Tượng Sơ Sanh Lộ Nam Căn- Có Phải Là Điều Bất Kính?

Đã đọc: 1114           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Theo truyền thống Nam truyền, chư Phật Chánh Giác có tất cả 30 thông lệ. Trong đó, thông lệ thứ 6 ghi nhận: “Sau khi thấy bốn cảnh động tâm và có đứa con đầu lòng, Bồ-tát ra đi xuất gia” (attāri nimittāni disvā jātamattaputtānaṃ mahāsattānaṃ mahābhinikkhamanaṃ). “Có đứa con đầu lòng” mang ý nghĩa như thế nào? Điều này nói lên, trước khi trở thành một vị Chánh Giác, thì Thái tử Tất-đạt-đa vẫn có một đời sống bình thường như bao nhiêu chúng sanh khác. Ngài vẫn lập gia đình, vẫn có con để giữ gìn và phát triển giống nòi mặc dù tâm Ngài không vướng bận vào ngũ dục lạc.

Hiện nay, ngoài việc tượng Sơ sanh bảo tướng theo truyền thống được tạo hình có một lớp vải quấn quanh kim thân (được nghệ nhân chế tác gắn liền với tôn tượng), chúng ta còn thấy một số tượng, hình ảnh Sơ sanh để lộ phần nam căn. Truyền thống này, không phải mới xuất hiện và cũng không phải duy chỉ xuất hiện tại Việt Nam. Cụ thể, trong khuôn khổ buổi triển lãm: “Triển lãm di sản văn hóa mỹ thuật Phật giáo Việt Nam” do Giáo hội Phật giáo Tp.HCM phối hợp với Ban Văn hóa – Ban nghi lễ, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam và chùa Phật học Xá Lợi tổ chức nhằm chào mừng Đại lễ Phật đản 2637 (Phật lịch 2557) và kỷ niệm 50 năm Bồ - tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân kéo dài từ ngày 17 đến ngày 24/05/2013 chúng ta cũng thấy được trong 300 hiện vật trưng bày, không ít trong số đó là tôn tượng Sơ sanh lộ nam căn. Như vậy, tôn tượng Sơ sanh lộ nam căn có ý nghĩa như thế nào? Tại sao, người thợ tạc hoặc chư Tổ sư không tạc luôn phần y phục vào tôn tượng? Và liệu chăng, tôn tượng Sơ sanh lộ nam căn là sự bất kính với Tam bảo? Trong khuôn khổ bài viết này, bằng kiến thức và lý giải cá nhân, chúng tôi xin được phân tích “Mật nghĩa tôn tượng Sơ sanh lộ nam căn”.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Chúng ta thử tự đặt ra một câu hỏi như sau: liệu chăng, có sự bất kính trong quá trình tạc tượng Sơ sanh có nam căn?

Thứ nhất, có thể người thợ mộc không khéo, nên đã trần tục hóa một bậc Thánh dẫn đến việc tạc nam căn vảo bảo tướng. Điều này có thể xảy ra, tuy nhiên, việc kiểm định, thẩm duyệt lại của chư Tổ sư trước khi đưa vào phụng thờ là điều chắc chắn phải có. Như vậy, tại sao chư Tổ vẫn giữ nguyên những tôn tượng như vậy? Chẳng lẽ, các Ngài vô tâm?

Thứ hai, nếu có việc nhầm lẫn trong chế tác, số lượng tượng tạc lộ nam căn sẽ xuất hiện không nhiều trong các cổ vật Phật giáo. Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ dàng thấy được, tồn tại rất nhiều những pho tượng có đặc điểm tương đồng này dọc Bắc chí Nam. Như vậy, đây không thể là sự nhầm lẫn nhất thời.

Thứ ba, nếu nghệ nhân thợ mộc không đủ thông tuệ thì chắc chắn chư vị Tổ sư cũng đủ uyên bác để có thể nghĩ đến việc tác phần y phục gắn liền với kim thân như đại đa số các tôn tượng đang được thiết trí hiện nay. Như vậy, tại sao chư Tổ lại không làm điều này?

  1. TƯỚNG TRƯỢNG PHU

Mặc dù Phật tính trong mỗi chúng sinh là bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt giữa nam giới và nữ giới. Điển hình nhất, như hình ảnh tiểu long nữ trong kinh Pháp Hoa vẫn có thể thành Phật. Tuy nhiên, cần lưu ý một chi tiết nhỏ. Không chỉ Nam Truyền Phật giáo mà chính Đại Thừa Phật giáo và cụ thể là kinh Pháp Hoa cũng công nhận, muốn thành bậc Chánh Giác thì kiếp cuối cùng phải là thân nam.

Quay trở lại hình ảnh tiểu long nữ, Long Nữ, con của Ta Kiệt La Long vương mới 8 tuổi. Khi dâng hạt châu cúng Phật, cô liền chuyển thân nữ thành thân nam, sang thế giới Vô Cấu, thành Phật ngay tức khắc. Vì vậy, mười phương chư Phật hay tất cả chư Phật Chánh Giác trong các cõi nước không có thân nữ nhân. Tạc tượng để lộ nam căn chính là xác quyết chi tiết này trong quá trình phát triển của nghệ thuật tạo hình và điêu khắc.

Vậy thân nam tử có ẩn nghĩa gì? Trong “Kinh Niết Bàn” có đoạn: "Nếu người nào không tự biết mình có Phật tính, tôi gọi đó như là một người phụ nữ, nếu người nào tự biết mình có Phật tính tôi nói đó là một người đàn ông thực sự; nếu có phụ nữ nào có thể nhận ra rằng bản thân mình chắc chắn đang hiện hữu Phật tính, nên biết đó chính là một nam tử”.

  1. BA MƯƠI THÔNG LỆ CHƯ PHẬT CHÁNH GIÁC.

Theo truyền thống Nam truyền, chư Phật Chánh Giác có tất cả 30 thông lệ. Trong đó, thông lệ thứ 6 ghi nhận: “Sau khi thấy bốn cảnh động tâm và có đứa con đầu lòng, Bồ-tát ra đi xuất gia” (attāri nimittāni disvā jātamattaputtānaṃ mahāsattānaṃ mahābhinikkhamanaṃ). “Có đứa con đầu lòng” mang ý nghĩa như thế nào? Điều này nói lên, trước khi trở thành một vị Chánh Giác, thì Thái tử Tất-đạt-đa vẫn có một đời sống bình thường như bao nhiêu chúng sanh khác. Ngài vẫn lập gia đình, vẫn có con để giữ gìn và phát triển giống nòi mặc dù tâm Ngài không vướng bận vào ngũ dục lạc.

Đặc biệt hơn, điều này nhấn mạnh quan điểm: “Phật là chúng sinh giác, chúng sinh là Phật mê”. Vì sao? Vì nếu đức Thế Tôn hạ sinh trong một tướng trạng khác con người, không tương đồng với con người và dị biệt với con người thì con người sẽ không có khả năng và mất đi niềm tin vào khả năng mình có thể thành Phật. Chính điều này đã cho tất cả chúng ta một niềm tin mãnh liệt và cho chúng ta một cơ hội để cố gắng noi theo tấm gương của chư Phật quá khứ bởi vì y cứ vào Phật ngôn: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Như vậy, việc tạc hình tượng Sơ sinh có nam căn chính là biểu thị cho tư tưởng vị nhân sinh. Đức Phật xuất hiện và Phật giáo ra đời với mục đích vì chúng sinh và cho chúng sinh.

  1. Ý NGHĨA TƯỚNG “MÃ ÂM TÀNG”

Một trong những vấn đề dễ dẫn đến việc mâu thuẫn với tượng Sơ sinh lộ nam căn đó chính là chi tiết ghi nhận về 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của đức Chánh Giác có đề cập đến tướng thứ 10 trong 32 tướng tốt: “nam căn ẩn tàng bên trong” hay còn gọi là tướng “mã âm tàng”.

Vậy thật sự “Mã âm tàng” có nghĩa là gì?

“Mã âm tàng” ý chỉ dương căn như loài ngựa được ẩn kín trong bụng, chỉ khi phát dục thì dương căn mới biểu lộ ra ngoài. Như vậy, nếu hiểu tướng thứ 10 trong 32 tướng tốt của đức Thế Tôn theo nghĩa này, thì thật sự không chuẩn xác. “Mã âm tàng” phải được hiểu với cách nói đầy đủ và chuẩn xác hơn là “Mã âm tàng tam-ma-địa”, cũng được gọi là “Trừ cái chướng viện tam muội”. Có nghĩa là, một trong 32 tướng quý của đức Phật có tướng “tự phát tâm bồ đề mà chứng ngộ thực tướng của tự tâm” nên gọi là “Mã âm tàng tam-ma-địa”. Đức Đại nhật Như lai thường ở trong Tam ma địa này để nói về pháp ái nhiễm. [X. phẩm Ái nhiễm vương trong kinh Du kì; Du kì kinh xả cổ sao Q.thượng].

Bên cạnh đó, có thể hiểu “Mã âm tàng” theo một cách ẩn nghĩa, đó là: khi đã thành bậc Chánh Giác thì không còn bị chi phối, bị ràng buộc, bị cám dỗ, bị lôi kéo bởi dục tính – một đặc điểm nổi bậc của cõi Dục giới nơi con người đang sinh sống.

Như vậy, nếu hiểu theo hai cách vừa trình bày là “Mã âm toàn tam-ma-địa” và đoạn tuyệt tính dục thì chúng ta sẽ nhận chân được rằng, việc tạc Sơ sanh bảo tướng có nam căn không chỉ không đối lập, không mâu thuẫn với tướng thứ 10 trong 32 tướng tốt của đức Phật mà nó còn thể hiện được quá trình chuyển hóa tâm thức của một chúng sinh từ chỗ bình thường trở thành bậc Thánh giữa cõi trời người.

  1.  BỒ-TÁT ĐẢN SANH

Như đã trình bày sơ khởi ở các mục dẫn thượng, chúng ta thấy rằng, việc chư Tổ thực hiện là có ý nghĩa về mặt Lý lẫn mặt Sự của nó. Không chỉ đơn thuần là một pho tượng Sơ sanh, chư Tổ còn khéo kéo ẩn nghĩa và hướng dẫn phương pháp tu tập, cũng như xác quyết lập trường tu tập.

Thông thường, chúng ta thường dùng danh từ “tượng Phật đản sanh” để chỉ cho các tôn tượng Sơ sanh; tuy nhiên, nếu nói một cách chuẩn xác, thì đây là tôn tượng Bồ-tát Hộ Minh đản sanh hoặc tượng Bồ-tát Thiện Huệ đản sanh hoặc tượng Thái tử Tất-đạt-đa đản sanh thì mới chuẩn xác.

Bồ-tát vị ấy là ai?

Nếu hiểu theo định nghĩa của tiếng Hán: “Bồ giả chi phổ giả, Tát giả chi tế giả” có nghĩa Bồ là rộng khắp, Tát là ban tặng thì nội hàm này sẽ bị nhầm lẫn với Bố Thí. Tuy nhiên, Bồ-tát không chỉ dừng lại ở Bồ Thí. Bố Thí chỉ là một yếu tính của Bồ-tát mà thôi.

Bồ-tát theo Phạn văn là Bodhisattva, bao gồm 2 yếu tố từ là Bodhi – sự Giác Ngộ và sattva – chúng sinh. Hán dịch nghĩa là Giác Hữu Tình. Như vậy, bất kỳ chúng sinh nào hướng đến mục đích Giác Ngộ trong đời sống hằng ngày thì đó chính là Bồ-tát.

Vai trò của Bồ-tát là gì?

Trong các bản kinh Nguyên Thủy, tồn tại sự ghi nhận duy nhất của đức Thích Ca đối với vị Thanh Văn Tỳ-kheo Ajita sẽ thành Chánh Giác trong thời kỳ vị lai trở thành đức Phật hiệu Metteyya [Pa] hay Meitreya [Sa] (Từ Thị Di Lặc) [kinh Trung A-hàm, phẩm 6: phẩm Vương Tương Ưng, kinh số 66: kinh Thuyết Bổn]. Sau bản kinh, Tỳ-kheo Ajita “hoan hỷ tín thọ phụng hành” – “vui vẻ tin và làm theo” chứ không hề đề cập đến việc chứng đắc Thánh quả A-la-hán. Hay nói cách khác, vị Tỳ-kheo Ajita kia, mặc dù được đức Phật Thích Ca thọ ký nhưng vẫn là một vị phàm Tăng và sau kiếp sống đó vẫn sẽ chịu cảnh luân hồi sanh tử mà chưa thể an trụ vào Niết-bàn như một bậc Thánh Tăng. Minh chứng rõ nét nhất, theo kinh văn ghi lại, hiện nay, ngài đang ở cung trời Đâu-suất – 1 trong 33 tập quán của các bậc Chánh Giác để chờ đến ngày thị hiện nơi cõi Ta-bà. Như vậy, ngài vẫn là một vị Bồ-tát với mục đích làm cho “Chủng tính Như Lai bất đoạn”, duy trì chủng tánh của Như Lai, kế thừa gia tộc của Như Lai, duy trì mạng mạnh của Phật giáo không để cho thoái chuyển. Vì Bồ-tát là chúng sanh hướng đến mục đích Giác Ngộ, nên nếu không có Bồ-tát thì không có sự duy trì và hướng đến Giác Ngộ, không có sự duy trì và hướng đến Giác Ngộ thì không có Đại Thừa, không có Đại Thừa thì không có Phật.

Như vậy, việc tạc tượng Sơ sanh có nam căn chính là biểu thị ẩn nghĩa – đây là một vị Bồ-tát, một chúng sinh hướng đến mục đích Giác Ngộ và làm cho “Chủng tính Như Lai bất đoạn”.

NÉT ĐẸP MÙA PHẬT ĐẢN.

Hiện nay, có một nét văn hóa truyền thống Phật giáo đang dần mai một. Nhân bài viết này, chúng tôi cũng xin giới thiệu và hy vọng có cơ hội phục dựng lại.

Trước đây, mỗi độ tháng 04 âm lịch về, nghi thức cử hành lễ Phật đản sẽ được tổ chức vào ngày mùng 08 tháng 04. Sau khi thống nhất theo tinh thần Phật giáo Thế giới, chúng ta mới đổi từ ngày mùng 08 tháng 04 thành ngày Rằm tháng 04 và dần trở thành Tuần lễ mừng Phật đản. Đây là điều tích cực bởi nó làm phong phú thêm và mang tính chất chuẩn hóa sự tổ chức.

Trước khi diễn ra chính lễ kỷ niệm ngày đức Phật đản sinh, thường là vào mùng 07 âm lịch hoặc vào rạng sáng mùng 08 (theo phương thức tổ chức cũ và tùy thuộc vào từng địa phương), chư Tăng và Phật tử sẽ cử hành nghi thức Mộc dục kim thân tôn tượng Sơ sanh của đức Thế Tôn. Mộc dục là nghi thức tắm Phật hoặc có thể được hiểu một cách thiết thực nhất đó chính là hành động bao sái, làm vệ sinh tôn tượng sau một năm phụng thờ.

Khi tiến hành lễ Mộc dục, vị sư Trụ trì sẽ cởi bỏ lớp y phục cũ được may bằng vải, thường có màu đỏ hoặc màu vàng trên tôn tượng. Chiếc y nhỏ hoặc đôi khi là chiếc áo ngũ thân này sẽ được vị Sư Trụ trì cắt nhỏ ra chia lại cho Phật tử nơi đạo tràng như là lời chúc nguyện bình an và may mắn. Đôi khi, mảnh vải nhỏ đó, được đem về đặt nơi chiếc gối đầu nằm để bảo hộ cho tín chủ.

Sau khi tiến hành Mộc dục kim thân Sơ sanh bảo tướng, vị Sư Trụ trì sẽ dùng một chiếc khăn sạch lau lại tôn tượng một lần cho khô ráo, tránh ảnh hưởng đến chất liệu tôn tượng thường được chế tác bằng gỗ vào thời điểm bấy giờ. Sau khi lau xong, chư Tổ sẽ sử dụng đôi khi chỉ đơn thuần là một vuông vải vàng nhưng đôi khi được may chỉnh chu thành một chiếc y vừa vặn với kích thước của tôn tượng hoặc đôi khi là chiếc áo ngũ thân màu đỏ hoặc vàng,… dùng để khoác lên tôn tượng. Điều này ngoài việc thể hiện lòng tôn kính còn nhằm bảo quản tôn tượng trước các yếu tố tác động ngoại cảnh như bụi vào thời điểm mà kính và thủy tinh chưa được phát triển rộng rãi như ngày nay.

Như vậy, có thể nói, nếu việc Mộc dục – tắm kim thân Sơ sinh bảo tướng là việc làm lại dựa trên hình ảnh hai dòng nước nóng và lạnh tắm gội kim thân Thái tử Tất-đạt-đa khi ngài vừa đản sinh thì việc cúng dường vải làm y áo cho tôn tượng Đản sinh chính là hình ảnh phỏng dựng việc tứ đại thiên vương dùng thiên y nâng đỡ Ngài khi Ngài vừa giáng thế.

TỔNG KẾT.

Ngày nay, hình tượng Đản sinh lộ nam căn không còn được phổ biến rộng rãi do quá trình phát triển và tiếp biến Văn Hóa. Người viết cũng không có ý định cổ xúy cho việc chế tác hình tượng Sơ sanh bảo tướng để lộ nam căn. Tuy nhiên, chúng ta cần có một cái nhìn chuẩn xác, một sự kiến giải khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ; cũng như phải biết ứng dụng Tứ Tất-đàn nhằm bảo lưu, gìn giữ và thấu hiểu những gì mà Tổ của ta, Thầy của ta, Ông của ta, Cha của ta đã làm.

Bên cạnh đó, chúng ta có nhiệm vụ tìm hiểu, truy nguyên để có thể hướng dẫn cho thế hệ tiếp truyền của chúng ta trong mai hậu. Tránh đi tư tưởng bài xích, phê phán những nét đẹp của các bậc tiền nhân khi cá nhân chúng ta chưa đủ kiến thức và chưa lĩnh hội được ẩn nghĩa mà chư Tổ truyền trao.

Nam-mô Lâm-tỳ-ni viên, Vô Ưu thọ hạ, thị hiện đản sinh, Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Tân Sửu, ngày mùng 01 tháng 04, PL: 2564.

Tuệ Quý – Phước Châu

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập