Đời Sống Đẹp (tt)

Đã đọc: 5485           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Sách mới cho tuổi trẻ

Thoát ly

Mục đích của thiền là giải thoát. Tuy nhiên, giải thoát là ý niệm quá trừu tượng và xa vời cho các bạn trẻ. Bởi vậy, Lang thích định nghĩa giải thoát là thoát ly. Đang ở một hoàn cảnh ngột ngạt, khó khăn, bạn thoát ra khỏi nơi ấy, thì lập tức tâm hồn của bạn cảm thấy nhẹ nhõm ngay. Bạn đang bị trấn ngự bởi một cơn giận. Có một người thân đến thăm, hỏi han vài ba câu, ngồi bên nhau, uống một ly trà thơm, rủ nhau dạo chơi ngoài hiên. Nhờ thế, cơn giận trong bạn vơi đi từ lúc nào không hay. Đó là thoát ly, và bạn nào cũng có ít nhất một lần kinh nghiệm về sự thoát ly này.

       Có nhiều lúc, bạn sống như đang ở trong một giấc mơ. Bạn bị lôi kéo về những gì xảy ra trong quá khứ, hoặc lo lắng, mơ tưởng đến những gì thuộc về tương lai, hay bạn bị kẹt vào nỗi đau buồn, lo sợ, tuyệt vọng trong hiện tại. Thoát ly là vượt ra khỏi những tình trạng bế tắc ấy để sống vui tươi, tỉnh táo và thảnh thơi. Sống là một nghệ thuật tuyệt vời. Có tâm hồn nghệ sĩ thì bạn mới có khả năng thưởng thức sự sống trọn vẹn. Mời bạn đọc từ ca này của anh Trịnh Công Sơn:

 

“Hãy cứ vui chơi cuộc đời. Hãy cứ vui như mọi ngày. Bên trời còn nắng, lá trời còn xanh, phố người còn đông, rồi quên, rồi quên…”[1]

 

       Sống như vậy mới là đáng sống. Sống là biết chơi với cuộc đời. Sống là vui mỗi ngày, bởi vì bên trời còn nắng, lá rừng còn xanh, phố người còn đông, và còn nhiều nữa. Đôi mắt bạn còn sáng, hai tai bạn lắng nghe được tiếng chim hót, trái tim bạn còn đập bình thường, và biết bao nhiêu yếu tố hạnh phúc đang gõ mạnh vào cánh cửa tâm hồn phiêu lãng để bạn tỉnh dậy từ những cơn mơ. Các bạn có nhiều giấc mơ cơn mộng lắm, mộng tình yêu, mơ bằng cấp, mộng địa vị, mộng căn nhà, mơ xe hơi… ‘Mộng du’ là đi trong cõi mộng. Thế mà, có bạn đã đi mãi trong cõi mộng suốt cả kiếp người. 

     Bạn có thể là người may mắn, có đủ tài ba, có sự thông minh, nên bạn đã thực hiện được tất cả các giấc mộng của mình. Nhưng, bạn thật sự có hạnh phúc hay không?. Đôi khi, có điện thoại, xe hơi rồi, bạn lại muốn có điện thoại, xe hơi đời mới hơn, có nhãn hiệu sang hơn. Có nhà cao sang rồi, bạn lại muốn có biệt thự to hơn, có vườn tượt, có công viên rộng rãi… Và như thế, bạn mãi mê chạy theo ước muốn tiêu thụ, theo thời trang mốt mới và những giấc mơ khác để bảo đảm cho cái hạnh phúc mong manh của kiếp người. Bạn thật sự có hạnh phúc hay không? Hay là, vì mãi lo kiếm cho thật nhiều tiền, cho nên bạn không có thì giờ đế sống, ít cơ hội nhìn rõ chính mìmh và người thân,… Công việc kinh doanh, lao lực, suy tính làm cho bạn quá mệt mỏi. Cộng với sức ép của đời sống nhanh vì vậy bạn đánh mất đi sự bình tĩnh, an ổn trong tâm hồn. Trái lại, bạn thường nổi nóng, khó chịu, bực mình với mọi người. Mức căng thẳng, lo lắng, suy tính quá độ, vì thế bạn ăn không ngon, ngủ không được. Rốt cuộc, bạn mang trong mình một cơn bạo bệnh hiểm nghèo. Cuối cùng, chuyện gì đến thì nó phải đến, tức là bạn chết. Khi nằm xuống, bạn không mang theo được một cái gì cả, mà chỉ còn lại hai bàn tay trắng, với bao nhiêu nghiệp trái hàm oan do mình tạo ra trong lúc bon chen làm giàu để thực hiện giấc mộng vàng. Tất cả tài sản, tiền bạc đồ sộ kia, bạn để lại cho vợ con, và mỗi năm họ nhớ đến thăm nấm mồ hiu quạnh của bạn chỉ một lần. Thật là tội nghiệp cho bạn quá!

       Vậy, thiền là tỉnh thức, là vùng dậy từ cơn mơ để sống, để tiếp xúc với sự sống. Tuy nhiên, bạn hãy tập sống không vương vấn với bất cứ một đối tượng hạnh phúc nào. Một hôm, thiền sư khai thị đại chúng:

 

 “Không có con đường nào đưa đến hạnh phúc. Hạnh phúc là con đường.”[2] 

 

      Đó là câu nói hay! Tại sao? Bởi hạnh phúc này là khả năng biết sống vui tươi, an lạc và thảnh thơi. Một loại hạnh phúc không cần có điều kiện, không cần các giấc mơ. Tuy nhiên, những điều kiện hạnh phúc luôn luôn dàn trải khắp mọi nơi trong sự sống. Vì vậy, càng biết buông bỏ bao nhiêu, bạn càng có hạnh phúc bấy nhiêu. Thông thường, đa số chúng ta tin rằng: “Càng có nhiều điều kiện thuận lợi như vật chất, tiền tài, danh vọng thì càng có nhiều hạnh phúc.” Nhưng, sự thật có thể là ngược lại. Càng tham càng khổ, giống như ăn càng sung sướng, béo bổ càng dễ sinh nhiều bệnh tật. Thế thì, hạnh phúc là khả năng "thoát ly" để cảm nhận và tiếp xúc trực tiếp với sự sống.
          Có nhiều loại thoát ly, nhưng thoát ly tham dục là hạnh phúc lớn nhất, là thảnh thơi tuyệt vời. Có một Phật tử hỏi một vị thầy:

-         Bạch thầy! Trong suốt đời tu, thầy đã từng yêu cô gái nào chưa?

     Thầy ấy vừa mỉm cười, vừa trả lời với giọng hiền lành mà chân thật:

-         Có chứ sao lại không! Làm sao suốt đời tu mà thầy không thương yêu được hởi con.

Mới nghe trả lời như vậy, có thể nhiều người sẽ đánh giá:

-         Thầy không tu tập đàng hoàng.”

Nhưng, những ai có cơ hội gần gũi thì mới biết rõ công phu tu tập mỗi ngày của thầy. Qua bao nhiêu năm tu tập, thầy thấy như thế này:

-         Càng tu thì tình thương càng ngày càng lan rộng cho nhiều đối tượng trong đó có người nữ. Nữ giới cũng là người. Mẹ thầy cũng là người nữ, và thầy thương mẹ nhất trên đời… Thật sự, thầy đã từng thương yêu nhiều cô gái, và tình thương này đã giúp cho thầy quán chiếu về chính mình, về cuộc đời và về bản chất yêu thương. Thương được nhiều người thì sự vương mắc, đam mê và tham dục không còn mạnh như lúc thầy mới tu hoặc chưa biết tu.

     Các bạn trẻ thân mến! Tình thương nào cũng có chất liệu tham ái, bi lụy và si mê. Vì thế, tình thương là cửa ngõ tu tập để thăng hoa đời sống cho đẹp, cho lành, cho thanh thoát. Anh Trịnh Công Sơn có câu hát thật hay:

 

“… Cho nên, tôi yêu trái tim không nặng nề. Những con tim bạn bè bao la.”[3]

 

      Tình thương chỉ đẹp với con tim không nặng nề bởi chất liệu nhớ nhung, đam mê và dục vọng, khi tình thương ấy trở thành tình bạn bè. Nghĩa là một loại tình thương không biên giới, mà Phật gọi là Tứ Vô Lượng Tâm (từ, bi, hỷ, xả).

      Các bạn thân mến! Ngoài đồng tiền ra, tình yêu đã để lại quá nhiều thương tích, khổ đau, tuyệt vọng, thất tình cho nhiều bạn trẻ. Vì vậy, thoát ly là nghệ thuật thương yêu để chuyển hóa những chất liệu chiếm hữu, đam mê và tham dục. Càng biết thương yêu rộng lớn với tình bạn bè bao la thì bạn càng có nhiều hạnh phúc. Đức Thế Tôn được ca ngợi là người có tình thương lớn, cho nên đôi mắt và nụ cười của Người thường tỏa sáng năng lượng từ bi và giải thoát. Vậy, tình thương là cửa ngõ khác để bạn bước vào chân trời hạnh phúc và thảnh thơi.

 

 

(Còn tiếp)

Hương Trà Cốc, Thủ Đức

23- 12- Tân Mão

Lang

 


[1] Trịnh Công Sơn

[2] Nhất Hạnh

[3] Trịnh Công Sơn

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập