Lòng từ đối với loài súc sanh

Đã đọc: 4452           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Kinh Phật dạy, chúng sanh dù có thân hình khác nhau nhưng đều có bản năng sinh tồn, tham sống sợ chết như nhau.

Theo lời Đức Phật dạy, có ba đường khổ mà chúng sanh thường qua lại là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh (động vật).

Địa ngục: Như trong kinh Địa Tạng đã diễn tả, có muôn ngàn nỗi khổ bị hành hình tùy theo nghiệp tội của chúng sanh đã tạo trong lúc sanh tiền.

Ngạ quỷ: Là loài chúng sanh luôn chịu cảnh đói khát, ăn uống nhơ bẩn, suốt kiếp không một phút giây an lạc. Những chúng sanh này cũng vì đã tạo nghiệp xấu ác mà sinh ra.

Súc sanh: gồm có bốn loài sanh: Loài sanh ra từ trứng như: gà, vịt… (Noãn sanh). Loài sanh ra từ bào thai như: heo, dê, bò, ngựa… (Thai sanh). Loài sanh ra từ nơi ẩm thấp như: trùn, muỗi… (Thấp sanh). Loài sinh ra từ sự biến hoá như: chuồn chuồn, bươm bướm… (Hoá sanh).

Cảnh khổ của hai thế giới trên chúng ta chỉ biết qua sự diễn tả của kinh điển mà chưa chứng kiến được, nhưng nỗi thống khổ của loài súc sanh thì tất cả chúng ta không ai không rõ biết. Những nỗi khổ của loài súc sanh mà hằng ngày chúng ta thường thấy:

1. Ngu si: Tất cả loài động vật đều sống theo bản năng. Chúng không có lý trí, không thể phân biệt được sạch nhơ nên ăn uống một cách nhơ bẩn.

2. Bị hành hạ, đánh đập: Đối với những súc vật như trâu, bò, lừa, ngựa thì suốt đời phải mang cày, kéo xe một cách nặng nhọc để phục vụ cho con người. Chúng ta từng thấy những con trâu, bò làm việc hì hục từ sáng sớm đến khi mặt trời đứng bóng. Trên thì bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt, dưới thì bùn sâu, nước nóng, lê từng bước chân một cách nặng nề, khó nhọc… thế lại còn bị trùng, đỉa, mòng, ruồi điu bám để hút máu, ăn thịt... rồi lại thường xuyên bị đòn roi thấm thía từ những người nông phu cùng làm việc, có khi đến tróc cả da! Chúng ta cũng từng thấy những con lừa, ngựa với thân hình có hạn mà sau lưng phải kéo những chiếc xe chở đầy người và hàng hóa to nặng gấp bội thân hình của chúng, chạy trên những đường dài hàng mấy chục cây số mà có biết gì đến cỏ nước!

3. Nỗi khổ bị giết hại, ăn nuốt: Với kiếp sống ngu si, không những suốt đời phục vụ cho con người mà khi kiệt sức còn bị phân thây, xẻ thịt; chết trong cảnh bị cắt cổ, thui da, trụng nhúng một cách đau đớn tột cùng! Nhiều con vật chưa dứt tiếng kêu la thì đầu đã lìa cổ, giãy giụa đớn đau trong nồi nước đang sôi!

Đó là cảnh khổ đau của loài súc vật bị sát hại bởi con người. Còn đối với các loài động vật hoang dã như chúng ta đã từng thấy trong thực tế hay qua hình ảnh, tivi…. Nhiều con nai đang ung dung gặm cỏ, hái lá một cách vô tư, hiền lành thì bỗng dưng bị những con hổ, sói đuổi theo vồ bắt. Con nai cố sức chạy để thoát thân nhưng rồi cũng không thoát khỏi và phải chết một cách đau đớn bởi những hàm răng, móng vuốt sắc bén của loài hổ, sói!

Trên chỉ tiêu biểu một vài cảnh đau khổ của loài súc sanh. Trong thực tế thì còn muôn ngàn cảnh khổ đau khác mà kiếp sống của loài súc sanh phải chịu lấy bởi con người hay bởi loài cầm thú ăn nuốt lẫn nhau với những cách dã man hơn nữa. Theo truyền thuyết, thời Trung cổ ở Trung Quốc, Vua Tần Thủy Hoàng thường ăn óc khỉ, Từ Hy Thái Hậu hay uống “Trảm mã trà” để bổ dưỡng. Thời nay trên tivi, you tube…  chúng ta thấy nhiều lò mỗ ở nhiều nơi trên thế giới vì cung cấp thực phẩm cho con người mà đã giết hại heo, bò, gà, chó… rất tàn nhẫn! Nhiều người ăn bạch tuộc sống, ếch sống một cách rất dã man…!!!

Kinh Phật dạy, chúng sanh dù có thân hình khác nhau nhưng đều có bản năng sinh tồn, tham sống sợ chết như nhau. Bất cứ con vật gì cũng đều sợ bị giết hại. Chúng ta nên tưởng tượng rằng một khi tay hay chân của chúng ta bị cắt đứt, trầy sướt, hoặc bị bỏng một chút vì lửa hay nước sôi thì chúng ta cảm thấy đau đớn vô cùng. Vậy mà những con vật bị cắt, xẻ, trụng, thui… chúng ta không biết nỗi thống khổ của chúng đến dường nào! Chúng cố giãy giụa, gào thét nhưng nào có tránh khỏi! 

Với lòng từ bi tiềm ẩn trong mỗi người, chúng ta nên khơi dậy mà cảm thông, thương xót nỗi khổ của súc sanh như nỗi khổ của mình, giảm tránh những sự hành hạ, đánh đập đối với những con vật từng lao động nặng nhọc để phục vụ cuộc sống của con người. Khi chúng ta nuôi một con vật gì nên có lòng từ, thương yêu chúng, cung cấp thức ăn và chuồng trại cho chúng tương đối đầy đủ, thích nghi.

Để giảm tránh sự sát hại, con người nên tập ăn chay và giảm dần sự ăn mặn. Trong cuộc sống, thiên nhiên đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều loại thức ăn như hoa, quả, rau, củ, hạt…. Chúng ta có thể chế biến ra nhiều món với những hương vị rất thơm ngon và bổ dưỡng mà không cần phải có thịt cá. Nếu chúng ta ăn chay thì thực phẩm thịt cá sẽ không được tiêu thụ. Nhờ vậy chắc chắn sự chăn nuôi, sát hại sẽ giảm dần. Con người sẽ chuyển sang sinh sống bằng những nghề nghiệp khác tốt hơn, như gieo trồng, may dệt v.v….

Chúng ta đừng nghĩ rằng ăn chay sẽ làm giảm tổn sức khoẻ của con người, vì như ở xứ Ấn Độ, một đất nước rộng lớn với số lượng dân rất đông, đa số họ là những người ăn chay từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi già chết mà không hề biết một chút gì về thịt cá. Thực phẩm chính của họ là các loại đậu, khoai tây, sữa, bột, rau, củ, quả…. Thế nhưng thể tạng của họ rất cao to, khoẻ mạnh, có nhiều người trường thọ cả trăm tuổi hoặc gần trăm tuổi.

Hơn nữa, nhờ ăn chay mà cuộc sống của họ rất bình yên, thanh thản. Họ không có tính khí sân giận, nóng nảy nhiều như những dân tộc ở những nước đa số ăn thịt. Nhờ ăn chay nên sắc tướng của họ trông rất hiền lành, khả ái.

Hơn nữa, ăn chay không chỉ đem lại sức khoẻ tốt, tinh thần thanh thản cho cá nhân mà còn là sự bảo vệ tốt cho môi trường chung. Ở những nơi có nhiều người ăn chay thì chắc chắn không khí ở nơi đó sẽ trong lành hơn. Đơn cử, như khi chúng ta đến một ngôi chùa chỉ chuyên dùng thực phẩm chay thì mọi thứ đều trông tinh khiết, không khí nhẹ nhàn; nhưng nếu chúng ta đến một nơi quanh năm chỉ dùng món mặn thì chúng ta sẽ nghe những mùi tanh khét, thêm vào đó là những loài ruồi, lằn, gián, bọ… các loại côn trùng thích hợp với những mùi tanh hôi đó.

Ăn chay cũng còn là phương pháp giảm tiết công sức lao động và phát triển kinh tế. Trong chế độ ăn uống hàng ngày của con người gồm có hai cấp bậc. Cấp bậc I là các loại rau, quả… thuộc thực vật. Chúng ta chỉ gieo trồng và dùng những thành quả trực tiếp từ những loại thực vật ấy qua một thời gian ngắn. Cấp bậc II là các loại như thịt, cá… thuộc loài động vật. Con người phải chăn nuôi với công sức trong một thời gian dài. Trong quá trình đó con người cũng phải tốn kém nhiều thực phẩm mà con người đã trải qua thời gian gieo trồng (thuộc cấp bậc I), nhưng tỉ lệ thành quả thì ít hơn so với những khoản đã đầu tư, tốn kém. Chẳng hạn như khi con người dùng thực phẩm từ một con lợn 50 kg thì ngoài thời gian, công sức chăn nuôi, con người phải tốn cho nó cả tấn thực phẩm.

Nói tóm lại, súc sanh là loài có tình thức như con người nhưng yếu thế. Chúng thật đáng thương. Nếu chúng ta nuôi chúng thì nên quan tâm, giảm tránh sự hành hạ, đánh đập cũng như giảm tránh sự sát hại. Chúng ta cũng không nên nuôi hoặc khuyến khích nuôi các loài thú dữ ăn thịt như cọp, sói, sư tử… Chúng ta nên ăn chay và giảm dần sự ăn mặn để không những đem lại sức khoẻ mà còn có được tâm linh nhẹ nhàn, thanh thản, có được sắc tướng tốt đẹp, khả ái. Ăn chay con người cũng góp phần lớn trong việc bảo vệ môi trường trong sạch, phát triển kinh tế, giảm tiết thời gian và sức lực lao động.

Trong cuộc sống, mỗi người là một thành viên của xã hội. Nếu mỗi thành viên tự ý thức việc làm phước thiện, tự tạo môi trường tốt chung quanh mình thì cả xã hội sẽ được phát triển lành mạnh, tốt đẹp theo. Nếu mỗi quốc gia trên thế giới đều hoàn thiện như vậy thì thế giới này là Thiên đường, Cực lạc, không còn hận thù, khổ đau, giết chóc, mà chỉ sống bằng tình thương, nụ cười và an lạc.

_Thích Nữ Minh Huệ_

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập