Thời gian và hạnh phúc

Đã đọc: 1801           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trong Phật giáo có vị thiền sư định nghĩa chữ hạnh phúc rất hay: Hạnh phúc chính là con đường, không phải là đích đến.

Trong thế gian này mọi người sống chung và gắn bó với nhau không gì ngoài chữ tình, sợi dây tình, sơi dây gắn kết giữa người với người ... Đức Phật dạy cõi chúng ta đang sống là hữu tình, tức là loài chúng sinh có tình thức vậy.

 

Chỉ trừ những bậc giác ngộ như chư Phật, Bồ tát, A la hán đại trí tuệ thì mới thoát được cái tình thế gian mà vẫn an lạc hạnh phúc. Còn hữu tình chúng sinh như ta đây vẫn còn cái tình để sống hạnh phúc tương đối nơi thế gian này.

 

Tình cha mẹ, tình con cái, tình vợ chồng, tình bạn bè, tình huynh đệ, tình đồng bào, tình quê hương đất nước...

Chữ tình trong mỗi hoàn cảnh tuy khác nhau, có ý nghĩa tầng bậc khác nhau nhưng có chung nhau ở điểm là phải có sự nhìn nhận, quan tâm và thông cảm cho nhau. 

“Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo”.

Tình là hạnh phúc của cuộc đời đấy!

Mà muốn có quan tâm và thông cảm tức là phải có thời gian giành cho nhau để có thể nhìn, lắng nghe, để thấu hiểu rồi thông cảm cho nhau. 

Cha mẹ có thời gian thì mới nhìn con, lắng nghe con, hiểu biết về con cái mình rõ ràng, mới yêu thương và nuôi con cái có trách nhiệm.

Con cái có thời gian thì mới nhìn về cha mẹ, mới lắng nghe để hiểu những nổi khổ của cha mẹ, mới thương yêu cha mẹ nhiều hơn.

Có thời gian thì vợ chồng mới hiểu lẫn nhau, cùng trải qua hạnh phúc và khó khăn thử thách, sống trọn đời với nhau.

Bạn bè thì phải có thời gian thì mới tồn tại tình bạn bè. Có thời gian nhìn về bạn, lắng nghe bạn...để cùng vượt khó, cũng hưởng vui...

Có thời gian thì chúng ta mới nhìn và lắng nghe quê hương đất nước, lắng nghe nơi có bão lũ và khó khăn... để mà chúng ta chia sẻ.

 Như vậy tóm lại muốn có tình thì chúng ta phải có thời gian giành cho nhau. Để nhìn, để lắng nghe và thấu hiểu, chia sẻ và cảm thông.

Nhưng chúng ta thường hay nói chúng ta không có thời gian, chúng ta rất bận rộn, chúng ta rất nhiều việc. Đấy chính là chúng ta tự lừa mình, dối người mà thôi.

Quý Thầy về đây, ngồi nói chuyện với cụ ông trong gia đình, là chồng của cụ bà vừa mất và là cha, là ông trong gia đình đây. Cụ đã chia sẽ cuộc sống của cụ.

Quý Thầy hỏi sao cụ 85 tuổi mà khoẻ mạnh, trông rất là tràn đây năng lượng như vậy? Cụ kể ở đây lúc trước cuộc sống cực khổ, nhà cụ cũng không dư dã, cụ không trồng trọt thì đốn củi hái lá... nhưng được một cái là cụ không bao giờ làm việc quá sức, luôn giành cho mình thời gian thư giản để mình ôn dưỡng lấy mình, cũng như nhìn lại con cái của mình. Cụ nói, nhiều người cùng lớp tôi thì đã mất hết, nhiều người giàu hơn tôi nhưng than với tôi là không hạnh phúc hơn tôi.

Nghe cụ ông kể như vậy mới thấy cụ ông đã sống đúng với tinh thần thiểu dục tri túc. Tức là tinh thần ít muốn biết đủ của Đạo Phật.

Ít muốn biết đủ là sao? Có người tự hỏi muốn ít làm sao mà được. Sống thì chúng ta phải muốn mới phát triển được chứ. Còn đủ thì bao giờ biết cho biết đủ đây! 

Trả lời thế thì cũng là có lý đấy. Nhưng ở đây chỉ xét khía cạnh để có cuộc sống an lành và hạnh phúc thì cần phải sống ít muốn và biết đủ.

Thực ra ít muốn tức là hạn chế cái tham, cái tham này là ham muốn bản năng, nó không chịu sự kiểm soát của lý trí, bỏ qua lý trí và làm không suy xét hậu quả. Ví dụ như hút chích ma tuý, chúng ta biết đụng vào nó thì có hại và tàn phá sức khoẻ, nhưng cái bản năng tham, cái ham muốn đó nó kéo làm lu mờ tâm trí chúng ta. Rồi tất cả quay lại là chính ham muốn của ta hại chính bản thân ta. Hay có những công việc mà ngoài khả năng, suy nghĩ mà chúng ta vẫn đeo đuổi tham cầu, vọng tưởng. Cuối cùng cái tham cầu đó làm chúng ta tốn thời gian, bỏ qua những cơ hội vừa sức mà chúng ta vẫn không đạt được mục đích xa vời đó. Đó cũng chính là lý do mà chúng ta không có thời gian. Nếu chúng ta hạn chế cái tham bản năng, sử dụng sự tỉnh giác, sự quán xét của chúng ta thì chúng ta sẽ giành ra khoảng thời gian cho nhau, dù ban đầu có thể là ít. Có thời gian rồi thì chúng ta mới có thể nói đến có tình.

Còn biết đủ là sao? Chữ đủ có nghĩa là phải thấy sự an lạc, sự hạnh phúc trong hiện tại, trong từng phút từng giây trước mặt đây. Có hạnh phúc an lạc tức là đã đủ. Chúng ta làm việc, nhưng không thấy được cảm hứng trong công việc, chúng ta có sức khoẻ mà chúng ta không biết chúng ta có sức khoẻ, chúng ta lại tự tàn hại mình bằng những thứ độc hại, chúng ta có cha có mẹ thương yêu, có anh có em đoàn kết, có vợ có chồng chung thuỷ mà nhiều lúc chúng ta không thấy, bỏ quên hay không để ý. Chúng ta có 3 đồng rồi  kiếm thêm để đủ 5 đồng, rồi không vừa lòng 5 đồng để kiếm lên 7 đồng.  Nhưng đột nhiên, chính 7 đồng đó đã làm ta mất tình vợ chồng, mất nghĩa bạn bè, bỏ quên trách nhiệm dạy bảo con cái, quên báo hiếu cha mẹ thì 7 đồng đó ta tìm có xứng đáng không?  Chúng ta cố gắng tìm cầu cái hạnh phúc xa vời ở đâu xa xôi, để rồi đánh đổi những cái hạnh phúc trước mặt. Chúng ta cố công việc, quên hết tất cả, bỏ qua tất cả, khổ đau và giành giật lo kiếm tiền để về già có thể nghỉ hưu sống cuộc sống an nhàn hạnh phúc. Nhưng về già nhiều khi có tiền thì có đó, con cái lại bất hiếu, vợ hoặc chồng không chung thuỷ, cha mẹ già qua đời trong xa cách... vậy thì cuối cùng hạnh phúc ở nơi đâu?

Trong Phật giáo có vị thiền sư định nghĩa chữ hạnh phúc rất hay: Hạnh phúc chính là con đường, không phải là đích đến. 

Hạnh phúc phải thực sự có mặt trong từng phút giây chúng ta đang sống đây, hạnh phúc có mặt mọi lúc mọi nơi đây, nếu chúng ta có thời gian và quan tâm nhìn lại, lắng nghe và chia sẻ cảm thông. Thì cuộc đời này, tình cha mẹ, tình vợ chồng, con cái, bạn bè, quê hương đất nước luôn tồn tại trong ta.

Và ta là những người có hạnh phúc tương đối vậy. Bởi vì trong ta có chữ tình đúng đắn. Chữ tình được xây dựng bằng chất liệu nhìn nhận, lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông. 

Mở rộng cái tình này ra cho đến muôn loài muôn vật, vô biên vô hạn, bình đẳng với nhau thì đó chính là tình của Đại bồ tát, của chư Phật vậy. Tình tức vô tình mà là tình vậy.

 

(Quảng Nam, 16/10/2020  -Thích Chúc Tâm)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập