Vai Trò Của Nữ Giới Thông Qua 10 Đại Thọ Trong Kinh Thắng Man

Đã đọc: 2147           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đức Thế Tôn có thể được xem là người đầu tiên tiên phong trong việc thực hiện bình đẳng giới. Cần đáng lưu ý hơn nữa, Ngài làm việc đó trong xã hội Ấn Độ cổ đại – mà nói chính xác hơn là trong Cộng hòa Liên bang Ấn Độ cổ đại – vào thời điểm mà những định kiến sâu sắc kia chưa có cơ hội để được tháo gỡ, được xoa dịu.

Mùng 08 tháng 02 năm Canh Tý, PL: 2563 vừa qua chư Ni đã tiến hành đại lễ tưởng niệm vía Xuất Gia của đức Thế Tôn đồng thời cử hành lễ tưởng niệm đức Thánh tổ Ni Đại Ái Đạo. Ngày 08/03/2020 sắp đến là ngày Quốc tế Phụ nữ. Nhân hai sự kiện này, chúng tôi xin được viết vài dòng về người phụ nữ theo tinh thần Phật giáo qua 10 đại thọ của Thắng Man phu nhân.

  1. I.                    PHỤ NỮ GIỮA XÃ HỘI

Như chúng ta đã biết, phụ nữ từ xưa cho đến nay (vẫn còn tồn đọng) không được bình đẳng trước nam giới. Họ chịu nhiều thiệt thòi, chịu nhiều ràng buộc, chịu nhiều áp bức,… Mặc dù ngày nay, xã hội văn minh phát triển, nhưng sự bất công giữa giới tính vẫn còn tồn tại ở một số quốc gia, một số ý thức hệ, một số nền văn hóa, phong tục, tập quán và tôn giáo.

Người phụ nữ được xem là công cụ, là tài sản, là bộ máy sinh đẻ, là đóng khung cuộc đời trong bốn bức tường của gia đình. Hạn hẹp hơn, cái không gian của người phụ nữ chỉ gò bó trong xó bếp mà thôi. Tư tưởng được xem là phổ biến rộng rãi nhất đối với nền văn hóa truyền thống Á Châu chính là “Tam tòng”: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Cũng bởi chính hệ tư tưởng này, mà người phụ nữ bị giới hạn sự cống hiến, giới hạn sự phát huy tài năng, giới hạn luôn cả những vị trí, vai trò và quyền hạn. Những minh chứng sống động qua những trang sử vàng cho thấy, không phải người phụ nữ không đủ khả năng thực hiện được những trọng trách, mà là do định kiến tự bao đời đè nặng lên người phụ nữ khiến họ trở nên yếu đuối. Điều này dẫn đến, số đông người phụ nữ cam chịu và xem như là một sự thật không thể thay đổi.

  1. II.                  PHỤ NỮ DƯỚI CON MẮT CỦA ĐỨC THẾ TÔN

Đức Thế Tôn có thể được xem là người đầu tiên tiên phong trong việc thực hiện bình đẳng giới. Cần đáng lưu ý hơn nữa, Ngài làm việc đó trong xã hội Ấn Độ cổ đại – mà nói chính xác hơn là trong Cộng hòa Liên bang Ấn Độ cổ đại – vào thời điểm mà những định kiến sâu sắc kia chưa có cơ hội để được tháo gỡ, được xoa dịu.

Sự bất bình đẳng trong xã hội Ấn Độ được hình thành thông qua đạo luật Manu của hệ tư tưởng Bà-la-môn giáo. Hệ tư tưởng này phát triển, duy trì, củng cố và bất khả xâm phạm bởi sự bảo hộ của hai giai cấp thượng đẳng là Bà-la-môn – giai cấp thống trị về tư tưởng và đời sống tâm linh cùng Sát-đế-lợi – giai cấp thống trị về chính trị và kinh tế. Chịu sự áp bức mà không có cơ hội phản kháng bởi vì đức tin mù quáng đây là sự sắp đặt của Thượng đế, sự mặc khải, sự an bày đó chính là hai giai cấp hạ đẳng. Hai giai cấp này chiếm đại đa số có nhiệm vụ phục vụ cho hai giai cấp cầm quyền. Phệ-xá – giai cấp bao gồm tất cả các tầng lớp trong chúng dân với các ngành nghề sĩ, nông, công thương. Giai cấp cùng đinh nhất là giai cấp Thủ-đà-la – giai cấp nô lệ với sự ấn định cả cuộc đời là tài sản của những giai cấp còn lại, không có quyền con người, không có quyền lên tiếng.

Tuy nhiên, Thủ-đà-la còn được may mắn khi có cơ hội được xếp vào “giai cấp”. Còn đối với Chiên-đà-la họ không có được may mắn này. Đây là nhóm đối tượng ti tiện, đê hèn, dơ bẩn từ thể xác đến tâm hồn, giai cấp mạt hạng, ngang loài cầm thú; đến mức độ, họ giẫm lên cái bóng của những giai cấp trên cũng là điều không thể nào chấp nhận được trong con mắt của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.

Đây là đối với người nam. Còn người nữ? Dĩ nhiên, họ còn xếp sau những cái được gọi là “giai cấp”.

Ấy vậy mà, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, người phụ nữ được thăng hoa nhân phẩm, được thăng tiến địa vị, được đưa lên những nấc thang cao đẹp trong đời sống và tâm hồn – sự kiến đức Toàn Giác chấp thuận thành lập giáo đoàn Ni.

Vấn đề được đặt ra là tại sao lại hình thành giáo đoàn Ni với Bát kỉnh pháp? Có phải đức Thiện Thệ vẫn còn chút gì đó gọi là bất bình đẳng chăng?

Nhân đây, bằng kiến giải cá nhân, chúng tôi xin đưa ra vài nhận định (không xứng đáng và không thể nào xứng đáng so với trí tuệ siêu việt của Ngài) về vấn đề Bát kỉnh pháp.

  1. Đối tượng xuất gia vào thời điểm lúc bấy giờ là lệnh bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề - di mẫu của Thái tử Tất-đạt-đa, vợ thứ của Vua Tịnh Phạn cùng 500 vị hoàng hậu, thứ phi, công chúa, hoàng thân quốc thích – những đối tượng quyền lực trong giai tầng cầm quyền về chính trị và kinh tế. Như vậy, với đời sống xuất gia trong tập thể không có những đặc quyền cho các giai cấp thống trị, mà chỉ có sự đối đãi thế gian dưới cán cân của thành tựu tu tập thì việc phòng ngừa tập khí thị uy, ra lệnh, quyền hành, ăn trên ngồi trước của đối tượng nữ xuất gia đầu tiên này là điều vô cùng cần thiết.

Chính những giới điều trong Bát kỉnh pháp đã hỗ trợ người nữ bỏ đi cái “tôi” và cái “của tôi” vốn dĩ ăn sâu vào tâm thức đến mức không dễ để có thể chuyển hóa một sớm, một chiều. Họ có cơ hội thực tập và được nhắc nhở nhiều hơn để hoàn thành con đường thanh tịnh thân tâm khi gia nhập giáo đoàn của đức Tối Thắng.

  1. Khi hình thành hệ thống Ni đoàn, việc cùng sống chung và cùng thực tập theo lời dạy của đức Như Lai; hay nói các khác là việc quản trị nhân sự cũng là việc cần lưu tâm đến. Đức Đại Hùng luôn luôn nhấn mạnh về việc diệt Ái Dục – vì đây được xem là nhân đưa đẩy chúng sanh trong vòng luân hồi sanh tử. Như vậy, khi thành lập Ni giới được xem là cơ hội để chúng ngoại đạo xuyên tạc, châm biếm, khiêu khích và lăng mạ giáo pháp của Phật. Do đó, nhằm hạn chế những tác động không hay từ nội tại đến ngoại tại trong quyết định thành lập Ni bộ, đức Thế Tôn đã uyển chuyển, khéo léo giao phó trọng trách bảo vệ Ni giới cho Tăng đoàn với tư cách của một người cha, người chú đối với người con, người cháu của mình.

Ni bộ xem Tăng bộ như nơi nương tựa tâm linh ở hàng trưởng thượng. Tăng chúng xem Ni chúng là đối tượng cần dìu dắt, nâng đỡ vị đó là thế hệ “cháu, con” trong ngôi nhà chung của đức Như Lai. Chính ý thức hệ này đã hỗ trợ đắc lực cho việc gìn giữ mối quan hệ giữa Nhị bộ vừa thanh tịnh, vừa đoàn kết, vừa tương hỗ, vừa độc lập… Đây được xem là nghệ thuật tài tình trong việc quản trị của đức Như Lai.

Như vậy, người phụ nữ trong con mắt của đức Tối Thắng có đầy đủ các quyền bình đẳng: bình đẳng về giai cấp, bình đẳng về vị trí, bình đẳng về vai trò,… và quan trọng nhất là bình đẳng về sự chứng đắc trong giáo Pháp của Ngài. Bởi vì, như bao chúng sanh khác, người phụ nữ vẫn đầy đủ Phật tính thường hằng bất thối chuyển.

  1. III.                NGƯỜI PHỤ NỮ VÀ 10 ĐẠI THỌ CỦA THẮNG MAN PHU NHÂN

Thắng Man phu nhân có thể được xem là biểu tượng tinh hoa nhất trong giáo lý Phật giáo nói chung và hệ thống Giáo lý Đại thừa nói riêng. Bởi vì, Thắng Man phu nhân đã chứng đắc Thánh quả, được đức Thế Tôn thọ ký thành Phật, nương vào oai lực của đức Thế Tôn để tuyên thuyết, tán dương Nhất thừa với hình tướng của một người Nữ cư sĩ. Xin được lưu ý đặc biệt tại đây, hình tướng người Nữ cư sĩ chứ không phải là hình tướng của người Nữ xuất sĩ.

Chúng ta lưu ý chi tiết này, không phải với mục đích xem nhẹ đối với hàng Xuất gia. Mà chú ý là để nhận định được rõ nét hơn thâm nghĩa của giáo lý Đại thừa. Nếu hàng cư sĩ có phương pháp tu tập đúng đắn, có mục đích đúng đắn thì cơ hội đạt được quả vị hay nói một cách thực tế hơn là cơ hội chuyển hóa tâm thức vẫn ngang bằng với hàng xuất gia.

Duyên khởi của bản kinh là việc vua Ba-tư-nặc và vợ của mình là hoàng hậu Mạt-lỵ vì thương tưởng đến người con gái của mình là Thắng Man và viết một lá thư giới thiệu về sự toàn giác của đức Thế Tôn. Sau khi đọc xong lá thư, Thắng Man phu nhân hoát nhiên đại ngộ. Lúc bấy giờ, đức Như Lai vận dụng oai lực hiện giữa hư không để gặp Thắng Man phu nhân. Phu nhân được đức Toàn Giác thọ ký và nương vào sức mạnh của đức Thiện Thệ mà tuyên thuyết giáo nghĩa Đại Thừa. Trong quá trình đó, phu nhân phát 10 đại thọ - thực tế hóa của tinh thần nhập thế.

  1. 1.       Bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng vi phạm đối với giới pháp đã thọ[1].

Điều thứ nhất này xác quyết người phụ nữ với vai trò và trọng trách là kế thừa Đạo, duy trì Đạo và phát triển Đạo. Với những trách vụ đó, nữ giới phát tâm đối với Giới pháp đã thọ thệ nguyện “không nổi lên tư tưởng vi phạm”.

Giới pháp trong hệ thống giới luật của đức Phật được chia thành 2 nhóm: xuất gia giới và tại gia giới. Đối với hàng tại gia, cơ sở giới pháp được xây dựng như sau: năm giới – con đường đạo đức dành cho loài người; mười giới – con đường đạo đức dành cho ý nguyện sanh thiên và chuẩn mực đạo đức của cõi trời; tám giới, bát quan trai giới – thực tập đời sống xuất gia một ngày một đêm. Đối với hàng xuất gia, hệ thống giới pháp bao gồm: sa-di và sa-di ni giới (10 giới điều) – thực hạnh nếp xuất sĩ, thức-xoa-ma-ni giới (6 học xứ) – thực hành đời sống nữ xuất sĩ làm cơ sở chuẩn bị cho việc thọ đại giới; Tỳ-kheo (250 giới) và Tỳ-kheo-ni (348 giới) – những chuẩn mực đạo đức của hàng xuất gia, hàng Tăng bảo hiện tiền.

Bên cạnh đó, còn một hệ thống giới Pháp song hành và được vận dụng cho cả hai hàng tại gia cũng như xuất gia – Bồ-tát giới hay còn gọi là Đạo – Tục thông hành giới. Hệ thống giới điều của Bồ-tát giới với mục tiêu chính yếu là thể hiện tinh thần nhập thế của giáo nghĩa Đại thừa, thực hành Bồ-tát hạnh, duy trì Bồ-đề tâm nhằm nhiếp hóa cùng khắp chúng sanh.

Như vậy, đối với các hệ thống giới pháp đã trình bày trên đây, tùy theo căn cơ, tùy theo trình độ, tùy theo từng sự thọ nhận có thể có khác nhau. Nhưng sự giống nhau trong việc thệ nguyện của Thắng Man phu nhân nói riêng và nữ giới nói chung đó chính là “không nổi lên tư tưởng vi phạm”.

Tư tưởng vi phạm còn không khởi lên huống hồ là phát sinh việc vi phạm qua lời nói và hành động. Có được như vậy, thì người phụ nữ cố nhiên đầy đủ toàn bộ khả năng duy trì và làm rạng rỡ giáo Pháp của đức Thế Tôn – đây là điều bình đẳng trong trọng trách gìn gìn Phật Pháp; bởi vì: “Giới luật còn là Phật Pháp còn”.

  1. 2.       Bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng khinh thường đối với các bậc sư trưởng.

Với lời đại nguyện thứ hai này, càng phản ánh rõ nét hơn thiên chất của người phụ nữ là sự khiêm cung, nhu nhuyến. Và với thiên chất này, nếu người phụ nữ biết vận dụng một cách khéo léo, uyển chuyển thì cơ hội và khả năng hoằng Pháp của nữ giới có thể nói là vượt trội hơn cả nam giới.

Cần lưu ý một điểm vô cùng quan trọng, Thắng Man phu nhân vào lúc bấy giờ là vợ của một vị Vua trong 16 vương quốc thuộc Cộng hòa Liên bang Ấn Độ cổ đại, là bậc Hoàng hậu đầy uy quyền. Nhưng, phu nhân đã bỏ đi cái tôi bé nhỏ của mình mà hướng về cái vĩ đại, cái lớn lao, cái cao cả - sự khiêm cung đối với các bậc sư trưởng.

Sư là người thầy. Người thầy trong cuộc sống thế gian bao gồm những bậc học thức có công trong việc xây dựng đời sống kiến thức, những bậc tiền bối có công trong việc kiện toàn những kinh nghiệm cho chúng ta,… Bên cạnh đó, còn có người thầy trong cuộc sống xuất thế gian – những vị dìu dắt chúng ta những bước đầu tiên vào đạo và những vị thầy hỗ trợ làm lớn mạnh hạt giống Chánh tín Tam Bảo ở nơi ta.

Trưởng là những bậc trưởng thượng. Trong kinh, đức Thế Tôn có giới thiệu về bốn bậc trưởng thượng mà kinh văn dùng chữ “Thượng tọa”.

-          Thắng nghĩa Thượng tọa: bậc chứng chân giải thoát không còn các phiền não vi tế.

-          Trí tuệ Thượng tọa: bậc trí tuệ thông bác, giới luật tinh nghiêm, thọ trì tam tạng, xiển dương Chánh Pháp.

-          Phước đức Thượng tọa: bậc phước duyên thù thắng, tín chúng kính ngưỡng, tận tâm phụng hiến Tam Bảo, cần mẫn lao nhọc hết mình phục vụ Tăng sự.

-          Sanh niên Thượng tọa: bậc tu hành lâu năm trong Chánh Pháp hoặc bậc lớn tuổi nhưng vẫn phát tâm xuất gia cầu Đạo.

Đối với bốn bậc trưởng thượng trên đây, nữ giới luôn luôn phát tâm cung kính, khiêm nhường. Đi sâu hơn trong việc phân tích, chúng ta thấy rằng, chỉ duy nhất loại thứ 4 trong bốn cách phân tích hàng trưởng thượng trên có đề cập đến vấn đề tuổi tác trong việc định nghĩa bậc trưởng thượng. Ba loại đầu không hề đề cập đến tuổi tác mà chú trọng vào kết quả tu chứng và những giá trị đóng góp cho quần sinh. Như vậy, việc cung kính đối với những bậc trưởng thượng không nằm ở tuổi tác. Bởi đối với những người trẻ tuổi, chúng ta không thể biết được sự tu chứng của họ, nếu sanh tâm kiêu mạng tự thân chúng ta sẽ mất đi cơ hội tiến tu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể nào biết được nhân duyên tu học trong vô lượng vô biên kiếp quá khứ. Do đó, việc cung kính đối với các bậc trưởng thượng được xem làm việc cung kính đối với tất cả chúng sanh.

  1. 3.       Bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng giận dữ đối với mọi người.

Việc xác nhận đối tượng phụng sự của người phụ nữ hay nói chính xác hơn là hành giả thực hành Bồ-tát hạnh được nhận mạnh ở đại thọ thứ 3 – “đối với mọi người”. Hành giả thực hành đạo Bồ-tát phát nguyện “không nổi lên tư tưởng giận dữ đối với mọi người”. Vì sao vậy?

Bởi vì, Bồ-tát thương tất cả chúng sinh như con đỏ. Và cũng chính từ tình yêu tuyệt đối này của hàng Bồ-tát dành cho tất cả chúng sinh chính là thai bào sản sinh, nuôi dưỡng và làm lớn mạnh Như Lai tạng tính – bản thể của Như Lai.

Cũng như lời đại nguyện thứ 2, sự không giận dữ này “không nổi lên tư tưởng” chứ đừng nói đến trong lời nói và hành động. Muốn đạt được đến trạng thái không nổi lên trong tư tưởng này, hành giả thực tập hạnh Bồ-tát phải đầy đủ bốn tâm vô lượng là: Từ – Bi – Hỷ – Xã.

-          Từ: là đem lại niềm vui trên cơ sở đời sống đạo đức và chánh tri kiến.

-          Bi: là nhổ bạt tận gốc rễ của nổi khổ niềm đau nhờ vào sự hỗ trợ có phương pháp khiến cho đối tượng được giúp đỡ nhận chân được cội nguồn của những sự bất như ý và đồng thời thực hành theo lời Phật dạy để chúng không tái xuất hiện trong tương lai.

-          Hỷ: là niềm vui nội tại do có chuyển hóa tâm, do thực hành các công đức lành, do tu tập đời sống tâm linh,… niềm vui này tồn tại một cách lâu dài đối với những người thực hiện theo Chánh Pháp.

-          Xã: là trạng thái an nhiên trước những nghịch cảnh và những biến cố vố dĩ luôn luôn xuất hiện trong đời sống. Hành giả giữ cho tâm mình không chấp trước, không vướng mắc, không dính kẹt vào bất cứ một thành quả nào nhằm tạo động lực tiếp tục tiến tu trên con đường giải thoát.

  1. 4.       Bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng ganh ghét đối với những người và những việc hơn mình.

Theo tập khí bình thường của chúng sanh, đối diện với những người hơn mình và những việc hơn mình, chúng ta luôn có tâm lý đố kị, ghen ghét. Chính tâm lý này làm hạn chế cơ hội được trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để cải thiện những sở đoản của tự thân chúng ta.

Còn ganh ghét là còn chúng sanh khí. Khi đó, chưa thể nào bước chân vào con đường của Bồ-tát. Bởi vì, con đường của Bồ-tát phải là con đường của sự tán dương, khen ngợi, khích lệ, động viên, ghi nhận đối với những người hơn mình và những việc hơn mình. Không chỉ dừng lại ở đó, Bồ-tát còn phát tâm rộng lớn nguyện học theo, thực hành theo những hành động tốt đẹp của những bậc cao quý.

Hạnh tán dương là một phương pháp để chúng ta chuyển hóa cái tôi cống cao, ngã mạn, tự cao, tự đại, hống hách. Đồng thời cũng chuyển hóa luôn cái tôi tự ti, hèn kém, mặc cảm, không phát triển những tiềm năng của chính mình,… Bởi vì lấy đối tượng hơn ta làm mục tiêu cho sự phấn đấu và nổ lực là động lực tích cực nhất cho chúng ta tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện và đi trọn con đường Bồ-tát đạo.

Điều đại thọ thứ 3 và thứ 4 được xem là cơ hội tháo gỡ các vướng mắc, rào cản, chấp kẹt trong tinh thần Nhị nguyên để có cơ hội tiếp xúc nhau, hỗ trợ nhau, nương tựa nhau và đồng hành với nhau trên con đường Giác ngộ chân lý Vô thượng Bồ-đề.

  1. 5.       Bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng keo lẫn dầu lúc chỉ có một ít thực phẩm.
  2. 6.       Bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không vì bản thân mà nhận lãnh và cất chứa của cải; con có nhận lãnh gì cũng chỉ vì giúp đỡ những người nghèo khổ.
  3. 7.       Bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không mong trả ơn mà thực thi 4 nhiếp pháp; con thu nhận mọi người một cách không có tâm lý ham lợi, không có tâm lý chán đủ, không có tâm lý hạn chế.
  4. 8.       Bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con thấy những ai không nơi nương tựa, bị giam cầm, bịnh tật, và bao nhiêu nguy khốn, thì không bao giờ con bỏ họ, nguyện đem lại yên ổn cho họ, lợi ích cho họ khỏi mọi khốn đốn.

Trong các điều nguyện thứ 5, thứ 6, thứ 7 và thứ 8 này có yếu tố xoay quanh Bốn nhiếp pháp – bốn con đường đắc nhân tâm với mục đích hướng dẫn cho mọi người tiệm cận hơn với Phật pháp.

Điều nguyện thứ 5 đề cập đến hạnh nguyện bố thí – hiến tặng những sở hữu của mình cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng trên nền tảng phù hợp với Chánh Pháp. Trên cơ sở của sự hiến tặng này giúp cho người nhận có được sự phát triển hạnh phúc và đạo đức một cách chân chánh.

Điều nguyện thứ 6 đề cập đến hạnh nguyện lợi hành – luôn luôn nghĩ đến lợi ích của tha nhân và số đông tập thể đặt lên trên lợi ích của cá nhân trong mỗi một tư duy, lời nói, việc làm. Có được như vậy mới có thể phát tâm “không mong trả ơn” hay nói chính xác và đầy đủ hơn là “cầu cái tâm không cầu, mong cái hạnh không mong”.

Điều nguyện thứ 7 mang tính chất tổng quát thực hành Bốn nhiếp pháp với hai nhiếp pháp đã được giới thiệu ở điều nguyện thứ 5 và thứ 6 cùng với hai nhiếp pháp còn lại là:

-          Ái ngữ – nghệ thuật truyền thông mang tính chất gắn kết hài hòa và nêu bật được tình tương thân, tương ái nhằm giúp đối tượng tiếp nhận và ứng dụng một cách tốt đẹp.

Phương pháp ái ngữ này được thực hiện qua bốn chi phần thuộc về lời nói trong mười chi phần của Thập thiện nghiệp bao gồm: không nói dối – nói lời chân thực; không nói lưỡi đôi chiều – nói lời đoàn kết, hòa hợp; không nói lời hung ác – nói lời văn hóa, lịch sự; không nói lời thêu dệt – nói lời hữu ích.

-          Đồng sự – phát nguyện dấn thân cùng thực hiện những Phật sự với tinh thần trách nhiệm không so đo tính toán, không tị hiềm, không làm cho có với những phương pháp khoa học nhằm mang lại kết quả thiết thực.

Chúng ta thấy lời nguyện này của Thắng Man phu nhân vô cùng thiết thực đối với đối tượng đương cơ là hàng nữ cư sĩ. Bởi lẽ, tập khí của người nữ thường là so đo, tính toán, cân đong – bởi ảnh hưởng của các yếu tố khách quan như vấn đề lo lắng cơm, áo, gạo, tiền; dưa, cà, trà, mướp; chi tiêu trong ngoài tại gia đình.

Ở điều nguyện thứ 8, Thắng Man phu nhân cụ thể hóa đối tượng và cụ thể hóa hành động hướng đến những người không nơi nương tựa, bị giam cầm, bịnh tật và gặp các điều nguy khốn.

Có thể nói, ở đại nguyện thứ 8, Thắng Man phu nhân đã là một hóa thân của đức Bồ-tát Quán Thế Âm với hạnh nguyện: “tốc linh mãn túc chư hy cầu, vĩnh sử diệt trừ chư tội nghiệp”, là một hiện thân của đức Dược Sư Như Lai ở cõi nước phương Đông với 12 hạnh nguyện rộng sâu cứu độ chúng sinh.

  1. 9.       Bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con thấy những ai thề làm ác giới, phá hủy tịnh giới của đức Thế tôn, thì, trong thành thị và thôn xóm thuộc trách nhiệm của con, đáng chế ngự thì con chế ngự, đáng thu phục thì con thu phục. Tại sao, vì chế ngự và thu phục thì chánh pháp tồn tại lâu dài, chánh pháp tồn tại lâu dài thì chư thiên nhân loại tăng lên mà các nẻo đường ác giảm xuống. Có nghĩa con làm cho bánh xe chánh pháp của đức Thế tôn luôn luôn chuyển tới phía trước.

Điều nguyện thứ 9 thể hiện tinh thần sử dụng “phương tiện quyền xảo” mà giúp đỡ chúng sinh. Phương tiện là sự khéo léo ứng dụng lời Phật dạy trong các điều kiện thuận và nghịch khác nhau nhưng dẫn đến một kết quả giống nhau là đạt được Vô thượng Bồ-đề. Phương tiện hay nói một cách là đầy đủ là: phương tiện quyền xảo, phương tiện trí, phương tiện quyền xảo trí,… Ở đây phải được hiểu một cách chuẩn xác là nhờ trí tuệ làm cơ sở mà chúng ta khéo léo sử dụng các phương tiện ở trong mọi tình huống đều mang lại kết quả tốt đẹp và tích cực.

Không nên ngộ nhận và hiểu lầm “phương tiện” là những công cụ, những dụng cụ, những phương tiện mà việc sử dụng nó sẽ giúp chúng ta đạt được cái này hoặc có được cái kia. Nếu như, các “phương tiện” đó không được xây dựng trên căn bản là “quyền xảo trí” thì các “phương tiện” đó lập tức biến thành các lý do để ngụy biện cho sự biến đổi. Bởi vì, việc nhập thế mà thiếu “quyền xảo trí” thì rất dễ bị cuốn trôi theo các điều kiện ngoại cảnh và khiến cho hành giả quên đi mục đích tối hậu ban đầu đề ra.

Phải lấy trí tuệ làm điểm tựa soi đường chỉ lối nhằm vượt qua những vướng kẹt, chấp chặt trong quá trình làm Phật sự và khi chúng ta tiếp xúc với những ngoại cảnh nhưng vẫn giữ được chân mục đích của mình. Nhờ vào trí tuệ, chúng ta sẽ linh động, đáng chế ngự thì chế ngự, đáng thu phục thì thu phục, đáng hỗ trợ thì hỗ trợ, đáng nâng đỡ thì nâng đỡ, không chấp vào tướng, không chấp vào hình thức, không chấp vào nguyên tắc, không chấp vào ngã, không chấp vào pháp,… Có được như vậy, chúng ta luôn mang lại niềm vui, lan tỏa sự cộng hưởng của ta đối với những người xung quanh. Sự thoải mái sẽ xuất hiện cho tha nhân khi sự xuất hiện của chúng ta có mặt, đây chính là cơ hội để đưa mọi người đến gần hơn với đạo Giải thoát.

  1. 10.   Bạch đức Thế tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con nhận lãnh chánh pháp mà không bao giờ quên mất, tại sao, vì quên mất chánh pháp là quên mất đại thừa, quên mất đại thừa là quên mất các ba la mật, mà quên mất các pháp ba la mật thì thế là bỏ mất đại thừa. Nếu Bồ-tát không quyết định về đại thừa thì nhận lãnh chánh pháp không có bền chắc, và như thế thì không đủ khả năng vượt ra ngoài lĩnh vực phàm phu, mất mát thật là lớn lao.

Điều nguyện thứ 10 có thể được xem là sự tổng quát hóa cho 9 điều nguyện vừa được giới thiệu ở trên. Bởi lẽ, điều đại thọ thứ 10 bao hàm cho 9 điều đại thọ còn lại. Đây có thể được xem là tiêu biểu cho hạnh nguyện Bồ-tát trong hệ tư tưởng Phật giáo Đại thừa.

Chánh Pháp là gì? Chánh Pháp có thể hiểu một cách đơn giản nhất đó chính là lời dạy của đức Thế Tôn với mục đích làm chủ các giác quan, suy nghĩ, tư duy, lời nói, hành động trước những điều kiện ngoại cảnh: màu sắc, hình tượng, âm thanh, mùi vị và các đối tượng nhận thức.

Hệ thống các lời dạy của đức Thế Tôn được phương tiện giáo hóa thành năm thừa bao gồm: Nhân thừa – con đường chuẩn mực đạo đức của loài người bao gồm Tam quy và Ngũ giới; Thiên thừa – con đường chuẩn mực đạo đức của cõi trời thông qua phương pháp thực hành Thập thiện; Thanh Văn thừa – con đường đạt được Giác ngộ và giải thoát với phương pháp thực hành theo Tứ Diệu Đế; Duyên Giác thừa – con đường đạt được Giác ngộ và giải thoát với phương pháp thực tập theo Thập Nhị Nhân Duyên và Bồ-tát thừa – con đường đạt được sự chứng ngộ Giải thoát với phương pháp huân tập Lục độ Ba-la-mật tròn đầy.

Như vậy, ở đại thọ thứ 10 này, Thắng Man phu nhân nhấn mạnh đến đối tượng thuộc về Bồ-tát thừa thông qua việc nhắc đến thực hành các pháp Ba-la-mật. Tuy nhiên, để đến được với Bồ-tát thừa cần phương tiện khéo léo dẫn dắt chúng sanh bằng các “hóa thành”: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa. Ở bốn thừa đầu tiên này, yếu tố Bồ-đề tâm chưa được chú trọng, chủ yếu vẫn là quá trình Tự Giác cho bản thân. Qua giai đoạn thứ năm là Bồ-tát thừa, hành giả thực hành Lục độ Ba-la-mật trên nền tảng của Bồ-đề tâm do từ Bồ-đề tâm phát khởi mà thực hành với hạnh nguyện thực hành Bồ-tát đạo.

Lục Ba-la-mật bao gồm sáu chi phần:

-          Bố thí: hạnh nguyện rộng lượng chia sẻ và hiến tặng những gì mình sở hữu thông qua ba mặt.

  • Tài thí: hiến tặng giá trị vật chất bao gồm hai con đường
    • Nội tài: thể lực và các cơ quan nội tạng.
    • Ngoại tài: vật chất theo sự hệ quy chiếu kinh tế của thế gian.
    • Pháp thí: hiến tặng giá trị tinh thần thể hiện qua việc chia sẻ, giảng giải, trao đổi các kiến thức Phật học và các kinh nghiệm tu chứng.
    • Vô úy thí: hiến tặng sự không sợ hãi.
      • Với phương diện thế gian đó là sự củng cố về mặt trí tuệ để nhận chân các nỗi sợ hãi là không thực có mà nguyên nhân hình thành bởi vì tự thân mỗi người thiếu đi sự trọn vẹn của ba yếu tố Từ bi – Trí tuệ – Dũng lực.
      • Với phương diện xuất thế gian đó là sự vượt lên trên nỗi sợ hãi luân hồi sinh tử do sự tu tập, thực hành, chứng nghiệm lời dạy của đức Thế Tôn.

-          Trì giới: hạnh đạo đức thanh cao, gương mẫu, không vi phạm các luật pháp thế gian, không vi phạm những chuẩn mực xã hội, không vị phạm và chống trái đối với lương tâm cũng như không vi phạm đối với các học xứ nhằm xây dựng con người lên bậc Thánh do đức Thế Tôn chế định.

-          Nhẫn nhục: bền bỉ, nhẫn nại, chân thành đeo đuổi các mục tiêu chân chính như mục tiêu: sự nghiệp giải thoát, phát triển các hạnh lành, chuyển hóa các phiền não,… Cần mở rộng hóa khái niệm nhẫn nhục, không nên cho rằng nhẫn nhục là chấp nhận và chịu đựng những nhục mạ. Bởi vì, hiểu theo phương diện này chỉ là một phần rất nhỏ của khái niệm nhẫn nhục vừa trình bày.

-          Tinh tấn: luôn luôn theo đuổi, nổ lực để hoàn thành quá trình thanh tịnh thân tâm thông qua bốn điều cốt lõi: chấm dứt các hành động ác, không để hành động ác phát sinh, phát triển các việc thiện cho được hoàn thiện và sinh trưởng các việc lành.

-          Thiền định: làm chủ các giác quan trong mỗi một hành động, tạo tác nhằm kiểm soát tâm thức có mặt ở đây và ngay bây giờ để đối trị với vọng niệm, tán loạn.

-          Trí tuệ: tuệ giác phát sinh là kết quả của việc thực hành, tu tập, gìn giữ các chi phần vừa giới thiệu.

Khi đã phương tiện giáo hóa chúng sanh đến thời điểm thích hợp, đức Thế Tôn xác nhận tất cả các yếu tố của năm thừa vừa nêu trên đều được chuyển tải trên cỗ xe vĩ đại đưa chúng sanh đến với Phật thừa – đó chính là giáo nghĩa Đại Thừa. Chính cổ xe vĩ đại này mà không phải là một cỗ xe nào khác có khả năng đưa chúng sanh đến với quả vị Vô thượng Bồ-đề, Phật thừa viên mãn nên còn được gọi đến với danh xưng là Nhất thừa.

-          Bản thể của Đại thừa: Đại thừa được xây dựng trên bản thể là Bồ-tát Đạo. Bởi vì được xây dựng trên bản thể như vậy mới có “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” mà thực hiện tròn đầy ba yếu tố của Phật thừa là: “Tự giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn”.

Mười đại thọ của Thắng Man phu nhân đều được xây dựng trên bản thể của Đại thừa xuyên suốt và thống nhất trong thời gian (“từ nay cho đến ngày toàn giác”) và không gian (trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng và phương tiện giáo hóa) với mục đích tùy thuận chúng sanh mà giảng giải theo từng cấp độ giáo nghĩa Nhất thừa.

-          Bản nguyện của Đại thừa: Bản nguyện Đại thừa là thực hành Bồ-tát Đạo – con đường của những hành giả với tâm nguyện cứu giúp, hóa độ rộng khắp chúng sinh. Muốn hóa độ tất cả chúng sinh thì hành giả phải phát tâm đạt thành Vô thượng Bồ-đề. Vì chỉ duy nhất quả vị Vô thượng Chánh giác mới đủ khả năng độ tận chúng sinh trong ba cõi và sáu đường đau khổ. Muốn đạt được quả vị Chánh giác thì phải thực hành trọn vẹn các pháp môn tu tập mà không có sự phân biệt, vì không có sự phân biệt nên không có sự đối lập, vì không có sự đối lập nên luôn luôn phát tâm nhiếp thọ tất cả các Pháp. Chỉ khi thực hành rốt ráo sự nhiếp thọ này mới được gọi là Pháp giới tạng.

-          Bản hạnh của Đại thừa: Bản hạnh của Đại thừa là Trí tuệ. Bằng Trí tuệ mới thấy được bản chất chân thực của tất cả chúng sinh là “Phật tánh”, là “thanh tịnh bình đẳng”, là “Như Lai tạng tính”, là “Pháp thân thường trú”, là “Tuệ giác siêu việt”, là “Chân như”, là “Đệ nhất nghĩa đế”, là “Xuất thế tạng”, là “Pháp thân tạng”, là “Chân thực không điên đảo”,… Bằng Trí tuệ mới có khả năng thâm nhập vào tự tánh thanh tinh nơi tâm mình và tự tánh thanh tịnh của hết thảy chúng sanh. Muốn thực hành thành công và trọn vẹn Bản hạnh Đại thừa, Bồ-tát phải nhiếp thọ Chánh Pháp tức học tập, gìn giữ, phát triển Chánh Pháp với mục đích là cho Chánh Pháp được tồn tại lâu dài thông qua các pháp học và pháp hành.

-          Cảnh giới của Đại thừa: Cảnh giới của Đại thừa là trong sạch và thanh tịnh. Trong sạch và thanh tịnh từ tâm thức, thân thể cho đến ngoại cảnh. Hay nói một cách khái quát là trong sạch và thanh tịnh đối với Ngũ uẩn.

Ngũ uẩn bao gồm sắc uẩn là phần vật chất và bốn yếu tố thuộc về tinh thần là: thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Sắc uẩn được cấu thành từ bốn đại chủng với ba cấp độ nhận diện. Ở sơ cấp, Tứ đại chủng là: đất, nước, gió và lửa. Ở trung cấp, Tứ đại chủng là: chất rắn, chất lỏng, chất khí và nhiệt độ. Ở cao cấp – phù hợp và chuẩn xác nhất với các bản kinh do đức Thế Tôn hướng dẫn đó chính là: tính giãn nở, tính liên kết, tính chuyển động và nhiệt độ.

Chính nhờ nhận chân cảnh giới của Đại thừa là thanh tịnh và trong sạch nên Bồ-tát có khả năng kiến tạo Tịnh độ hiện tiền để giáo hóa chúng sanh. Và vì thanh tịnh trong cả Năm uẩn nên vận dụng thân năm uẩn mà tu học, mà hóa độ chúng sinh không bị vướng mắc, dính kẹt, chấp trước vào ngã và ngã sở. Từ đó, cơ hội tự mình Giác ngộ và giúp mọi loài Giác ngộ được trọn vẹn, thực hành rốt ráo công trình “Tam giác viên”.

Song song đó, chúng sinh cũng được cấu thành từ thân năm uẩn. Bồ-tát tùy thuận theo thân năm uẩn của mỗi chúng sinh mà có phương pháp hướng dẫn uyển chuyển, khéo léo, thiết thực,… cho dù thân năm uẩn của chúng sinh cụ túc hay khiếm khuyết thì Phật tính và cơ hội tu tập là ngang bằng nhau. Bởi vì, căn bản của Bồ-tát giới được kiến lập dựa trên Bồ-đề tâm; do vậy, chỉ cần chúng sinh có khả năng nghe, hiểu, nhận tức, tư duy là có khả năng thọ nhận được và có khả năng chứng đắc được.

Như vậy, đúc kết lại điều đại thọ thứ 10 của Thắng Man phu nhân, chúng ta nhận thấy rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Do có Phật tính nên đều có khả năng tu tập giáo nghĩa Đại thừa. Do có khả năng tu tập giáo nghĩa Đại thừa nên đều đồng quy Nhất thừa. Do đều đồng quy Nhất thừa nên đều có khả năng thực hành rốt ráo các hạnh Ba-la-mật. Do thực hành rốt ráo các hạnh Ba-la-mật nên không bao giờ quên mất Chánh Pháp. Do không quên mất Chánh Pháp nên nhận lãnh Chánh Pháp bền chắc. Do nhận lãnh Chánh Pháp bền chắc nên sự tu tập của các hàng Bồ-tát hoàn toàn có khả năng vượt ra ngoài lĩnh vực phàm phu.

Thắng Man phu nhân bằng sự siêu việt trong thời gian và không gian đã phát thệ gìn giữ điều đại thọ thứ 10 một cách tròn đầy, rốt ráo, không có ngằn mé.

  1. IV.                ĐÔI ĐIỀU ĐÚC KẾT

Thông qua hình ảnh Thắng Man phu nhân với những lời phát nguyện cùng với sự tán dương giáo nghĩa Nhất thừa được sự ấn chứng của đức Thế Tôn, chúng ta có thể phần nào nhận thấy được giá trị, sức ảnh hưởng, tầm quan trọng, vai trò, vị trí của người phụ nữa trong tinh thần Phật giáo và nhất là đối với hệ tư tưởng Phật Giáo Đại Thừa.

Thắng Man phu nhân đã quy giáo pháp Tam thừa về Nhất thừa để toàn vẹn và tròn đầy Như Lai tạng tính. Minh chứng hùng hồn, sắc sảo, rõ nét và cụ thể cho ý nghĩa “Phật Pháp bất ly thế gian”: tuy bị phiền não trói buột nhưng bản tính của chúng sinh vẫn thanh tịnh, vô nhiễm, đồng đẳng với Như Lại tạng, trọn vẹn Pháp giới tạng.

Tư tưởng kinh Thắng Man chính là kế thừa tư tưởng Nhất thừa của kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm, kinh Lăng Nghiêm và trở thành một bản kinh đặc sắc trong hệ tư tưởng Phật giáo Đại thừa.

Bản kinh Thắng Man này cùng với bản kinh Duy Ma Cật và hình ảnh Thiện Tài Đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm đã là những ấn chứng xác quyết cho khả năng học đạo, tu đạo, hành đạo, hoằng đạo và chứng đạo của hàng Phật tử tại gia. Cũng như mở ra cho hàng Phật tử tại gia một chân trời cao rộng mà ở nơi đó tất cả hoạt dụng đều bình đẳng bởi vì vốn dĩ không có sự phân biệt giữa xuất gia và tại gia, giữa già và trẻ, giữa nam và nữ, giữa các giai cấp, giữa các sanh thú,… Bình đẳng vì không có gì để phân biệt. Như Trung Quán luận giới thiệu: “Bất sanh diệc bất diệt, bất thường diệc bất đoạn, bất nhất diệc bất dị, bất lai diệc bất xuất. Thiện diệt chư hý luận”.

Kính lễ tất cả bậc nữ nhân xứng đáng là bậc đại trượng phu trên khắp thế gian xuyên suốt tất cả các thời kỳ.

Tuệ Quý



[1] Mười đại thọ được sử dụng theo bản dịch kinh Thắng Man của Trí quang thượng nhân dịch, PL: 2538 DL:1994.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập