẹ con hay anh chị em, mà có sự tiếp xúc của hai thể xác nam nữ. Trong lục thức theo mô tả của Phật giáo (thấy, nghe, ngửi, nếm, thân thể tiếp xúc, ý thức) thì thân thể tiếp xúc chính là nội dung quan trọng của đời sống vợ chồng. Nam nữ yêu thương nhau thì họ hôn nhau, răng và lưỡi cũng có cơ hội tiếp xúc. Tiếp xúc phải trực tiếp mới đem lại nhiều cảm giác, nên họ phải quan hệ trong tình trạng của Adam và Eva, tột đỉnh của tiếp xúc là sự giao cấu khi hai cơ quan sinh dục nam và nữ đi sâu vào nhau, cọ xát nhau để cảm giác dâng lên tận đỉnh và bùng nổ, tinh khí trong đó có rất nhiều tinh trùng được bắn ra, chúng bơi vào tử cung để tìm trứng và nếu tìm thấy thì xảy ra sự thụ tinh và hình thành bào thai  cuối cùng là một đứa trẻ ra đời. Nhưng sinh hoạt tính dục của vợ chồng không phải lúc nào cũng để tạo ra hậu duệ, mà phần lớn là tìm kiếm cảm giác hạnh phúc của yêu thương ân ái. Nếu không tìm thấy cảm giác đó nữa hoặc quá tham lam thì bắt đầu có vấn đề. Họ có thể nghĩ đến ngoại tình. Tiếng lóng ngày nay chỉ vợ chồng ân ái là “ăn cơm” còn tìm kiếm ở ngoài là “ăn phở”. Người nam tìm ở ngoài là “ăn chả” còn người nữ tìm ở ngoài là “ăn nem”. Nội dung chủ yếu của phần lớn nếu không phải là tất cả phim truyện chiếu trên tivi đều chỉ xoay quanh các câu chuyện “ăn cơm, ăn phở, ăn chả hay ăn nem mà thôi” Chẳng hạn bộ phim rất dài hiện đang chiếu trên THVL1 “Đời sống chợ đêm” là điển hình.

 

b/Tôn giáo, triết học và khoa học

 

Ngoài cuộc sống lao động sản xuất, thương mại, xây dựng, học tập và tính dục trong đời sống hàng ngày, một số người còn có những nhu cầu khác về tinh thần như thưởng thức văn hóa nghệ thuật và tìm kiếm một chỗ dựa, một sự an ổn về tinh thần trong tín ngưỡng, tôn giáo, niềm tin về tâm linh từ đó phát sinh triết học và khoa học. Khoa học trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại chưa nhằm mục đích phục vụ sản xuất mà chủ yếu là để giải đáp những thắc mắc con người chưa hiểu được về thế giới chung quanh. Chẳng hạn con người thắc mắc tại sao một vật lại nổi ở trong nước, tại sao có dông bão sấm sét. Tìm kiếm sự giải đáp những thắc mắc đó, Archimède phát minh ra nguyên lý của vật nổi, đó là do sức đẩy của nước, sức đẩy đó bằng với trọng lượng của khối nước bị vật choán chỗ. Từ đó người ta chế tạo tàu thuyền, ngay cả tàu bằng sắt cũng nổi được. Thắc mắc về dông bão dẫn đến khoa khí hậu học, chuyển động của gió do chênh lệch về áp suất và chênh lệch áp suất do chênh lệch về nhiệt độ gây ra và có tính chu kỳ tùy theo mùa, xuân hạ thu đông trong năm, do đó có hiện tượng gió mùa, và người ta có thể gương buồm để tàu chạy theo hướng gió, đến những địa điểm mong muốn theo gió mùa mà không cần động lực nào khác. Thắc mắc về sấm sét dẫn đến phát minh ra dòng điện, đó là một phát minh có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với đời sống của nhân loại. Tóm lại khoa học tìm kiếm sự hiểu biết, ban đầu là những trường hợp riêng lẻ, sau dần dần được hệ thống hóa thành triết học là sự hiểu biết khái quát, chung nhất về thế giới.

 

Cũng trong buổi sơ khai của lịch sử văn minh nhân loại, người ta thắc mắc về những thế lực siêu nhiên như tại sao có thế giới, tại sao có sinh vật, có con người ? Những câu hỏi này quá khó, con người buổi ban sơ không thể nào hiểu nổi, từ đó sinh ra tín ngưỡng thần quyền, cứ cho là do thần thánh, thượng đế hay trời tạo ra. Dưới bậc chúa tể trên còn có rất nhiều thần linh chuyên biệt từng lĩnh vực như thần núi, thần sông, thần đất, thần biển, thần gió…Muốn được yên ổn, con người phải thờ kính các vị thần. Nhưng rồi dần dà trong nhân loại xuất hiện một số nhà tư tưởng các nhà triết học kiệt xuất, họ phát hiện ra các nguyên lý, chính các nguyên lý này vận động, tác động đồng thời lên vật chất và tâm lý của con người để tạo ra cái thế giới, cái xã hội mà con người đang sống. Đó là các bậc thánh nhân trong lịch sử, chẳng hạn Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca.

 

Khổng Tử

 

Là người sáng lập hệ tư tưởng Nho Giáo. Những điểm cốt yếu của Nho Giáo là “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” Tu thân bằng cách thực hành nhân, nghĩa, lễ, trí, tín gọi chung là ngũ thường. Tu thân để giải quyết tốt các mối quan hệ trong gia đình và xã hội được đúc kết thành ngũ luân : đó là quan hệ vua tôi, cha (mẹ) và con, anh (chị) em, vợ chồng, bạn bè. Thế nào là tốt ? Làm tôi thần phải trung với vua, nhưng vua cũng phải anh minh, sáng suốt. Làm con phải hiếu với cha mẹ, nhưng cha mẹ cũng phải hết lòng thương yêu chăm sóc con cái. Anh chị em phải biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Vợ chồng phải biết yêu thương và kính trọng nhau. Bạn bè phải biết tôn trọng và giữ tín nghĩa với nhau. Tề gia là biết cách quản lý gia đình một cách khéo léo tốt đẹp trong đó có tôn ti trật tự, kẻ dưới biết kính trọng người trên mà người trên cũng phải biết nhường nhịn kẻ dưới để có sự hài hòa. Tề gia còn phải biết tạo cho gia đình một nguồn thu nhập ổn định và ngày càng phát triển, nghĩa là người chủ gia đình phải có nghề nghiệp vững chắc, ngày xưa là sĩ, nông, công, thương, binh. Tề gia còn phải giáo dục bồi dưỡng cho các thành viên trong gia đình trở thành người tốt trong xã hội, nam thì thành trượng phu tức là có tài năng và uy tín, nữ thì thành vợ hiền, dâu thảo, trong những gia đình có học vấn cao thì nữ cũng có thể trở thành nữ sĩ, tức là người nữ có học thức sánh ngang với trượng phu. Ngay từ thời Đông Hán cách nay 2000 năm, trong gia đình của Ban Bưu, một sử gia của triều đình, có thể coi là mẫu mực, các con của ông đều là trượng phu và nữ sĩ. Con trai cả là Ban Cố nối nghiệp cha làm sử gia, viết sách Hán Thư, một bộ sách được đánh giá sánh ngang với bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên. Con trai thứ hai là Ban Siêu, một danh tướng, người chinh phục Tây Vực. Sách Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn do Đoàn Thị Điểm dịch có câu :

 

Phận trai già ruổi chiến trường

Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về

 

Con gái, Ban Chiêu là một nữ sĩ, Ban Cố mất lúc chưa kịp hoàn thành sách Hán Thư, Ban Chiêu đã thay anh viết tiếp đến khi hoàn tất. Bà có học vấn uyên thâm nên được cả triều đình kính trọng, thường đến Đông Quan tàng thư các giảng kinh sách cho các quan lại, nho sinh và cả một số học giả như Mã Dung, Mã Tục, tất cả họ đều là nam. Như thế chứng tỏ nữ có học vấn vẫn có địa vị cao trong xã hội. Bà đã viết sách Nữ giới 女誡 để khuyên răn phụ nữ đồng thời cũng đề xuất ý kiến rằng con gái cũng nên được hưởng chế độ giáo dục giống như con trai. Ngày nay thì ý tưởng này là bình thường, nhưng cách nay 2000 năm, đó là một ý tưởng vô cùng tiến bộ, vô cùng cách mạng. Tôi ngưỡng mộ bà đến mức lấy tên của bà là Ban Chiêu đặt tên cho đứa con gái nhỏ của tôi.

 

Người có khả năng tu thân, tề gia thì sẽ tiếp tục làm những việc lớn hơn nữa là trị quốc và bình thiên hạ. Trị quốc là làm cho nước mình được thịnh trị, dân được no ấm, xã hội phát triển. Bình thiên hạ là làm cho thế giới được yên ổn, hòa bình. Ngày xưa Trung Quốc rộng lớn được coi như một thế giới (thiên hạ). Làm cho thế giới đó được an bình thịnh trị như thời hoàng kim của Nghiêu Thuấn là lý tưởng của Nho gia. Họ cũng làm được phần nào trong thời thịnh trị của các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh. Tuy nhiên chỉ có thời kỳ hòa bình kéo dài khoảng hơn 50 năm dưới triều Hán Vũ Đế mới được gọi là Thái bình Trung Quốc (Pax Sinica) tương đương với Thái bình La Mã (Pax Romana) của phương Tây.

 

Lão Tử

 

Là người viết bộ sách Đạo Đức Kinh chỉ có khoảng 5000 từ, trình bày tập trung các tư tưởng chỉ đạo giúp cho con người có đời sống khỏe mạnh, gần với tự nhiên, ai cũng được sống cuộc sống của riêng mình một cách thoải mái, không phải gò bó trong lễ nghi phép tắc của Nho giáo nhưng vẫn lành mạnh an bình. Để giải thích nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, ông nói : Thiên hạ vạn vật sinh ư Hữu; Hữu sinh ư Vô. 天下萬物生於有, 有生於無. Thiên hạ vạn vật được sinh ra từ chỗ hữu hình, sự vật hữu hình được sinh ra từ chỗ vô hình. Đạo là vô hình nhưng “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”. Nhất có thể hiểu là các hạt cơ bản hạ nguyên tử như quark, electron, những vật thể này được diễn tả như sau : “Hốt hề, hoảng hề, kỳ trung hữu tượng, hoảng hề, hốt hề, kỳ trung hữu vật” 忽兮恍兮,其中有像;怳兮忽兮,其中有物  (trong hốt hoảng có hiện tượng, trong hoảng hốt có vật chất). Hốt hoảng chính là những vật thể bất định xứ như quark, electron. Nhị có thể hiểu là các vật thể thứ cấp do 3 hạt quark tạo ra như proton, neutron, hạt nhân nguyên tử. Tam là nguyên tử, viên gạch cơ bản để tạo ra vạn vật bao gồm vũ trụ, thiên hà, thiên thể, sinh vật.

 

Về mặt chính trị, Lão Tử chủ trương vô vi nhi trị. Ngã vô vi nhi dân tự hoá 我無爲而民自化 ngã hiếu tĩnh nhi dân tự chính 我好静而民自正 ngã vô sự nhi dân tự phú 我無事而民自富 ngã vô dục nhi dân tự phác 我無欲而民自樸 (Ta không làm gì mà dân tự biến đổi thành hiền lương, ta thích yên tĩnh mà dân tự làm đúng, ta không làm gì mà dân tự giàu, ta không ham muốn mà dân tự chất phác). Vô vi là không làm theo tư dục mà để cho thiên chân hướng dẫn, nên tuy nói là không làm nhưng không có gì là không thực hiện được đến mức hoàn thiện.

 

Về mặt đạo lý, ông nói “Thượng sĩ văn Đạo, cần nhi hành chi. Trung sĩ văn Đạo, nhược tồn nhược vong; hạ sĩ văn Đạo, đại tiếu chi. Bất tiếu, bất túc dĩ vi đạo 上士聞道, 勤而行之; 中士聞道, 若存若亡; 下士聞道, 大笑之. 不笑, 不足以爲道  (Bậc thượng nghe Đạo chuyên cần thực hành, bậc trung nghe Đạo, nửa tin nửa ngờ, bậc hạ nghe Đạo liền cười lớn. Không cười cũng không đủ là Đạo).

 

Dân tộc Kogi ở Nam Mỹ chính là một mô hình hiện thực của Lão Tử. Họ sống biệt lập trong rừng sâu nhưng vẫn hiểu biết rõ ràng về thế giới văn minh bên ngoài. Họ sống khỏe mạnh, chất phác, ít bệnh tật, không có tư hữu, không có tư dục, cuộc sống không cần nhiều tiện nghi vật chất nhưng rất bình an hạnh phúc và hòa bình. Họ gởi một thông điệp cuối cùng cho loài người “văn minh” báo động nguy cơ diệt vong của thế giới, vì con người quá nhiều tham dục và thiếu hiểu biết đích thực, họ chỉ có kiến thức nông cạn và mâu thuẫn, mong họ thức tỉnh.

 

Bộ tộc Kogi – Lấy tư cách người anh gửi thông điệp cho các em

 

https://www.youtube.com/watch?v=HkQ5TzQX1fA

http://thuvienhoasen.org/a18132/thong-diep-cua-nguoi-kogi-den-loai-nguoi

 

Trong thời của Lão Tử, ông chưa biết Phật giáo vì chưa được truyền đến, nếu biết tới thế giới Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà, tôi tin là ông cũng sẽ hoan hỉ tán đồng, đó cũng chính là mô hình lý tưởng của Lão Tử, một cõi giới rất bình an, không có bạo lực, không cần tới chính quyền, đó mới đích thực là ý nghĩa của câu Ngã vô vi nhi dân tự hóa 我無爲而民自化. Cư dân của cõi Tây phương này luôn tự biết tu hành để giác ngộ.

 

Thích Ca

 

Là người sáng lập ra Phật giáo, Đức Phật Thích Ca là một con người bình thường như những người khác, không phải do thần khải, sau quá trình tu hành chứng ngộ, thấy được sự thật rốt ráo của thế giới, mới đứng lên chỉ dạy cho những người khác nhìn thấy như mình, tức là thấy cái chân diện mục trước khi cha mẹ sinh ra, đó là cứu cánh của Đạo Phật, tu hành thành Phật chẳng qua là tự mình thấy được chân lý đó mà thôi. Đây là một nhận thức khoa học cực cao (vô thượng chánh đẳng chánh giác) mà trình độ khoa học của thế giới ngày nay cũng chưa với tới.

 

Sự phát triển của Đạo Phật là con đường dài mang tính khoa học. Sau khi Phật nhập diệt 3 tháng thì các tu sĩ  tổ chức cuộc Kết tập Kinh điển lần thứ nhất với khoảng 500 tu sĩ tại ngoại thành Vương Xá (Rajagaha) do Đại Ca Diếp chủ trì, A Nan đọc lại bài giảng, Ưu Bà Ly đọc các giới luật. Thời Đức Phật, tại Ấn Độ, mặc dù đã có văn tự Vedic của giới quý tộc, và có lần hai Đại Đức Yamelu và Tekula xin phép Phật cho ghi chép bài giảng bằng văn tự nói trên nhưng Phật không đồng ý, vì kinh điển chỉ là phương tiện, e rằng người tu cứ bám chặt vào phương tiện mà quên mất cứu cánh, nên các bài giảng của Phật chỉ được các tu sĩ ghi nhớ thuộc lòng và truyền khẩu cho nhau mà thôi. Sau này Thiền tông Trung Quốc cũng chủ trương “bất lập văn tự”. Phật dùng tiếng Magadhi (Ma Kiệt Đà) là thứ tiếng thông dụng của vương quốc Ma Kiệt Đà để giảng, các đệ tử thấu hiểu và giảng lại cho tín đồ bằng nhiều ngôn ngữ địa phương của họ. Kết tập tức là gom lại, cùng nhau tụng đọc, rà soát lại cho thống nhất. Sau lần kết tập này, Kinh Tạng và Luật Tạng được đúc kết. Kinh Tạng có bốn bộ : Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ và Tăng Chi Bộ.

 

Một trăm năm sau, cuộc Kết tập Kinh điển lần thứ hai được tổ chức với khoảng 700 tu sĩ tại thành Vesali (Tỳ Xá Ly) và Vajji (Bạc Kỳ). Lần này Kinh Tạng có thêm Tiểu Bộ. Luật Tạng được giữ nguyên với 10 giới luật căn bản. Trong lần kết tập này có sự bất đồng giữa hai khuynh hướng, một là bảo thủ, giữ nguyên giới luật như nguyên thủy, đó là khuynh hướng của Trưởng Lão Thuyết Bộ (Sthaviravada), khuynh hướng thứ hai là cải cách về giới luật của Đại Chúng Bộ (Mahasanghika).

 

130 năm sau nữa, dưới thời vua A Dục (Asoka 268-232 trước CN), Đại hội Kết tập kinh điển lần thứ 3 được triệu tập với khoảng 1000 tu sĩ do ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Moggaliputta Tissa) chủ trì. Kinh Tạng vẫn là 5 Bộ kinh như hai lần kết tập trước, nhưng có tách riêng một số bài giảng của Phật về tâm lý, thể tính và sự tướng của vạn pháp, hình thành Thắng Pháp Tạng còn gọi Vi Diệu Pháp hay Luận Tạng. Còn Luật Tạng được phái Trưởng Lão Thuyết chấn chỉnh chút ít, cơ bản là giữ nguyên. Cả hai khuynh hướng Trưởng Lão Thuyết và Đại Chúng đều phân hoá thành nhiều tông phái. Vua A Dục rất sùng tín Phật giáo, đã gởi nhiều phái đoàn đi các nơi truyền giáo trong số đó có Đại Đức Mahinda là hoàng tử của vua, cùng với 4 tu sĩ khác, sang đảo Tích Lan (nay là Sri Lanka) hoằng pháp. Mahinda được vua nước Tích Lan giúp đỡ xây dựng chùa Đại Tự Viện (Mahavihara), từ đây phát triển thành phái Đại Tự Viện. Theo truyền thuyết Mahinda (Mahoda) có tới nước Văn Lang của triều đại Hùng Vương thứ 18 vào năm 240 trước CN và có truyền pháp cho Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa. (Nên nhớ rằng niên đại trong cổ sử có sai sót, triều đại Hùng Vương không phải kết thúc vào năm 258 trước CN mà đúng ra là kết thúc năm 208 trước CN, nên năm 240 trước CN vẫn còn là triều đại Hùng Vương)

 

Vào khoảng hai thập niên cuối cùng (năm -20) trước khi bước vào Công nguyên, khoảng 500 tu sĩ của phái Đại Tự Viện họp lại, do vua Vattagamani triệu tập, tổ chức cuộc Kết tập kinh điển lần thứ 4, tại Tích Lan. Một điểm hết sức đặc biệt là trong lần kết tập này, kinh điển sau 500 năm truyền khẩu, lần đầu tiên được viết thành văn bản trên lá bối. Đó là bước đầu hình thành Tam Tạng Kinh, gồm có Kinh Tạng với 5 Bộ Kinh lớn như nói trên, riêng Tiểu Bộ có 15 quyển. Luật Tạng gồm 5 quyển : Căn bản giới, Tiểu giới, Đại phẩm, Tiểu phẩm, Yết ma và Truyền pháp giới. Tạng thứ ba là Thắng Pháp Tạng hay Luận Tạng (Adbidamma Pitaka_A Tỳ Đàm hay A Tỳ Đạt Ma) gồm 7 bộ căn bản. Ngôn ngữ được dùng để ghi chép là tiếng Pali, vốn là ngôn ngữ Paishachi ở phía Tây Ấn Độ, phát triển thành tiếng Pali sử dụng phổ biến trên cao nguyên Decan và Nam Ấn , cũng là ngôn ngữ của Mahinda đến Tích Lan từ mấy trăm năm trước. Đây là kinh điển Phật giáo nguyên thủy (Theravada) thuộc truyền thống Nam Tông, được truyền bá ở các nước phía nam nên còn gọi là Nam Truyền, như  Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Kampuchia, phía nam Việt Nam.

 

Sau cuộc kết tập kinh điển lần thứ 2, phái Đại Chúng bắt đầu phát triển, đến cuộc kết tập lần thứ 3, tức hơn 200 năm sau khi Phật nhập diệt, thì phái này đã lan rộng tại nhiều vùng của Ấn Độ và phân hóa ra nhiều tông phái. Thời kỳ đầu, các tông phái đều sử dụng kinh điển A Hàm (Agama) bằng ngôn ngữ Sanskrit ( Bắc Phạn) gồm 4 bộ kinh là : Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, Tạp A Hàm. 4 bộ A Hàm này tương ứng với 4 Bộ Kinh của Nam Tông là Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi Bộ và Tương Ưng Bộ, (không có bộ kinh tương ứng với Tiểu Bộ của Nam Tông), nội dung có một số sửa đổi để hàm chứa tư tưởng Đại Thừa (Mahayana). Đến thế kỷ thứ nhất Công nguyên, kinh điển Đại Thừa do các đại sư danh tiếng luận giải đã xuất hiện nhiều và có hệ thống, kéo dài 4 thế kỷ, như các ngài Mã Minh, Long Thọ, Long Trí, Đề Bà, Vô Trước, Thế Thân…, nhưng những bộ kinh thời kỳ đầu như  Kinh Duy Ma Cật, Liễu Ba La Mật, Bồ Tát Tạng, Tam Pháp Kinh… bằng tiếng Sanskrit đã thất truyền chỉ còn bản dịch Hán ngữ  (trong Hán Tạng). Cùng thời gian đó, Phật giáo Đại Thừa đã truyền sang Trung Quốc, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho Phật giáo.

 

Nhiều nhà sư Ấn Độ đã sang Trung Quốc, thông thạo chữ Hán và dịch nhiều bộ kinh như : Phật Đà Da Xá (Buddhayasas) và Trúc Phật Niệm dịch Trường A Hàm; Cồ Đàm Tăng Già Đề Bà ( Gotama Sanghadeva) và Đạo Tổ dịch Trung A Hàm và Tăng Nhất A Hàm; Cầu Na Bạt Đà La (Gunabhadra) dịch Tạp A Hàm; Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) cùng với Tăng Triệu dịch Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh và rất nhiều kinh khác… Đến thế kỷ thứ 6 Công nguyên, Tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Quốc truyền đạo, mở đầu cho Thiền Trung Hoa trong đó nổi bật là Lục tổ Huệ Năng. Người Trung Hoa vốn rất tự hào về tư tưởng triết học của mình với Bách gia Chư tử, tuy nhiên từ lâu họ đã thừa nhận triết học Trung Hoa không thể sánh bằng Phật học xuất phát từ Ấn Độ. Nhiều nhà sư Trung Quốc như Pháp Hiển, Huyền Trang, Nghĩa Tịnh,… sang Ấn Độ thỉnh kinh, đem về phiên dịch sang Hán ngữ. Huyền Trang đã tổ chức một đạo tràng dịch kinh rất qui mô và chặt chẽ gồm 12 vị cao tăng thạc học để chứng nghĩa, ghi chép, kiểm tra, hiệu đính. Ngày nay kho tàng kinh điển Phật học Trung Hoa gọi chung là Hán Tạng có thể nói là hoàn bị và phong phú bậc nhất trên thế giới. Hán Tạng không phải chỉ được ấn hành ở Trung Quốc và Đài Loan, mà cả ở Nhật Bản (như bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh in tại Tolyo từ 1924-1934). Hán Tạng đầy đủ hơn Tam Tạng Kinh Pali vì chứa đựng thêm rất nhiều kinh điển Đại Thừa, Luật Tạng Hán cũng có nhiều bộ kinh khác ngoài 5 quyển căn bản của Luật Tạng Pali. Hán Tạng cũng đầy đủ hơn Sanskrit Tạng, vì khi Phật giáo Ấn Độ suy vi, một số kinh bằng ngôn ngữ Sanskrit bị thất truyền nhưng bản dịch vẫn còn trong Hán Tạng, kể cả Tiểu Bộ của Nam Tông không có trong Sanskrit Tạng nhưng vẫn có trong Hán Tạng. Ngoài ra nhiều bộ kinh mới của các Đại sư Trung Hoa như Pháp Bảo Đàn Kinh do đệ tử của Huệ Năng soạn, Triệu Luận của Tăng Triệu, Đại Huệ Ngữ Lục, Thần Hội Ngữ Lục, Tham Thiền Cảnh Ngữ, Truyền Đăng Lục, Truyền Tâm Pháp Yếu, Lai Quả Thiền Sư Thiền Thất Khai Thị Lục, Bích Nham Lục…chỉ có trong Hán Tạng.

 

Nhiều người nghi ngờ kinh điển Đại Thừa không phải do chính Đức Phật thuyết. Chúng ta thấy rằng qua các cuộc kết tập kinh điển, ban đầu chưa có Luận Tạng, nhưng kể từ cuộc kết tập lần thứ ba, Luận Tạng đã được tách riêng ra từ Kinh Tạng. Đến cuộc kết tập lần thứ tư thì kinh điển bắt đầu được ghi chép thành văn tự, Luận Tạng được viết thành 7 bộ cơ bản trong đó có Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Về sau các Tổ Sư giác ngộ đã phát triển Luận Tạng thành rất nhiều bộ kinh mới.

 

Lược qua lịch sử phát triển của Phật giáo để thấy Đạo Phật phát triển như một khoa học, có rất nhiều kinh điển để thích ứng với nhiều loại căn cơ khác nhau của con người, đó cũng là một đặc tính khoa học của Phật giáo. Thắng Pháp hay Vi Diệu Pháp đề cập tới nhiều lĩnh vực khoa học siêu việt không gian, thời gian. Chẳng hạn Phật giáo nhận thức rằng thế giới chỉ là ảo hóa chứ không phải thật. Cuộc sống hiện thực của chúng ta chỉ là “mở mắt chiêm bao”, thường chúng ta chỉ tin rằng đêm ngủ nằm mơ mới là chiêm bao, còn ban ngày là thật, kể cả các khoa học gia lừng lẫy như Einstein đều tin thế giới là có thật, chỉ có bậc thánh trí như Đức Phật hay các vị Tổ Sư mới hiểu thế giới cũng chỉ là ảo hóa. Tuy nhiên các ngài không chấp, bởi vì thế giới không phải thật, cũng không phải là không thật, không thể chấp vào chỗ nào được, vì vậy trong kinh mới nói: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” không có chỗ trụ mới ngộ được cái tâm bản lai vốn sẵn có trước khi cha mẹ sinh ra. Cuối thế kỷ 20 khi con người phát minh ra máy tính (computer), đó là một chứng minh rất cụ thể cho nhận thức trên của Phật giáo, rõ ràng chỉ với 2 trạng thái khác nhau của dòng điện (ngắt hay đóng), tương ứng với 2 con số rất đơn giản là 0 và 1, người ta tạo ra vô số hiện tượng như âm thanh, hình ảnh, màu sắc, sáng tối…trên máy vi tính, các tín hiệu truyền đi xa dễ dàng qua mạng internet khiến chúng ta có thể nhìn thấy và nói chuyện được dễ dàng và rẻ tiền với những người quen hay bà con ở những nơi xa xôi trên trái đất. Bản chất của hiện tượng là không thật nhưng hiện tượng lại rất thật, bởi vậy không thể chấp bên nào được. Thế giới bên ngoài cũng tương tự như không gian máy vi tính vậy, nhưng ở một cấp độ phức tạp, cao siêu hơn, khoa học đang dần dần khám phá.

 

Trong “Bát nhã ba la mật đa tâm kinh” có câu :

 

Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc 色 不 異 空. 空 不 異 色.色 即  是空. 空 即  是 色.

 

Đó là diễn tả rõ ràng bản chất vốn là một, của các cặp phạm trù mâu thuẫn trong vũ trụ vạn vật, mà trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại chưa hiểu rõ lắm, tuy nhiên khi khoa học đã biến đổi được vất chất thành năng lượng (ví dụ các nhà máy điện nguyên tử) và ngược lại biến năng lượng thành vật chất ( qua thí nghiệm) thì đã hiểu được phần nào ý nghĩa của câu trên, nhưng chưa đạt tới cùng tột.

 

Về vũ trụ quan, khoa học chỉ mới biết tới vũ trụ hữu hình mức độ thường nghiệm ( tương ứng với Dục giới trong Phật giáo) và vũ trụ hữu hình mức độ vi tế như sóng vô tuyến điện, sóng siêu âm, các tia ánh sáng mà mắt thường không thể nhìn thấy, tai không thể nghe được nhưng vẫn hiện hữu  ( tương ứng với Sắc giới) nhưng đối với vũ trụ vô hình là thế giới tinh thần ( tương ứng với Vô Sắc giới, chúng sinh không có thân thể chỉ có tinh thần) thì khoa học đành chịu, không cách nào tiếp xúc được. Trong khi đó Vi Diệu Pháp của Phật đã đề cập tới Tam giới gồm 3 cảnh giới kể trên.

 

Tại sao các nhà khoa học với nhiều công cụ hiện đại mà vẫn chưa hiểu mấy về vũ tru, trong khi Đức Phật sống cách nay hơn 2500 năm, không có công cụ gì trong tay, lại hiểu thấu ? Đó là vì Phật là bậc thánh trí giác ngộ, đã chứng được toàn bộ bí mật của vũ trụ, không nằm ngoài cái Tâm bản nhiên của vũ trụ pháp giới. Phật giáo nói rõ “Vạn pháp duy Tâm”. Chữ Tâm này không phải đối lập với Vật bởi vì nếu đối lập thì còn vướng trong tương đối, mà Tâm thật ra là bao trùm cả cái Tâm của con người (chủ thể nhận thức) và Vật (đối tượng của nhận thức) thống nhất trong một thực thể duy nhất, bất biến, vĩnh cửu, đó là Tâm, là Phật, là Bản lai diện mục, là Thượng Đế, cũng chính là Vũ trụ, Pháp giới. Đó là điều chỉ có thể chứng ngộ mà không thể lý giải, bởi vì khi lý giải thì đã phân biệt chủ thể và đối tượng của lý giải, tức đã rơi vào tương đối thì không thể thấy trọn vẹn được. Các vị sư giác ngộ đã thân chứng cái Tâm ấy, đạt tới cảnh giới sinh tử tự do, diệu dụng được thần thông, nhưng không thể nói cho người khác biết được, cố diễn tả cũng chỉ gây ra hiểu lầm mà thôi, cho nên các ngài chỉ dùng ngôn ngữ thiền phi lô gích để thăm dò mức độ kiến tánh của các vị tăng mà người chưa ngộ thì chẳng thể hiểu được. Nhưng để người đời có chỗ đặt lòng tin, đôi khi các ngài lưu lại nhục thân bất hoại của chính mình để làm tin. Chẳng hạn nhục thân của Lục Tổ Huệ Năng sống vào đời Đường, hiện vẫn còn lưu giữ tại chùa Nam Hoa Quảng Châu Trung Quốc. 1300 năm đã trôi qua mà nhục thân vẫn không hư hoại, không cần bất cứ biện pháp nào để bảo quản.

 

Khả năng phi thường của các nhà đặc dị công năng hiện đại như Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý, Nghiêm Tân, giúp chúng ta hiểu được tại sao trong tay Thích Ca không có công cụ gì mà hiểu được thế giới vượt rất xa các nhà khoa học hiện đại, đó là vì đã chứng nghiệm vạn pháp duy tâm. Đó không phải chỉ là nói suông mà thực sự làm được những điều không thể tưởng tượng nổi (bất khả tư nghị) chẳng hạn Phật A Di Đà thiết lập cả một cõi giới Tây phương Cực lạc vô cùng vĩ đại. Những người mang danh trí thức thường không dám tin là có thế giới đó. Lý do là vì họ chưa hiểu Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Trên trần gian cũng đã từng có người đến được thế giới đó.

 

Du ký Tây phương cảnh giới của Pháp sư Khoan Tịnh

http://tuyenphap.com/

 

Công nghệ thông tin ngày nay cũng đã hé lộ cho chúng ta thấy khả năng kỳ diệu của thế giới ảo, giúp chúng ta đạt được những công năng mà vài thập niên trước không thể tưởng tượng nổi, như voice chat, video chat qua mạng internet, thực hiện được công dụng bất định xứ của lượng tử với những công cụ như smartphone. Chúng ta còn hi vọng trong tương lai sẽ thực hiện được vô tuyến vận tải (télétransportation) và sử dụng được năng lượng xanh sạch không giới hạn.

 

Kết luận 

 

Con người sống trong xã hội phải lo lao động kiếm sống là việc đương nhiên. Họ có thể làm việc trong mọi ngành hoạt động của xã hội như công nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng,  văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, y tế, quản lý nhà nước…Trong cuộc sống họ cần phải có gia đình, bạn bè, xã hội cũng là đương nhiên, họ thuộc về dân tộc này hay quốc gia kia, chịu ảnh hưởng của một nền văn hóa truyền thống nào đó, đó là hiện thực xã hội. Và họ cần phải ăn uống, mặc, ở, có nhà cửa, phương tiện sinh hoạt, có cuộc sống vợ chồng, sinh hoạt tính dục, sinh con đẻ cái, giải trí, ca hát v.v… Tất cả những sự việc đó đều nằm trong phạm trù gọi là nhân sinh tức là đời sống con người. Nhưng cuộc nhân sinh không phải chỉ có bấy nhiêu, có những phạm trù khác chuyên sâu hơn, chỉ một số ít người có điều kiện theo đuổi. Đó là nhận thức về triết học, khoa học và tôn giáo. Mặc dù đa số con người trong xã hội đều có thể có tín ngưỡng và tôn giáo riêng của mình, nhưng thật ra là hữu danh vô thực, họ có thể có niềm tin cuồng tín nào đó nhưng không thật sự hiểu sâu về các lĩnh vực triết học, khoa học và tôn giáo đích thực. Tại sao ư ? Tại vì họ không hiểu được tại sao có thế giới, bản chất thế giới đó là gì, thế giới đó bắt đầu từ đâu và kết thúc ra sao, có khả năng điều khiển được thế giới đó không ? Những câu hỏi này được nêu lên vì một thực tế là con người có nhiều cảnh khổ quá : sinh lão bệnh tử, chiến tranh, loạn ly, áp bức, bất công, thiếu dân chủ, thiên tai như dông bão, lụt lội, núi lửa, động đất, sóng thần không ngừng đe dọa. Cuộc sống của con người không được bình yên, luôn có xáo trộn. Tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào, không có cách nào đảm bảo để đối phó được. Mặc dù ngày nay khoa học đã phát triển khá cao, đã sản xuất chế tạo nhiều tiện nghi làm cho đời sống dễ chịu hơn, tuổi thọ kéo dài hơn, nhưng cuộc sống hạnh phúc của nhân loại cũng chưa có gì đảm bảo. Hàng ngày theo dõi tin tức thế giới vẫn thấy đầy dẫy thiên tai, nhân họa, xáo trộn, bất an, bạo lực lan tràn, kinh tế bất ổn…

 

Các bậc thánh trí như Khổng, Lão, Phật, đã chỉ ra nhiều đạo lý giải đáp các câu hỏi trên để đem lại bình ổn cho xã hội loài người, nhưng thực hiện được hay không là do đông đảo quần chúng có hiểu và nghiêm chỉnh thực hành hay không. Riêng trong Phật giáo, hàng ngũ xuất gia là những người tự nguyện làm mẫu mực, họ phải nghiêm chỉnh thi hành rất nhiều giới luật để làm điển hình cho đời sống đạo hạnh nhằm hướng tới giác ngộ. Còn các Phật tử tại gia bình thường cũng phải giữ gìn ít nhất là ngũ giới bao gồm :

 

1/- Không sát sinh,

2/- Không trộm cướp,

3/- Không tà dâm,

4/- Không nói dối hại người

5/- Không sử dụng ma túy hay chất gây nghiện.

 

Để tránh sát sinh, Phật tử không được làm nghề chăn nuôi giết thịt, không làm nghề đánh bắt thủy hải sản, không được buôn bán gia súc gia cầm hay các sinh vật khác. Tự mình phải ăn chay và khuyến khích cả gia đình mình cùng ăn chay, bởi vì không ăn chay thì làm sao tránh được sát sinh ?

 

Không trộm cướp là một giới luật phù hợp với luật pháp thế gian, nên Phật tử càng phải gương mẫu hơn các thành viên khác trong cộng đồng.

 

Không tà dâm tức là không được quan hệ tính dục với bất cứ ai ngoài người hôn phối của mình. Tức là chỉ được “ăn cơm” không được “ăn phở” dù là đối tượng có tự nguyện. Không bao giờ được phép “ăn chả” hay “ăn nem”.

 

Không nói dối hại người để làm lợi cho mình. Đôi khi không nói thật chỉ là phương cách để giúp người, không phải hại người thì không phạm giới.

 

Không sử dụng ma túy hay chất gây nghiện khác như rượu bia, thuốc lá. Thật ra nếu hoàn toàn làm chủ được mình, trong những dịp lễ tết, liên hoan, uống một hai chung rượu, một hai ly bia cũng không phải tuyệt đối cấm, nhưng không được phép uống nhiều đến say xỉn.

 

Giới luật không cấm người tại gia xem phim, nghe ca hát hay thưởng thức văn nghệ, nhưng Phật tử cũng nên biết hạn chế, chỉ giải trí chút đỉnh, không được đam mê chạy theo âm thanh sắc tướng quá nhiều. Thực tế có những ca sĩ về già đã từ bỏ ca hát làm ni cô như  Lý Na, hoặc ca sĩ Phật tử chưa xuất gia, nhưng bớt hát tình ca, chuyển sang hát nhạc kinh như Mạnh Đình Vy. Về phía nghệ sĩ Việt Nam cũng có vài người trở thành Phật tử như Bạch Tuyết, Thanh Kim Huệ.

 

Thực hành giới luật cũng tức là tu, thay đổi nhận thức của mình về thế giới, hạn chế bớt nhu cầu, không chạy theo dục lạc, tiền tài, danh vọng, hướng về sự thanh tĩnh, đem lại sự an tâm cho mình và góp phần làm cho thế giới thanh tịnh hơn. Đó là những phương cách thực tiễn để góp phần xây dựng hòa bình thế giới.

 

Truyền Bình

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập